(LSVN) - "Việc xử lý trách nhiệm đối với người, cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật và thực hiện các hành vi vi phạm là cần thiết. Theo đó, cần hoàn thiện pháp luật nhằm chi tiết hóa, tạo hành lang pháp lý cụ thể để xử lý các văn bản hành chính ban hành cẩu thả, không sát với thực tế, thậm chí có dấu hiệu vi phạm, gây nhầm lẫn, tạo cơ hội cho các đối tượng lợi dụng để trục lợi. Trong trường hợp có thiệt hại xảy ra thì cũng cần quy định rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân, cơ quan, tổ chức đã ban hành các văn bản trên".
Ngày 26/7, Bộ Y tế có Văn bản số 5967/BYT-YDCT gửi Sở Y tế các tỉnh, thành, các bệnh viện y học cổ truyền Bộ, ngành và các tỉnh thành phố, các bệnh viện chuyên khoa… về việc thu hồi công văn số 5944/BYT-YDCT.
Theo đó, ngày 24/7/2021, Bộ Y tế ban hành Công văn số 5944/BYT-YDCT về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu để góp phần phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, do có một số nội dung chưa phù hợp nên Bộ Y tế thu hồi Công văn này. Văn bản thu hồi do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký.
Những câu chuyện về việc ban hành văn bản trái luật đã xảy ra rất nhiều, theo khảo sát của Bộ Tư pháp chỉ trong 06 tháng đầu năm 2019, các bộ, ngành, địa phương bước đầu đã phát hiện 122 văn bản trái nội dung, thẩm quyền.
Người ký phải chịu trách nhiệm
Về việc này, nhiều Đại biểu Quốc hội và Luật sư cho rằng, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn; dự liệu được hết các yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng thực hiện; tính toán kỹ về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nội dung, đảm bảo tính khả thi sau khi văn bản được ban hành, không phải chuyện “thích thì ban hành”, gây hoang mang cho dư luận. Và người đặt bút ký quyết định phải là người chịu trách nhiệm chính, sau đó đến những bộ phận liên quan.
Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền cho biết, theo quy định pháp luật, văn bản hành chính phải là các quyết định hành chính, được người có thẩm quyền ra các văn bản ấy trao trình tự thủ tục nhất định. Do đó, nếu các cơ quan hành chính trao quy định, mà các cơ quan ban hành văn bản phát hiện ra những sai sót thì có quyền sửa chữa, thu hồi theo trình tự thủ tục thông thường.
Ông Xuyền cho rằng, nếu người ban hành văn bản có dấu hiệu của cố ý làm trái hoặc ban hành văn bản để lợi dụng chức vụ quyền hạn hoặc gây thiệt hại về vật chất, về các thiệt hại khác cho xã hội thì chắc chắn phải xem xét, đánh giá đến cái chất lượng ban hành văn bản, người ký ban hành rồi người tham mưu phải bị xử lý theo trình tự thủ tục.
Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, pháp luật hiện hành vẫn chưa có quy định về trách nhiệm do việc ban hành và thi hành văn bản trái pháp luật gây ra, khiến cho quyền lợi hợp pháp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân bị thiệt hại chưa được bảo vệ một cách đầy đủ nhất.
Mặt khác, pháp luật cũng chưa có quy định riêng biệt và cụ thể về việc xử lý trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân có “lỗi” trong việc ban hành các văn bản không phù hợp hoặc trái pháp luật.
Xử lý theo pháp luật về cán bộ, công chức?
Luật sư Nguyễn Hồng Tâm cho biết, theo quy định tại Nghị định 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về Công tác văn thư thì ban hành văn bản phải tuân thủ theo đúng quy trình bao gồm: Soạn thảo văn bản – Duyệt văn bản – Kiểm tra văn bản trước khi ký – Ký và ban hành.
