/ Dọc đường tố tụng
/ Cần một quyết định sáng suốt từ Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao

Cần một quyết định sáng suốt từ Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Sau hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm của Tòa án nhân dân (TAND) TP. Đà Lạt và TAND tỉnh Lâm Đồng, thấy rằng quyền lợi hợp pháp của mình không được đảm bảo; xem xét một cách đầy đủ, công tâm và khách quan, bà Nguyễn Thị Thanh An kháng cáo và được TAND Cấp cao tại TP. HCM chấp thuận, giao vụ án cho hai cấp tòa tỉnh Lâm Đồng xét xử lại. Tuy nhiên, sau khi nhận được Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm ngày 26/7/2022 của Chánh án TAND Tối cao, bà An không đồng tình với Quyết định này.

Theo hồ sơ vụ án, bà Nguyễn Thị Thanh An (sinh năm 1980, thường trú tại số 02 Hoàng Diệu, phường 5, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu” giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Việt Anh, bà Nguyễn Quỳnh Chi và bị đơn là Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Tiền Tài.

Vào tháng 7/2018, khi được biết Ngân hàng TMCP Quân đội - Chi nhánh Lâm Đồng (viết tắt là ngân hàng MB) có thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm theo Nghị Quyết 42/2017QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng là căn nhà và đất có diện tích 458,31m2 thuộc thửa số 271 (gốc 19;65) tờ bản đồ số 37 (D93-I-B) tọa lạc tại đường Pasteur, phường 4, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng của khách hàng vay là Công ty TNHH Tiền Tài. Thời điểm này Công ty TNHH Tiền Tài đã tự nguyện bàn giao tài sản bảo đảm cho ngân hàng MB xử lý để thu hồi nợ. MB đã xử lý tài sản theo hình thức bán đấu giá và đã có người mua trúng đấu giá tài sản này; tuy nhiên sau đó người mua trúng đấu giá tài sản không thực hiện đủ nghĩa vụ thanh toán tiền mua tài sản nên ngân hàng chưa xử lý tài sản này được để thu hồi nợ. Do vậy, ngày 05/02/2018 ngân hàng MB đã có công văn về việc bàn giao khách hàng sang Công ty xử lý nợ thuộc ngân hàng MB để xử lý bán tài sản là căn nhà và đất nêu trên. Đồng thời đồng ý cho bên thế chấp tài sản là Công ty TNHH Tiền Tài cùng phối hợp với Ngân hàng tìm khách mua tài sản này để ngân hàng thu hồi nợ.

Qua tìm hiểu nguồn gốc căn nhà, thấy rằng đây là tài sản hợp pháp của Công ty TNHH Tiền Tài thế chấp vào ngân hàng để vay vốn (thời điểm thế chấp tài sản không bị tranh chấp, hay bị cơ quan chức năng nào áp dụng các biện pháp phong tỏa, hạn chế giao dịch). MB khẳng định đây là tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Công ty TNHH Tiền Tài và việc thế chấp vay vốn đối với tài sản thế chấp này hoàn toàn hợp pháp, hiện tài sản này đang là tài sản đảm bảo cho khoản nợ vay 15.400.000.000 đồng của Công ty TNHH Tiền Tài; Ngân hàng đồng ý cho Công ty TNHH Tiền Tài tìm người mua tài sản để ngân ngân hàng thu nợ và giải chấp khoản vay.

Vào ngày 19/7/2018, bà An đã nộp đủ số tiền chuyển nhượng tài sản trên vào tài khoản của Công ty TNHH Tiền Tài tại MB để thu hồi nợ và giải chấp tài sản. Sau đó, việc chuyển nhượng tài sản giữa bà An và Công ty TNHH Tiền Tài đã thực hiện tại Văn Phòng công chứng Vạn Tin Đà Lạt. Sau đó, bà An đã nộp hồ sơ vào Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Đà Lạt để thực hiện việc đăng ký sang tên. Tuy nhiên đến ngày 15/08/2018, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Đà Lạt thông báo hồ sơ tạm ngưng giải quyết do có Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch tài sản. Đến tại thời điểm này bà An mới biết tài sản này đang được TAND TP. Đà Lạt thụ lý giải quyết tranh chấp.

