/ Luật sư - Bạn đọc
/ Bệnh nhân tử vong sau khi bị 5 cơ sở y tế từ chối cấp cứu: Cần điều tra nghiêm túc, trách nhiệm

Bệnh nhân tử vong sau khi bị 5 cơ sở y tế từ chối cấp cứu: Cần điều tra nghiêm túc, trách nhiệm

15/08/2021 22:57 |

(LSVN) - Cần điều tra nghiêm túc, có trách nhiệm từ các cơ quan chức năng, đặc biệt là của các đơn vị thuộc Công an tỉnh Bình Dương để xác định rõ tại thời điểm gia đình đưa ông D. đến các cơ sở y tế thì điều kiện ứng trực cấp cứu để từ đó xem xét, xử lý trách nhiệm nghiêm túc, cụ thể đến từng cá nhân.

Liên quan đến vụ việc bệnh nhân đến 5 cơ sở y tế nhưng không được cấp cứu phải trở về nhà và tử vong, Ủy ban nhân dân TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã đề nghị Công an vào cuộc xác minh, làm rõ.

Chết người sau khi bị 5 cơ sở từ chối thăm khám

Trước đó, ngày 14/8, tại TP. Dĩ An, Bình Dương xôn xao câu chuyện người đàn ông tên N.D. (57 tuổi, quê ở Trà Vinh, tạm trú tại phường Tân Đông Hiệp, TP. Dĩ An, Bình Dương) bị nôn ói phải đi cấp cứu nhưng nhiều cơ sở y tế không nhận nên phải trở về nhà và tử vong, tối cùng ngày, gia đình tổ chức mai táng cho ông.

Anh Nguyễn Văn Cường (chủ nhà trọ, nơi ông N.D. ở) cho biết, khoảng 20 giờ ngày 13/8 chị Phượng con ông N.D. phát hiện cha mình nôn ói dữ dội nên nhờ mọi người đưa đi cấp cứu. “Lúc đó, tôi gọi cấp cứu để đưa ông N.D. đi nhưng không thấy ai bắt máy. Không chờ được nữa, tôi nhờ anh bạn dùng xe tải để chở ông ấy đi bệnh viện”, anh Cường kể.

Điểm đầu tiên là Trung tâm y tế TP. Dĩ An, nhưng nơi này không nhận vì tại đây đang điều trị bệnh nhân Covid-19. Anh Cường và mọi người tiếp tục đưa đến Phòng khám đa khoa Ngọc Hồng, nơi này cũng không nhận. Sau đó, mọi người tiếp tục chuyển ông D. đến bệnh viện Quân đoàn 4, Bệnh viện đa khoa An Phú và cuối cùng là Phòng khám đa khoa tư nhân Nam Anh. 

Tất cả các cơ sở y tế này đều không nhận với lý do các bác sĩ đi chống dịch Covid-19 và không đủ trang thiết bị để cấp cứu. Điều đáng nói, tại điểm đến thứ 2 là Phòng khám đa khoa Ngọc Hồng, trước khi cho ông D. và chị Phượng được vào cấp cứu thì phải vào test Covid-19. Tại đây, ông D. cùng người thân được test nhanh Covid-19 và có kết quả âm tính. Tuy nhiên, sau khi thăm khám và hỏi tiền sử bệnh (ông D. bị cao huyết áp, từng bị đột quỵ), bác sĩ tại phòng khám này cho biết tình trạng của ông D. quá nặng, vượt khả năng của phòng khám nên đề nghị bệnh nhân chuyển viện lên tuyến trên.

Sau khi rời phòng khám, gia đình đã đưa ông D. Bệnh viện đa khoa An Phú và Phòng khám đa khoa tư nhân Nam Anh nhưng không nơi nào nhận bệnh. Ông D. đã tử vong vào đêm 14/8.

Vi phạm nghiêm trọng quy định

Theo Luật sư Hoàng Kiên - Đoàn Luật sư TP. Cần Thơ, hiện tại, mặc dù Bình Dương là tâm dịch Covid-19 lớn thứ 2 ở phía Nam, chỉ sau TP. HCM. Tuy nhiên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương đã có những phương án chỉ đạo kịp thời trong việc ứng phó với đại dịch, áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ phù hợp, không rập khuôn, cứng nhắc.

Cụ thể là Văn bản ban hành ngày 12/7/2021, UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương quán triệt đến tất cả các cơ sở y tế, khám chữa bệnh trên địa bàn nghiêm túc thực hiện đúng thời gian đã đăng ký hoạt động, nếu không tiếp nhận các bệnh nhân khi được chuyển đến để xảy ra trường hợp tử vong thì xử lý theo quy định của pháp luật, nếu cần thiết thì chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự.

