Không chỉ thực tiễn đặt ra yêu cầu cải cách, mà ngay trong định hướng chiến lược - như Nghị quyết 68-NQ/TW - cũng đã nhấn mạnh yêu cầu “hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo đảm thực thi hợp đồng, giảm rủi ro pháp lý”. Điều đó cho thấy cải cách tư pháp trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ không còn là lựa chọn mà là mệnh lệnh từ thực tiễn lẫn chính sách.
Từ tầm nhìn chính sách đến thực tiễn xét xử, sự thiếu hụt về năng lực chuyên môn, kinh nghiệm đang hiện hữu rõ nét. Trong nhiều năm hành nghề, tác giả từng tham gia giải quyết tranh chấp và cố vấn cho không ít vụ án sở hữu trí tuệ - từ các vụ xâm phạm nhãn hiệu mang tính “tiểu thương” đến các tranh chấp liên quan các tập đoàn lớn, với giá trị hàng trăm tỉ đồng. Và điều tác giả thường xuyên cảm nhận được, là sự “lạc nhịp” giữa tốc độ phát triển của thị trường tài sản vô hình với cơ chế tư pháp hiện hành.

Ảnh minh hoạ.
Hai vụ việc gần đây là Nhựa Bình Minh và Bia Sài Gòn (Sabeco) là điển hình. Cùng là tranh chấp nhãn hiệu có yếu tố gây nhầm lẫn, nhưng hai bản án lại xử lý theo hai hướng hoàn toàn khác nhau. Cá biệt, trong vụ Nhựa Bình Minh, Hội đồng xét xử đã 8 lần sử dụng khái niệm “logo” - một thuật ngữ không hề tồn tại trong Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành. Chi tiết này, dù nhỏ, nhưng phản ánh một thực tế lớn: Tư pháp hiện nay chưa có đủ nền tảng - kỹ năng - kinh nghiệm để đảm đương vai trò “trọng tài công lý” trong các tranh chấp liên quan đến sáng tạo, thương hiệu và đổi mới.
Tác giả không nói đến lỗi cá nhân. Trái lại, tác giả chia sẻ sâu sắc với các thẩm phán - những người buộc phải giải quyết những vụ án đặc thù mà không có tòa chuyên trách, không có hệ thống án lệ đủ mạnh, không có đội ngũ giám định viên chuyên sâu luôn đồng hành. Hệ quả là mỗi tòa một cách hiểu, mỗi vụ một kết luận, dẫn đến tính dự báo thấp và khiến doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, rơi vào tình trạng “ngồi trên lưỡi dao pháp lý”.
Việc thành lập Tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ, theo tác giả, không chỉ là một quyết định đúng đắn về tổ chức ngành tòa án, mà còn là một cải cách tư duy cần thiết. Bởi sở hữu trí tuệ – hơn bất kỳ lĩnh vực pháp lý nào – đòi hỏi kiến thức liên ngành, từ công nghệ, thương hiệu đến hành vi tiêu dùng, định giá tài sản và thông lệ quốc tế.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ đều đã thành lập tòa sở hữu trí tuệ riêng biệt, hoặc ít nhất có các phòng xử án chuyên sâu, với thẩm phán, chuyên viên được đào tạo định kỳ, được hỗ trợ bởi hệ sinh thái chuyên môn gồm cơ quan giám định, Cục Sở hữu trí tuệ, các học viện nghiên cứu.
Việt Nam không thể là ngoại lệ. Chúng ta đặt mục tiêu đưa đổi mới sáng tạo và công nghệ trở thành động lực tăng trưởng, thì càng cần một hệ thống tư pháp có năng lực bảo vệ sáng tạo. Không thể khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào R&D, nhãn hiệu, mô hình kinh doanh,... nếu họ không được bảo vệ một cách nhất quán - minh bạch - hiệu quả khi quyền sở hữu bị xâm phạm.
Thành lập tòa chuyên trách không chỉ giúp bảo vệ tốt hơn quyền lợi của các bên tranh chấp, mà còn góp phần hình thành án lệ chuẩn mực, cách hiểu thống nhất, giảm thiểu tranh chấp và gia tăng niềm tin vào tư pháp. Khi thị trường không còn phải đoán định các phán quyết, nền kinh tế sẽ bớt gián đoạn bởi những rủi ro pháp lý bất định.
Tác giả cho rằng bước đi này cần được triển khai đồng bộ với các cải cách khác: Tăng cường đào tạo chuyên sâu, nâng cấp kỹ năng giám định, đẩy mạnh xét xử trực tuyến, cải tiến thủ tục tố tụng vốn còn rườm rà và thiếu công cụ đánh giá thiệt hại thực tế. Tuy nhiên, nếu không có một thiết chế chuyên biệt thì tất cả những cải cách ấy chỉ là giải pháp "vá víu".
Trong nền kinh tế hiện đại, giá trị không còn nằm ở nhà xưởng hay thiết bị mà ở thương hiệu, thuật toán, bí quyết công nghệ và mô hình kinh doanh. Những tài sản ấy là trụ cột mới của doanh nghiệp Việt. Nếu không có một tòa án hiểu rõ chúng là gì, cách chúng bị xâm phạm và phương thức bảo vệ hiệu quả nhất, thì chúng ta đã vô tình xây nhà trên cát.
Bởi vậy, thành lập Tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ không chỉ là một cải cách tổ chức mà là lời cam kết xây dựng một nền tư pháp hiểu đúng tài sản vô hình, vững vàng đồng hành cùng khát vọng đổi mới sáng tạo của quốc gia trong thế kỷ 21.