/ Luật sư - Bạn đọc
/ Cần làm rõ quy trình bổ nhiệm Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên

Cần làm rõ quy trình bổ nhiệm Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên

05/01/2021 18:16 |

(LSVN) - Mặc dù việc bổ nhiệm ông Phan Đức Cường làm Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên đang gây nên những tranh cãi về quy trình, nhưng ngay từ khi mới đảm nhận chức vụ Phó Trưởng Ban, ông Cường được cho là đã ký ban hành một loạt các văn bản trái quy định?

Quy trình bổ nhiệm liệu có "trái quy định"?

Như đã phản ánh, ngày 07/10/2020, ông Phan Đức Cường được tỉnh Thái Nguyên làm quy trình bổ nhiệm giữ chức Trưởng Ban QLCKCN. Trước đó, vào tháng 3/2020, thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 146-KH/TU ngày 21/6/2019 của Tỉnh ủy Thái Nguyên, Ban thường vụ Đảng bộ TP. Sông Công đã tiến hành rà soát, đánh giá các trường hợp đủ điều kiện tái cứ cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 để giới thiệu tại Hội nghị cán bộ chủ chốt.            

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên - nơi ông Cường được bổ nhiệm làm Trưởng ban.

Là một trong các trường hợp nằm trong danh sách cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, Phó Bí thư Thành ủy Sông Công nhiệm kỳ cũ, ông Cường được đưa ra Hội nghị cán bộ chủ chốt để lấy ý kiện giới thiệu bằng phiếu kín. Tuy nhiên, sau khi đưa ra tại Hội nghị này thì quy trình tái cử đối với ông Cường bị dừng lại không làm tiếp.

Trong lúc quy trình xem xét nhân sự tái cử cấp ủy đang thực hiện dở dang thì ngày 01/6/2020, ông Cường được điều động sang giữ chức Phó Trưởng Ban Ban Quản lý các Khu công nghiệp Thái Nguyên (BQLCKCN).   

Thời điểm được điều động sang làm Phó Trưởng ban, ông ông Cường đã được cho thôi không tham gia Ban Thường vụ, thôi giữ chức Phó Bí thư Thành ủy Sông Công nhưng vẫn cho giữ lại vị trí Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Sông Công (thành ủy viên). Do được giữ vi trí này nên sau đó ông Cường được cơ cấu, giới thiệu tham gia tái cử Ban chấp hành Đảng bộ TP. Sông Công nhiệm kỳ mới với tư cách thành ủy viên. Sau khi được bầu vào cấp ủy nhiệm kỳ mới. Ngày 07/10/2020, ông Cường được tỉnh Thái Nguyên làm quy trình bổ nhiệm giữ chức Trưởng BQLCKCN.

Dấu hiệu lạm quyền?

Ngoài vấn đề tái cử, bổ nhiệm có dấu hiệu “vi phạm quy định”, ngay sau khi được bổ nhiệm làm Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp, ông Cường được cho là đã “lạm quyền” thể hiện qua việc ký ban hành các văn bản và bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ.

Cụ thể, lúc mới được điều động sang giữ vị trí Phó Ban, ông Cường đã ký ban hành một số quyết định chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư một số dự án; quyết định ban hành quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển… được cho là trái quy định.

Lúc ông Phan Đức Cường mới được điều động giữ chức Phó Trưởng ban khi phát hành hàng loạt quyết định, thay vì ghi tên, chức vụ người ký là “Phó Trưởng Ban” theo đúng quy định thì dưới các quyết định ban hành ông Cường tự ý ghi “Phó Trưởng Ban phụ trách”.

Căn cứ theo Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về công tác văn thư, đối với Cơ quan, tổ chức làm việc theo chế độ thủ trưởng như BQLCKCN, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ký tất cả văn bản do cơ quan, tổ chức ban hành. Trường hợp cấp phó được giao phụ trách, điều hành thì thực hiện ký như cấp phó ký thay cấp trưởng.

Quyết định số 93/QĐ-BQL do ông Cường ký ban hành.

Cũng tại thời điểm mới được điều động giữ chức Phó Trưởng ban, ông Cường ký ban hành Quyết định số 93/QĐ-BQL, ngày 23/7/2020 ban hành quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo quản lý của BQLCKCN Thái Nguyên có dấu hiệu trái quy định: Tại phần căn cứ của Quyết định số 93/QĐ-BQL ghi: “Căn cứ Quyết định số 2457-QĐ/TU ngày 01/4/2010 của Tỉnh ủy Thái Nguyên về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử”. Trong khi, Quyết định mang số 2457 mà Tỉnh ủy Thái Nguyên ban hành năm 2010 lại không có quy định về nội dung như trong Quyết định của BQLCKCN căn cứ.

Căn cứ Quyết định số 2457-QĐ/TU, ngày 01/4/2019 của Tỉnh ủy Thái Nguyên về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử đối với các chức danh cán bộ lãnh đạo quản lý thuộc Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Nếu như Quyết định số 93/QĐ-BQL đã căn cứ vào Quyết định này để áp dụng cho các chức danh lãnh đạo quản lý của BQLCKCN Thái Nguyên thì cũng không phù hợp với chức danh và trái quy định.

Tại Điều 2 của Quyết định số 93/QĐ-BQL quy định: “Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế các quyết định trước đây về việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý của BQLCKCN”.

Đáng chú ý, lúc ký ban hành Quyết định 93/QĐ-BQL, ông Cường mới giữ chức vụ cấp phó phụ trách nhưng đã đưa ra những nội dung như vậy liệu có dấu hiệu lạm quyền?

Liên quan đến việc ban hành các Quyết định điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, bổ nhiệm lại  cán bộ tại Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã căn cứ Quyết định số 93/QĐ-BQL ngày 23/7/2020 là quyết định trái pháp luật.

Cụ thể, trình tự, thủ tục điều động, luân chuyển không theo quy định của pháp luật; Khi họp bàn về công tác cán bộ không mời bộ phận tham mưu về công tác tổ chức cán bộ để cùng thảo luận (Chánh Văn phòng); không có kế hoạch, không công khai minh bạch mà tùy tiện theo ý chủ quan không đảm bảo theo yêu cầu thực tế tại đơn vị, không tổ chức gặp gỡ, trao đổi về chủ trương đối với công chức dự kiến luân chuyển; công chức dự kiến luân chuyển không được trình bày nguyện vọng và đề xuất ý kiến cá nhân trước khi ban hành quyết định, do đó gây xáo trộn về tâm lý cho các đối tượng bị điều động, luân chuyển làm mất ổn định, không đảm bảo phù hợp với vị trí việc làm, bổ nhiệm cán bộ không có quy hoạch, quá tuổi bổ nhiệm, không mang tính kế thừa và phát triển của đội ngũ công chức viên chức để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan.

Việc điều động, bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ tại Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên không những trái quy trình, quy định của pháp luật, mà còn trái quy định của cơ quan quản lý cấp trên là UBND tỉnh Thái Nguyên. Vi phạm quy định của Đảng, cụ thể tại Điều 11 Quyết định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017.

Điều 11. Vi phạm trong công tác tổ chức, cán bộ
1. Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
a) Can thiệp, tác động đến tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để bản thân hoặc người khác được bầu, chỉ định, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đề cử, ứng cử, đi học, thi nâng ngạch, nâng lương, đi nước ngoài trái quy định.
b) Chỉ đạo hoặc yêu cầu đề bạt, bổ nhiệm người có vi phạm, chưa hết thời hiệu bị kỷ luật hoặc không đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
c) Thực hiện không đúng nguyên tắc, thủ tục, quy trình về công tác cán bộ; không chấp hành quy định về công tác cán bộ; làm sai lệch hoặc tự ý sửa chữa tài liệu, hồ sơ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; nhận xét, đánh giá cán bộ không có căn cứ, thiếu trung thực, không khách quan.
đ) Thực hiện việc thẩm định, tham mưu, đề xuất, quyết định tiếp nhận, tuyển dụng, cho thi nâng ngạch, đi học, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, giới thiệu bầu, ứng cử, khen thưởng người thân (bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột) không đúng quy hoạch, không đủ tiêu chuẩn, điều kiện.
e) Chỉ đạo hoặc thẩm định, tham mưu, đề xuất, thực hiện việc tuyển dụng, tiếp nhận, bố trí công tác, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm, luân chuyển, điều động, nâng ngạch, khen thưởng, kỷ luật không đúng nguyên tắc, quy trình, quy định; quy hoạch, đào tạo, cử người đi công tác nước ngoài không đủ tiêu chuẩn.
Liên quan đến việc bổ nhiệm ông Phan Đức Cường làm Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên được cho là có dấu hiệu “trái quy định”, trao đổi với báo chí, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Thái Nguyên - Nguyễn Quốc Hữu cho biết, hiện Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cơ quan chức năng tiến hành xác minh, làm rõ và sớm có thông tin phản hồi tới báo chí.

Luật sư Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin sự việc tới bạn đọc.

PV

/thai-nguyen-dieu-dong-bo-nhiem-truong-ban-quan-ly-khu-cong-nghiep-co-dung-quy-dinh.html