/ Đời sống - Xã hội
/ Cần có chính sách hỗ trợ người lao động trong việc tiếp cận nhà ở xã hội

Cần có chính sách hỗ trợ người lao động trong việc tiếp cận nhà ở xã hội

22/06/2023 10:54 |

(LSVN) - Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (Ban IV) kiến nghị, để người lao động tiếp cận được với nhà ở xã hội, cần thiết phải có những chính sách hỗ trợ.

Ảnh minh họa.

Đánh giá nhu cầu nhà ở cho người lao động, theo Ban IV, về nhu cầu nhà ở, tính chung cho cả nước, 57% người lao động tham gia khảo sát muốn mua nhà, trong đó tỉ lệ người lao động muốn mua nhà ở xã hội và mua nhà không thuộc diện “nhà ở xã hội” gần như tương đương nhau (28% so với 29%). 

Hiện nay, nhu cầu về nhà ở xã hội cao gấp hơn 1,5 lần so với tỉ lệ người lao động hiện đang ở nhà ở xã hội (18%). Điều này cho thấy chủ trương phát triển 01 triệu nhà ở xã hội mà Chính phủ đang chỉ đạo được xã hội, người lao động hết sức đón nhận.

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại còn nhiều khó khăn khi mua nhà ở xã hội, điều kiện để được mua nhà ở xã hội hiện nay chính là rào cản lớn nhất đối với 39% người lao động tham gia khảo sát có cùng nhận định này.

Ba khó khăn lớn khác ở góc nhìn của người lao động là thiếu tài chính sẵn có cho khoản đóng góp ban đầu (33%); Khó cạnh tranh suất mua (32%); Hồ sơ giấy tờ chứng minh phức tạp (27%).

Về vấn đề này, theo Ban IV, thay vì chỉ những người thuộc diện “đối tượng chính sách xã hội” mới được tiếp cận vay với lãi suất thấp tại các ngân hàng chính sách xã hội nên áp dụng cho tất cả đối tượng người lao động mua nhà ở trong chương trình.

Ban IV cũng nêu rõ, thực tế hiện nay đối tượng công nhân khu công nghiệp muốn mua nhà ở xã hội hầu hết phải vay với lãi suất thông thường của ngân hàng thương mại và đây là bài toán rất thách thức với số đông người lao động vì số tiền trả lãi, trả gốc hàng tháng thậm chí vượt quá 50% thu nhập của công nhân.

Ngoài ra, Ban IV cũng cho biết, Nhà nước có thể xem xét các cơ chế để doanh nghiệp tham gia tín chấp, bảo lãnh cho người lao động trong quá trình vay mua/thuê nhà ở xã hội so với quy trình xét duyệt phức tạp theo diện “đối tượng chính sách” như hiện nay để chủ trương phát triển nhà ở xã hội đi vào thực tiễn…

Theo đó, doanh nghiệp có thể phát huy nhiều hơn trong câu chuyện mua nhà ở xã hội của người lao động, không chỉ xác nhận thu nhập mà còn có thể thay mặt người lao động trả khoản tiền gốc và lãi hàng tháng tương tự cách doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động hiện nay. 

Đồng thời, một số doanh nghiệp còn có thể bổ sung thêm cơ chế “hỗ trợ một phần tiền” để thực hành chính sách chăm lo đời sống cán bộ nhân viên, giữ chân người lao động, cộng hợp với nỗ lực của Chính phủ trong Đề án quan trọng này.

Để thực hiện được các dự án nhà ở cho công nhân, Ban IV đề xuất cần nghiên cứu, đánh giá nhu cầu nhà ở cho người lao động theo từng địa phương và ưu tiên các địa phương tập trung đông công nhân, người lao động để phân bổ chỉ tiêu phát triển dự án hợp lý, đi kèm với các cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù nếu cần. 

Thực tế với bảng giá đất và chi phí xây dựng như hiện nay, các dự án xây dựng nhà ở xã hội tại các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… sẽ gặp nhiều thách thức vì tổng chi phí đầu vào rất cao, trong khi đây là các địa phương tập trung đông công nhân, người lao động. Do vậy, để chính sách phát huy được trong thực tiễn và tiếp cận được đúng đối tượng mục tiêu của chính sách thì cần phải có các quyết sách cụ thể để hỗ trợ cho quá trình phát triển nhà ở xã hội trên các địa bàn này. 

Trước đó, tại phiên thảo luận Quốc hội ngày 19/6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, quy định về nhà ở công nhân hiện nay cơ bản giống với nhà ở xã hội bán cho các đối tượng khác như được xây dựng trên đất ở, bán cho đối tượng công nhân và gia đình ở lâu dài, có thể cấp quyền sử dụng đất, được hưởng các hỗ trợ ưu đãi, trình tự đầu tư xây dựng thủ tục mua bán cũng tương tự như nhà ở xã hội.

MINH QUÝ

Miễn lệ phí khi chuyển đổi các loại giấy tờ do sáp nhập huyện, xã

Nguyễn Hoàng Lâm