Ảnh minh họa.
Theo quy định tại Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì kể từ ngày 25/8 tới đây, nếu các hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt (rác thải), không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định sẽ bị xử phạt từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng. Đối với chủ dự án, ban quản lý khu đô thị không bố trí thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn và không tổ chức thu gom chất thải từ hộ gia đình, cá nhân theo quy định có thể bị phạt tiền từ 200 - 300 triệu đồng.
Có thể nói đây là lần đầu tiên có quy định về xử phạt trong việc phân loại rác thải. Mặc dù, mức phạt đối với cá nhân, hộ gia đình không lớn nhưng hành vi này được coi là vi phạm hành chính, với chế tài cụ thể để xử lý đã là bước tiến lớn, thể hiện quyết tâm trong việc bảo vệ môi trường của nước ta. Từ nay việc các cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thì không chỉ dừng ở vận động, tuyên truyền, nhắc nhở nữa mà bị coi là hành vi vi phạm pháp luật và có chế tài đảm bảo việc thực hiện.
Tuy vậy, vấn đề quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay là phải tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành nghiêm quy định về phân loại rác tại nguồn. Đặc biệt là cần có sự hướng dẫn cụ thể theo kiểu "cầm tay, chỉ việc" của cơ quan chức năng nhằm giúp người dân, nhất là người già, trẻ em và những người cư trú ở vùng sâu, vùng xa biết cách phân loại rác, như thế nào là phân loại rác, cái nào là chất thải rắn...
Vì vậy, để triển khai hiệu quả quy định này, cơ quan chức năng bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về việc thực hiện quy định này cần tổ chức hướng dẫn chi tiết, "làm mẫu" về cách thức phân loại rác, nhận dạng các loại rác thải. Theo đó, từng tổ dân phố, cụm dân cư phối hợp với cơ quan bảo vệ môi trường, công nhân của các đơn vị thu gom rác kết hợp việc thu gom với việc hướng dẫn cho người dân, ít nhất trong giai đoạn đầu.
Điều này không những giúp người dân biết cách phân loại rác đúng quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường mà thông qua đó kết hợp tuyên truyền, vận động để hình thành ý thức, tạo ra thói quen hàng ngày trong việc phân loại rác trước khi mang đi đổ. Đồng thời, qua đó nhằm tạo ra sự đồng thuận, chung tay, góp sức của toàn xã hội, mọi tầng lớp nhân dân trong bảo vệ môi trường, trước mắt là thực hiện tốt việc phân loại rác ngay tại nguồn.
Thạc sĩ PHẠM VĂN CHUNG
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum
Không nên quy định chỉ được chuyển nhượng biển số trúng đấu giá kèm theo xe ôtô