Sáng ngày 29/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Đóng góp vào dự án Luật, Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên - Huế) quan tâm tới thẩm quyền giám sát của Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính cấp trên đối với các đơn vị hành chính cấp dưới không tổ chức Hội đồng nhân dân (Điều 5a). Theo đó, đại biểu nhất trí bổ sung nhưng ở khoản 1 thay vì giao Quốc hội quy định về “Thẩm quyền giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính cấp trên đối với các đơn vị hành chính cấp dưới không tổ chức Hội đồng nhân dân” thì đề nghị quy định ngay tại dự Luật này. Vì đây là Luật cụ thể hóa một trong ba chức năng của Quốc hội, cần hạn chế tối đa việc Quốc hội ban hành thêm những văn bản dưới Luật kiểu như thế này nhằm tránh vòng luẩn quẩn trong giải quyết thẩm quyền…
Đề cập về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát (Điều 7), đại biểu đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật bổ sung từ “làm việc” sau các từ chỉ thời gian “3 ngày” để định vị tình trạng thời gian hành chính trong thực hiện việc gửi văn bản quy phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát đến chủ thể giám sát được quy định ở khoản 2. Mặt khác, để ràng buộc trách nhiệm của “Cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát ủy quyền cho cấp phó thay mình trình bày, báo cáo tại khoản 3, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung “nhưng phải chịu trách nhiệm liên đới đối với những vấn đề cấp phó của mình trình bày”.
Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga (Đoàn Trà Vinh) đề nghị ban soạn thảo bổ sung thêm quy định đối với trách nhiệm của UBND ở những nơi không có HĐND cùng cấp thì việc gửi quyết định mà mình đã ban hành đến HĐND cấp trên chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày ký văn bản.
Về quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, đại biểu đề nghị ban soạn thảo quy định thêm về trách nhiệm cụ thể mang tính bắt buộc đối với các chủ thể này; cần bổ sung các giải pháp thực sự hiệu quả để tăng cường theo dõi, đôn đốc, ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan chịu sự giám sát, bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc các kết luận, kiến nghị giám sát; bổ sung quy định chế tài xử lý trong trường hợp quá thời hạn mà cơ quan, cá nhân không thực hiện kết luận, kiến nghị hoặc thực hiện không đúng yêu cầu; quy định trách nhiệm của cơ quan truyền thông trong việc phản ánh tình hình, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát; tăng cường trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát...