Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến 06h00 sáng ngày 24/3 là ngày thứ 6 liên tiếp, Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc ở cộng đồng. Cả nước hiện có gần 38.000 người đã tiêm vaccine phòng Covid-19.
Tính riêng tại địa bàn tỉnh Hải Dương, một trong những địa phương đầu tiên có dịch trong đợt này và là địa phương dịch kéo dài nhất, phức tạp nhất, 6 ngày nay không ghi nhận ca mắc mới.
Có thể nói, đây là một thành quả, là nỗ lực rất lớn của Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng chống dịch và sự đồng lòng, hưởng ứng của nhân dân cả nước trong công cuộc phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Đối với tỉnh Hải Dương, trước đó, sự việc xảy ra tại Công ty POYUN các ngành chức năng địa phương này đã phải ngay lập tức đóng cửa toàn bộ phân xưởng và đưa hơn 2.000 công nhân của Công ty này đi xét nghiệm Covid-19. Đồng thời, cách ly tập trung nhằm phòng tránh dịch bệnh.
Tuy nhiên, khi dịch bệnh đang dần lắng xuống và được kiểm soát tại Hải Dương thì mới đây hàng trăm công nhân vội vã rời khỏi địa phận Công ty EASTECH - KCN Cộng Hòa, TP. Chí Linh, Hải Dương khi phát hiện đoàn công tác kiểm tra phòng, chống dịch Covid-19 tới.
Sự việc trên được xác nhận chỉ là “sai sót” nhỏ khi nhà máy này chỉ thiếu thủ tục báo cáo với cơ quan chức năng để chịu sự giám sát về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nhưng đây cũng là sự việc đáng để mọi người phải suy ngẫm, bởi đôi khi chỉ vì sự thiếu trách nhiệm của một cá nhân sẽ khiến nỗ lực của cả hệ thống "đổ sông, đổ biển" như đã từng xảy ra. Đồng thời, với đặc thù là địa bàn có nhiều khu công nghiệp, tập trung đông lượng người làm việc thì TP. Chí Linh, Hải Dương nói riêng và các tỉnh thành khác nói chung phải thật đề cao công tác phòng chống dịch bệnh.
Theo Luật sư Đặng Hồng Dương, sự việc xảy ra tại Công ty EASTECH - KCN Cộng Hòa, TP. Chí Linh, Hải Dương là một sự cố đáng tiếc. Mọi người phải tuân thủ nguyên tắc “chống dịch như chống giặc”, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Theo Luật sư Dương, để tránh những việc như trên có thể tiếp tục xảy ra chúng ta cần có sự đồng lòng từ các cấp chính quyền tới người dân. Đối với các cấp chính quyền địa phương cần không ngừng nâng cao công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, thực hiện đúng, đủ, nghiêm chỉnh chức năng, quyền hạn của mình, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức xã hội trong quần chúng nhân dân.
Đối với từng cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp địa phương luôn nâng cao ý thức tự giác tuân thủ quy định pháp luật và tinh thần tôn trọng lợi ích tập thể của cộng đồng dân cư, xã hội.
Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng cho rằng, nếu Công ty EASTECH mới chỉ tập trung công nhân trong buổi sáng ngày 17/3/2020 nhưng đã bị phát hiện và xử lý thì có thể thấy, các cơ quan chức năng đã có những phản ứng nhanh chóng, quyết liệt và kịp thời.
“Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải xem xét và đánh giá một cách khách quan nguyên nhân của vụ việc. Nếu nguyên nhân xuất phát từ công tác trao đổi thông tin, tuyên truyền đến với doanh nghiệp thì phải nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, thiếu sót của các cá nhân và đơn vị có liên quan. Ngược lại, nếu doanh nghiệp đã được cung cấp thông tin, tuyên truyền đầy đủ, đã biết về các quy định phòng chống dịch bệnh nhưng vẫn cố tình vi phạm thì cần phải xử lý nghiêm minh theo pháp luật, để tăng tính răn đe và phòng ngừa các vụ việc vi phạm tương tự. Còn nếu trong trường hợp Công ty EASTECH chưa hoạt động trở lại mà mới chỉ cho công nhân đến chuẩn bị cho việc sản xuất trở lại, thì với việc tụ tập hàng trăm công nhân như vậy thì cũng đã có dấu hiệu vi phạm quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 12, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Trong trường hợp, những hành vi vi phạm nêu trên làm lây lan dịch bệnh, hoặc gây ra các hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự”, Luật sư Hùng nói.
Qua vụ việc này có thể thấy, mặc dù dịch bệnh bệnh Covid-19 đã tạm được khống chế nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Do đó, hơn lúc nào hết mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
LÂM HOÀNG