Ngày 20/11/2019, TAND TP. Đà Lạt đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Tại bản án sơ thẩm số 38/2019/DS-ST ngày 20/11/2019 của TAND TP. Đà Lạt đã tuyên: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Việt Anh và bà Nguyễn Quỳnh Chi về việc “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất” đối với Công ty TNHH Tiền Tài; Buộc Công ty TNHH Tiền Tài có trách nhiệm thanh toán cho ông Nguyễn Việt Anh và bà Nguyễn Quỳnh Chi số tiền 48.400.000.000 đồng.

Tòa cũng bác yêu cầu của ông Nguyễn Việt Anh và bà Nguyễn Quỳnh Chi về việc “Yêu cầu liên quan đến tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu” đối với Văn phòng công chứng Vạn Tin”; Công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa bà Nguyễn Thị Thanh An và Công ty TNHH Tiền Tài được văn phòng công chứng Vạn Tin công chứng ngày 19/7/2018.

Sau đó nguyên đơn và bị đơn đều kháng cáo bản án sơ thẩm. Tại bản án phúc thẩm số 134/2020/PT-DS ngày 28/9/2020 của TAND Tỉnh Lâm Đồng đã tuyên: Sửa án sơ thẩm, chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, không chấp nhận kháng cáo của bị đơn: Buộc Công ty TNHH Tiền Tài có trách nhiệm thanh toán cho ông Nguyễn Việt Anh và bà Nguyễn Quỳnh Chi số tiền 48.400.000.000 đồng. Ông Nguyễn Việt Anh và bà Nguyễn Quỳnh Chi được quyền yêu cầu Công ty TNHH Tiền Tài phải ưu tiên thanh toán số tiền 48.400.000.000 đồng theo Luật Thi hánh án dân sự.

Tòa phúc thẩm cũng cũng hủy hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất  giữa bà Nguyễn Thị Thanh An và Công ty TNHH Tiền Tài được văn phòng công chứng Vạn Tin công chứng ngày 19/7/2018. Ngoài ra, tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời từ cấm chuyển dịch tài sản đang tranh chấp và phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ đối với tài sản là nhà, đất có diện tích 458,31m2 thuộc thửa số 271 (gốc 19;65) tờ bản đồ số 37 (D93-I-B) tọa lạc tại đường Pasteur, phường 4, TP. Đà Lạt sang biện pháp kê biên tài sản đang tranh chấp là căn nhà và đất có diện tích 458,31m2 thuộc thửa số 271 (gốc 19;65) tờ bản đồ số 37 (D93-I-B) tọa lạc tại đường Pasteur, phường 4, TP. Đà Lạt.

Bà Nguyễn Thị Thanh An cho rằng, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã không tôn trọng sự thật khi nhận định rằng tại giai đoạn sơ thẩm sau khi TAND TP. Đà Lạt áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với thửa đất mà bà đã nhận chuyển nhượng nhưng bà An không khiếu nại và có ý kiến gì là không đúng; bởi ngay sau khi Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Đà Lạt cho biết hồ sơ tạm ngưng giải quyết do có Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND TP. Đà Lạt thì bà An đã có văn bản khiếu nại yêu cầu TAND TP. Đà Lạt hủy bỏ Quyết định trên. Ngoài ra cấp phúc thẩm đã không vô tư, khách quan, sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật khi thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời từ cấm chuyển dịch tài sản đang tranh chấp, phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ sang biện pháp kê biên tài sản đang tranh chấp để ưu tiên đảm bảo cho khoản nợ của Công ty TNHH Tiền Tài đối với nguyên đơn trong khi đây không phải là tài sản đảm bảo cho tranh chấp về khoản tiền mà Công ty TNHH Tiền Tài phải trả cho nguyên đơn.

