/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Cần hoàn thiện quyền kháng cáo của người bào chữa trong Bộ luật Tố tụng hình sự

Cần hoàn thiện quyền kháng cáo của người bào chữa trong Bộ luật Tố tụng hình sự

20/11/2023 06:26 |

(LSVN) - Kháng cáo được hiểu là thủ tục tiến hành sau khi bản án được tuyên tại phiên tòa sơ thẩm chưa có hiệu lực thi hành ngay, trong khoảng thời gian 15 ngày nếu không đồng ý với phán quyết của bản án sơ thẩm thì các bên có quyền nộp đơn kháng cáo để yêu cầu xét xử bản án đó. Kháng cáo hình sự là quyền của bị hại, bị cáo, đương sự khi không đồng ý với bản án, khi xét thấy bản án quyết định chửa đảm bảo đúng quyền lợi của họ.

Ảnh minh họa.

Căn cứ vào Điều 331 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) có quy định người có quyền kháng cáo gồm:

“1. Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm.

2. Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa

3. Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.

4. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ

5. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tinh thần hoặc có thể chất có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ.

6. Người được Tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội”.

Như vậy, khoản 2 Điều 331 BLTTHS năm 2015 chỉ trao quyền kháng cáo cho người bào chữa để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa. Quyền kháng cáo của người bào chữa là quyền kháng cáo độc lập không phụ thuộc vào ý chí của bị cáo và người đại diện để nhằm bảo vệ quyền lợi cho người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.

Tuy nhiên, quy định này vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, cụ thể:

- Chỉ trao quyền kháng cáo của người bào chữa chỉ để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất là chưa đủ “chưa đủ đối tượng” bởi trên thực tế vẫn có rất nhiều người bị buộc tội cũng cần được bảo vệ quyền lợi như: người dân tộc thiểu số, người cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, người cao tuổi. Đây là những đối tượng đa phần bị hạn chế trong việc tiếp cận và nắm bắt được các quy định của pháp luật nên rất khó có thể phát hiện ra các sai sót trong trong hoạt động tố tụng, trong bản án sơ thẩm để bị cáo có thể tự thực hiện quyền kháng cáo của mình. Hoặc những bị cáo bị kết án chung thân hoặc tử hình, bởi nếu có sai sót trong quá trình tố tụng mà bị cáo không thực hiện thủ tục kháng cáo đúng hạn thì có thể dẫn đến oan sai và thậm chí tước đoạt sinh mạng của một con người.

Việc trao quyền kháng cáo không trái với ý chí của bị cáo cho người bào chữa như trên rất cần thiết, không những đảm bảo được quyền kháng cáo của người bào chữa, quyền và lợi ích của bị cáo – người bị buộc tội mà còn là sự tôn trọng, đề cao và phát huy được giá trị của người bào chữa trong hoạt động tố tụng.

- Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 BLTTHS đối với người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần nếu họ, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ. Như vậy, thế nào là người có nhược điểm về thể chất, người có nhược điểm về tâm thần hiện nay BLTTHS không có quy định và cũng không có văn bản nào hướng dẫn.

Có quan điểm cho rằng người có nhược điểm về thể chất, tâm thần là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, tức là người do tình trạng thể chất (như mù, câm, điếc, tàn tật…) hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi. Cũng có quan điểm cho rằng người có nhược điểm về thể chất, tâm thần là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi. Còn người bị mất năng lực hành vi dân sự, tức là người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì không phải là người có nhược điểm về thể chất, tâm thần. Do không có quy định hoặc hướng dẫn cụ thể nên trong thực tiễn đã có nhiều quan điểm chưa thống nhất về người có nhược điểm về thể chất, tâm thần.

Vấn đề khác nữa là nếu một người có biểu hiện như có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người nghiện ma túy hoặc chất kích thích khác nếu chưa bị Tòa án tuyên bố là họ có khó khăn trong nhận thức và hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì có được coi là người có nhược điểm về thể chất, tâm thần không?

Mọi hoạt động trong tố tụng hình sự đều trực tiếp tác động đến các quyền tự do dân chủ, thậm chí cả tinh thần, tính mạng của công dân. Mọi sai lầm dù lớn hay nhỏ xảy ra trong quá trình xử lý tội phạm và người phạm tội đều dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng và có thể không thể khắc phục được.

Do đó, từ những bất cập đã phân tích ở trên, tôi đưa ra một số kiến nghị nhằm đảm bảo tốt nhất quyền kháng cáo của bị cáo và người bào chữa trong vụ án hình sự, cụ thể như sau:

Thứ nhất, ngoài người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì trao cho người bào chữa được quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dân tộc thiểu số, người cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người cao tuổi, người bị tuyên án chung thân hoặc tử hình. Bởi lẽ người dân tộc thiểu số, người cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trình độ dân trí của họ còn thấp, thậm chí họ không biết nói, đọc, viết tiếng phổ thông, hiểu biết pháp luật chưa cao…Người cao tuổi là nhóm xã hội đặc biệt có những hạn chế do tuổi cao, sức yếu, rất nhạy cảm trong phương tiện ứng xử, khả năng tự điều chỉnh và thích nghi cũng kém giảm dần theo độ tuổi. Người bị tuyên án chung thân là người sẽ phải chấp hành án tù (lao động, học tập, cải tạo) gần như là suốt cuộc đời của mình trong trại giam. Người bị tuyên án tử hình sẽ bị tước đoạt đi mạng sống, đây được xem là hình phạt nặng nhất đới với người phạm tội…

Do đó, việc trao cho người bào chữa được quyền kháng cáo cho những đối tượng trên giúp bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số, bảo vệ và phát triển các quyền của con người chân chính, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự. Còn đối với các bị cáo khác thì cho phép người bào chữa có quyền kháng cáo nếu được sự đồng ý, trao quyền của bị cáo

Thứ hai, ban hành văn bản hướng dẫn, giải thích về quy định liên quan đến “người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất”, cụ thể người dưới 18 tuổi là tại thời điểm phạm tội hay thời điểm vụ án được đưa ra xét xử? và thế nào là người có nhược điểm tâm thần hoặc thể chất? để từ đó người bào chữa có thể xác định đúng đối tượng pháp luật cho phép và kịp thời thực hiện quyền kháng cáo nhằm bảo vệ lợi ích cho thân chủ.

Vì vậy, cần thiết phải sớm hoàn thiện các quy định về quyền kháng cáo của người bào chữa trong của BLTTHS. Khi đó vai trò của người bào chữa mới được tôn trọng, đề cao, bảo bảm một cách toàn diện và phát huy hơn nữa giá trị của người bào chữa trong hoạt động tố tụng.

NGUYỄN HỒNG PHONG – HOÀNG THÙY LINH

Tòa án quân sự Quân khu 7

 

Nguyễn Mỹ Linh