“Như vậy, có thể thấy từng bước trong quy trình ban hành văn bản rất chặt chẽ, đầy đủ để đảm bảo văn bản ban hành đúng quy định của pháp luật, giảm thiểu sai sót. Tuy nhiên, trong một số trường hợp do thiếu sót ở một số khâu trong quy trình, đồng thời công tác kiểm tra văn bản trước khi ký chưa hiệu quả dẫn đến còn tồn tại một số văn bản sau khi ban hành mới phát hiện ra sai sót, không thể áp dụng trong thực tế hoặc dẫn đến nhầm lẫn, hiểu nhầm”, Luật sư Tâm cho hay.
Theo Luật sư Tâm, khi phát hiện ra văn bản đã ban hành có sai sót hoặc không thể áp dụng, gây nhầm lẫn… thì cá nhân, tổ chức có thẩm quyền ban hành văn bản có quyền thu hồi lại văn bản đó. Điều này là đúng và được pháp luật cho phép. Đồng thời, căn cứ vào hậu quả gây ra cũng như xác định lỗi ở khâu nào trong quy trình ban hành văn bản mà xem xét xử lý các cá nhân, tổ chức ban hành văn bản trái quy định.
Về mặt nguyên tắc thì người ký ban hành văn bản phải chịu trách nhiệm trước pháp luật cũng như Thủ trưởng cơ quan về việc ban hành văn bản trái quy định cũng như hậu quả gây ra của văn bản đó. Còn về việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người, cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật hiện nay được quy định tại Điều 34 Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật.
“Nhưng thật đáng tiếc, Nghị định trên chỉ áp dụng đối với các Văn bản quy phạm pháp luật còn đối với các văn bản hành chính thì chưa có quy định rõ ràng về việc xử lý người ban hành văn bản. Tuy nhiên, người ban hành văn bản có sai sót trên có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức”, Luật sư Tâm khẳng định.
Đồng quan điểm, Luật sư Hà Thị Khuyên cho biết, hiện nay rất nhiều Công văn mang tính nội bộ ngành dọc của cơ quan cấp Bộ và cơ quan ngang Bộ được ban hành, do đây không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên dẫn đến nhiều Bộ, ban ngành đã thiếu chặt chẽ trong việc xây dựng và ban hành dẫn đến hậu quả sau đó là phải thu hồi một cách chớp nhoáng.
“Rất nhiều lỗi về năng lực chuyên môn và kỹ thuật xây dựng, soạn thảo một văn bản, mặc dù Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về Công tác văn thư đã quy định khá rõ ràng, đó là một yêu cầu sơ đẳng nhất một cán bộ, công chức, viên chức phải nắm được khi thực hiện nhiệm vụ”, Luật sư Khuyên cho biết.
Cần hoàn thiện pháp luật tạo hành lang pháp lý cụ thể
Các Luật sư cho rằng, việc xử lý trách nhiệm đối với người, cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật và thực hiện các hành vi vi phạm là cần thiết. Theo đó, đối tượng để xem xét trách nhiệm bao gồm tập thể cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản; cá nhân người đứng đầu cơ quan; cán bộ, công chức trong quá trình tham mưu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, thông qua văn bản có nội dung trái pháp luật.
Đồng thời, cần hoàn thiện pháp luật nhằm chi tiết hóa, tạo hành lang pháp lý cụ thể để xử lý các văn bản hành chính ban hành cẩu thả, không sát với thực tế, thậm chí có dấu hiệu vi phạm, gây nhầm lẫn, tạo cơ hội cho các đối tượng lợi dụng để trục lợi.
Trong trường hợp có thiệt hại xảy ra thì cũng cần quy định rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân, cơ quan, tổ chức đã ban hành các văn bản trên.
Để khắc phục các lỗ hổng – khoảng trống này, cán bộ, công chức, viên chức cần nắm chắc các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (2020) về kỹ thuật trình bày, hình thức, nội dung… để tham mưu và soạn thảo nhằm tránh sai sót đang tiếc xảy ra.
HUY HOÀNG
Thực phẩm chức năng tăng giá theo Công văn của Bộ Y tế: Cần xử lý triệt để