Vì vậy, sau khi xem xét, TAND Cấp cao tại TP. HCM đã nhận định: Bản án phúc thẩm số: 134/2020/PT-DS ngày 28/9/2020 của TAND tỉnh Lâm Đồng phạm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án nên đã có Quyết định giám đốc thẩm số 01/2022/DS-GĐT ngày 5/1/2022 Quyết định: Hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số 38/2019/DS-ST ngày 20/11/2019 của TAND TP. Đà Lạt và Bản án phúc thẩm số 134/2020/PT-DS ngày 28/9/2020 của TAND tỉnh Lâm Đồng, giao cho TAND TP. Đà Lạt xét xử lại đối với vụ án.

Bà An cho biết, tuy nhiên đến ngày 05/8/2022 bà nhận được Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 39/2022/PT-DS ngày 26/7/2022 của TAND Tối cao đã quyết định: Kháng nghị đối với Quyết định giám đốc thẩm số 01/2022/DS-GĐT ngày 05/01/2022 của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP. HCM; Đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy Quyết định giám đốc thẩm nêu trên và giữ nguyên bản án phúc thẩm số: 134/2020/PT-DS ngày 28/9/2020 của TAND tỉnh Lâm Đồng; đồng thời tạm đình chỉ thi hành Quyết định giám đốc thẩm số 01/2022/DS-GĐT ngày 5/1/2022 của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP. HCM.

Theo bà An, Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm nêu trên đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà và gia đình. Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đã nhận định không khách quan và không đúng thực tế trong hồ sơ vụ án cũng như diễn biến tại phiên tòa khi nhận định rằng “bà An biết đây là tài sản tranh chấp nhưng vẫn thực hiện việc mua bán tài sản này” là hoàn toàn thiếu căn cứ và không phù hợp với quy định của pháp luật.

Bà Nguyễn Thị Thanh An khẳng định, tại các bản tự khai tại cấp sơ thẩm cũng như lời trình bày của mình tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm bà đều khẳng định khi mua tài sản nêu trên bà hoàn toàn không biết tài sản trên đang bị tranh chấp. Tại phiên tòa phúc thẩm, MB khẳng định không thông báo cho tôi đây là tài sản đang có tranh chấp vì ngân hàng cho rằng ngân hàng được quyền xử lý đối với tài sản này để thu hồi nợ và đây không thuộc tài sản tranh chấp vì đã thế chấp hợp pháp vào ngân hàng, nếu bà An không mua tài sản này thì ngân hàng cũng sẽ tiếp tục đưa tài sản ra bán đấu giá lần 2 để thu hồi nợ xấu.

Bà Nguyễn Thị Thanh An tiếp tục khẳng định việc mình mua tài sản này là hoàn toàn hợp pháp và ngay tình. Tuy nhiên Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số: 39/2022/PT-DS ngày 26/7/2022 của TAND Tối cao đã hoàn toàn không bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của bà. Tại thời điểm mua tài sản trên bà An không thể biết tài sản nhà, đất trên đang có tranh chấp nhưng Quyết định kháng nghị nêu trên nhận định bà vi phạm pháp luật vì đã mua căn nhà khi đang có tranh chấp và nhận định tôi giải quyết yêu cầu của mình bằng một vụ án dân sự khác là không có căn cứ. “Bản án sơ thẩm số 38/2019/DS-ST ngày 20/11/2019 của TAND TP. Đà Lạt đã nhận định đúng, phù hợp với các quy định của pháp luật để giải quyết yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn; đồng thời bảo đảm đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba ngay tình khi mua tài sản được pháp luật bảo vệ”, bà Nguyễn Thị Thanh An nêu quan điểm.

Vì vậy, bà An đề nghị Chánh án TAND Tối cao; Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao không chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số: 39/2022/PT-DS ngày 26/7/2022 của TAND Tối cao; đồng và giữ nguyên án sơ thẩm số 38/2019/DS-ST ngày 20/11/2019 của TAND TP. Đà Lạt. 

PV

Thí sinh không nên nộp lệ phí xét tuyển đại học sát thời hạn

Lê Minh Hoàng