Luật sư Kiên phân tích, theo khoản 2, 3 Điều 2 Quy chế cấp cứu, hồi sức, tích cực và chống độc được ban hành kèm theo Quyết định 01/2008/QĐ-BYT ngày 21/01/2008 quy định:

"2. Tất cả các trường hợp cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc các cán bộ y tế phải khẩn trương thực hiện nhiệm vụ theo mức độ ưu tiên, không được gây khó khăn về thủ tục hành chính, không được đùn đẩy người bệnh, người bị.

3. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải ưu tiên tập trung mọi điều kiện về con người, trang thiết bị và cơ sở vật chất tốt nhất để cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc cho người bệnh".

Thêm vào đó, điểm a, b khoản 1 Điều 8 Quy chế cũng quy định chức năng, nhiệm vụ khoa Cấp cứu trong Bệnh viện như sau:

- Tiếp nhận và điều trị mọi trường hợp người bệnh cấp cứu được chuyển tới bệnh viện;

- Đánh giá, phân loại tình trạng bệnh và thực hiện các biện pháp cấp cứu thích hợp theo mức độ ưu tiên cấp cứu đến khi người bệnh qua khỏi tình trạng nguy kịch và trong vòng 48 giờ phải chuyển người bệnh đến khoa Hồi sức tích cực hoặc một chuyên khoa phù hợp khi điều kiện bệnh nhân cho phép.

Qua sự việc, Luật sư đánh giá ông D. bị tử vong do thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm của đội ngũ y, bác sĩ ở 05 Cơ sở y tế có chức năng khám chữa bệnh nêu trên hay vì lý do nào khác thì cần phải được Cơ quan chức năng tiến hành xác minh, làm rõ.

Cần điều tra nghiêm túc, trách nhiệm

Theo Luật sư Kiên, trước hết, cần phải truy xét, quy trách nhiệm của vị bác sĩ trực tiếp nhận cấp cứu tại Phòng khám Đa khoa Ngọc Hồng đối với trường hợp xử lý ca bệnh của ông D. Bởi cơ sở này đã vi phạm nghiêm trọng khoản 1 Điều 6 Luật Khám chữa bệnh năm 2009: “Từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh”, hậu quả làm ông D. đã tử vong. Bác sĩ của Phòng khám đa khoa Ngọc Hồng đã vô tâm, thiếu y đức trước sự đau đớn của bệnh nhân khi đến cấp cứu tại cơ sở của mình. Bác sĩ này có trách nhiệm phải nhận thức được tình trạng nguy cấp về sức khỏe tại thời điểm đó của ông D. cũng như việc khó khăn trong việc di chuyển tìm đến các Cơ sở y tế khác để được điều trị trong tình trạng toàn tỉnh đang áp dụng việc giãn cách xã hội Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong trường hợp tiến hành xác minh, điều tra có căn cứ cho rằng vị bác sĩ này thờ ơ, thiếu trách nhiệm, thật sự vô tâm trước sự đau đớn của bệnh nhân (kết quả test Covid-19 là âm tính), thì cần xem xét, xử lý hình sự với tội danh "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" được quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 để làm gương, cũng như là hồi chuông cảnh tỉnh cho những y, bác sĩ khác đã từng có thái độ dửng dưng, vô cảm trước sự sống chết của người bệnh.

Ngoài ra, cần mở một cuộc điều tra nghiêm túc, có trách nhiệm từ các cơ quan chức năng, đặc biệt là của các đơn vị thuộc Công an tỉnh Bình Dương để xác định rõ tại thời điểm gia đình đưa ông D. đến các cơ sở y tế: Trung tâm y tế TP. Dĩ An; Bệnh viện Quân Đoàn 4; Phòng khám đa khoa An Phú và Phòng khám đa khoa tư nhân Nam Anh thì điều kiện ứng trực cấp cứu theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Dương; Luật Khám chữa bệnh; Quy chế cấp cứu, hồi sức, tích cực và chống độc và theo quy định của đơn vị như thế nào?, để từ đó xem xét, xử lý trách nhiệm nghiêm túc, cụ thể đến từng cá nhân. 

"Trong tình trạng bệnh dịch diễn biến phức tạp như hiện nay, việc có nhiều đơn vị y tế có chức năng khám chữa bệnh để cho lực lượng bảo vệ, gác cổng – những người thiếu kiến chuyên môn về bệnh lý, y học đứng ra tiếp nhận thông tin và từ chối tiếp nhận bệnh khi các xe đưa bệnh nhân đến chưa được vào cổng của các cơ sở y tế như trường hợp của ông D. để cho hậu quả xảy ra thì thật đáng tiếc", Luật sư Kiên chia sẻ.

HỒNG HẠNH

Bình Dương: Bệnh nhân tử vong sau khi bị 5 cơ sở khám chữa bệnh từ chối cấp cứu

Lê Minh Hoàng