/ Tư vấn
/ Căn cứ pháp lý để khởi kiện phân chia tài sản và nhận chu cấp nuôi con khi đã thay đổi HKTT

Căn cứ pháp lý để khởi kiện phân chia tài sản và nhận chu cấp nuôi con khi đã thay đổi HKTT

11/12/2024 11:00 |

(LSVN) - Tôi và chồng thuận tình ly hôn được 02 năm, hai bên thỏa thuận chia tài sản (gồm nhiều bất động sản được mua trong thời kỳ hôn nhân) và nuôi 02 con chung, hiện nay, tôi nhận nuôi 02 con và chồng có nghĩa vụ chu cấp. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chồng tôi không thực hiện phân chia tài sản và việc chu cấp như thỏa thuận. Nay, tôi muốn khởi kiện để phân chia tài sản và nhận chu cấp nuôi con nhưng tôi và chồng đều đã chuyển nơi đăng ký hộ khẩu thường trú (HKTT) ở nơi khác, không còn ở nơi đã tiến hành thủ tục ly hôn 02 năm trước. Vậy, căn cứ pháp lý nào để tôi khởi kiện và Tòa án nơi tôi có thể nộp đơn khởi kiện?

Theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, nguyên đơn có thể lựa chọn Tòa án nơi bị đơn cư trú hoặc nơi có bất động sản để đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo quy định tại Điều 28 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì “Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn” là tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân. Nếu vụ việc không có yếu tố nước ngoài thì Tòa án nhân dân cấp huyện sẽ có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự theo Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện

1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:

a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này.

Bên cạnh đó, cũng theo quy định tại Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự thì thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

- Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

- Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

- Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.

Ngoài ra, Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự có quy định về thẩm quyền lựa chọn Tòa án của nguyên đơn như sau:

Nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động trong các trường hợp sau đây:

- Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;

- Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết;

- Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam hoặc vụ án về tranh chấp việc cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;

- Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra việc gây thiệt hại giải quyết;

- Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác đối với người lao động thì nguyên đơn là người lao động có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết;

- Nếu tranh chấp phát sinh từ việc sử dụng lao động của người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi người sử dụng lao động là chủ chính cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi người cai thầu, người có vai trò trung gian cư trú, làm việc giải quyết;

- Nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết;

- Nếu các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở ở nhiều nơi khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi một trong các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;

- Nếu tranh chấp bất động sản mà bất động sản có ở nhiều địa phương khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi có một trong các bất động sản giải quyết.

Căn cứ vào Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự thì nguyên đơn có thể lựa chọn Tòa án nơi cư trú cuối cùng của bị đơn (nếu hiện nay không biết bị đơn đang cư trú ở đâu) hoặc Tòa án nơi có bất động sản để được giải quyết theo quy định của pháp luật, trường hợp có nhiều bất động sản thì có thể lựa chọn Tòa án ở một trong các nơi có bất động sản để được giải quyết.

TRẦN NGUYÊN

Các tin khác