Sáng 29/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Góp ý về nguyên tắc hoạt động giám sát, Đại biểu Vũ Thị Liên Hương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi cho biết, dự thảo bổ sung nguyên tắc bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương là phù hợp. Còn về cách thức thể hiện, đại biểu thống nhất theo phương án 1 để xác định đây là một nguyên tắc riêng, một nội dung mới được bổ sung vào trong luật.
Về sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 7 quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, dự thảo luật chỉ sửa đổi bổ sung khoản 2, quy định thêm đối tượng là Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao có trách nhiệm gửi văn bản quy phạm pháp luật mà mình đã ban hành đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời gửi đến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có liên quan để giám sát. Đại biểu cũng đề nghị xem xét sửa đổi bổ sung khoản 4. Theo đó, bổ sung quy định về xử lý trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị của chủ thể giám sát. Quy định thật cụ thể các hành vi, tính chất, mức độ vi phạm, trình tự, thủ tục thực hiện đảm bảo cơ sở pháp lý thực hiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử.
Về sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 13 về thời điểm xem xét báo cáo của các cơ quan, đại biểu đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành. Vì kỳ họp cuối năm, Quốc hội cần phải xem xét toàn diện các vấn đề để có đầy đủ thông tin quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính, phân bổ ngân sách nhà nước và quyết định các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các vấn đề liên quan trong năm sau.
Góp ý về bổ sung Điều 15 xem xét việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề bằng hình thức chất vấn, đại biểu tán thành bổ sung quy định này. Theo đó, tại kỳ họp cuối năm của năm thứ hai và kỳ họp cuối năm của năm thứ tư của nhiệm kỳ, Quốc hội xem xét về chất vấn việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn giám sát chuyên đề.
Như vậy, Quốc hội thực hiện giám sát liên tục, đi đến cùng vấn đề và xem xét trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền đối với vấn đề đã hứa giải quyết với cử tri. Vấn đề này, đại biểu đề nghị nghiên cứu thực hiện đối với Hội đồng Nhân dân các cấp. Tuy nhiên, tại khoản 3 của điều này quy định các trường hợp Quốc hội cho trả lời chất vấn bằng văn bản là trùng với quy định tại khoản 4 Điều 14, đề nghị rà soát, chỉnh lý cho thống nhất…