Ảnh minh họa.
Hiến pháp năm 2013 quy định về nguyên tắc xét xử tại Điều 103, trong đó nêu rõ: “Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án nhân dân có thể xét xử kín”.
Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, Điều 25 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định: “Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai”.
Hiến pháp và Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành quy định rõ ràng chỉ một số trường hợp sẽ xét xử kín, bao gồm:
1.Những vụ án có những tội danh liên quan đến bí mật Nhà nước như làm lộ bí mật Nhà nước, đánh tráo, chiếm đoạt bí mật Nhà nước,... Bí mật Nhà nước là một phạm vi bao trùm lên nhiều lĩnh vực, có những thông tin, tài liệu, những chính sách, thủ tục để đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội mà Nhà nước quy định hạn chế thông tin, những thông tin tài liệu đó thuộc danh mục tài liệu bí mật Nhà nước và được quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước và các văn bản dưới luật.
2.Những vụ án có những hành vi dâm ô, trái với thuần phong mỹ tục, nếu xét xử công khai sẽ có thể gây ra những tác động tiêu cực trong xã hội cũng là những vụ án mà Tòa án có thể quyết định xét xử kín. Với những vụ án loại này thì Tòa án có thẩm quyền sẽ quyết định xét xử kín để tránh những hiệu ứng tiêu cực đến xã hội, bảo vệ bí mật Nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội.
3.Những vụ án có đương sự là người dưới 18 tuổi mà Tòa án xét thấy phải bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi. Người dưới 18 tuổi trong vụ án có thể là người bị hại hoặc bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Những vụ án hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô, hành hạ, làm nhục, giết người,... mà bị cáo hoặc bị hại là người dưới 18 tuổi.
4. Những vụ án thuộc nhóm tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của công dân hoặc một số tội danh khác mà việc xét xử công khai có thể ảnh hưởng đến bí mật đời tư cá nhân của đương sự trong vụ án thì đương sự có thể làm đơn đề nghị xét xử kín để Tòa án xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.
Khi Tòa án quyết định xét xử kín thì các cơ quan báo chí không được phép đưa tin về diễn biến phiên tòa, và chỉ có thể đưa tin về phần thủ tục và kết quả phiên tòa.
Do vậy, ngoài vụ án xử kín theo quy định nêu trên thì các vụ án khác đều phải xử công khai để bảo đảm sự nhất quán trong hệ thống pháp luật. Các khoản 3, 4, Điều 141 của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) có quy định hạn chế đối với tác nghiệp của báo chí tại phiên tòa công khai – không phải phiên xử kín – là thiếu nhất quán với quy định của Hiến pháp và của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành. Vô hình trung, quy định này đã biến phiên tòa xử công khai thành một loại xử kín thứ 5!
Quy định không chặt chẽ, dễ tùy nghi
Khoản 3, Điều 141, dự thảo Luật này quy định: “Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử, Thẩm phán, người tiến hành tố tụng khác chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp khi có sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp”.
Lập luận để bảo vệ quy định (dự thảo) này của Chánh án TAND Tối cao đại ý là, khi tổ chức phiên tòa, HĐXX phải đảm bảo 03 yêu cầu, gồm: Đúng luật; Chất lượng; Nghiêm túc. Vậy nên, HĐXX phải quy định việc đưa tin, truyền thông về phiên tòa; lúc đưa ra quyết định sáng suốt nhất thì người ta bị phân tán. Bản thân HĐXX, Kiểm sát viên, Luật sư cũng không muốn hình ảnh đưa lên truyền thông không đẹp nhưng trong quá trình xét xử họ phải nhăn mặt, nhíu mày, đăm chiêu suy nghĩ chứ không phải lúc nào cũng nở nụ cười.
Song, dự thảo Luật không quy định rõ trường hợp nào chủ tọa không đồng ý và trường hợp nào thì được phép ghi âm, ghi hình. Tất yếu sinh ra tùy nghi, thích thì cho, còn không thích thì không cho. Khi đã có quy định tùy nghi như vậy, tránh sao không lợi dụng nó để gây khó dễ cho tác nghiệp của Luật sư và Nhà báo tại phiên tòa?
Mâu thuẫn với Luật Báo chí
Quy định nêu trong dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) đã gây ra những băn khoăn nhất định. Bởi lẽ, ghi âm, ghi hình là công cụ để người dân, các cơ quan báo chí giám sát các hoạt động tố tụng của cơ quan, người tiến hành tố tụng theo hướng góp phần xây dựng việc giải quyết vụ án khách quan, dân chủ.
Trao đổi với PV, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội cho rằng, dự thảo Luật không quy định rõ trường hợp nào chủ tọa không đồng ý và trường hợp nào thì được phép ghi âm, ghi hình. Ông cho rằng:“Điều này không loại trừ chủ tọa phiên tòa lợi dụng quy định pháp luật để gây khó dễ, hạn chế hoạt động tác nghiệp của cá nhân, tổ chức, trong đó có hoạt động của phóng viên báo chí; đồng thời, gây mâu thuẫn với Điều 25, Luật Báo chí 2016 quy định về quyền được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai của Nhà báo”.
Dân gian có câu, “lời nói gió bay”. Nếu bị hạn chế ghi âm, ghi hình Nhà báo sẽ phản ánh diễn biến của phiên tòa căn cứ lời nói của các bên tham gia tố tụng thì dễ “rơi vào vòng lao lý”, vì lấy đâu ra chứng cứ.
Hội Nhà báo Việt Nam đã có công văn nêu ý kiến gửi Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội, trong đó nêu rõ: Vấn đề ghi âm, ghi hình tại phiên tòa quy định cụ thể tại Điều 141 dự thảo Luật Tòa án nhân dân (sửa đổi), đề nghị xem xét có quy định cụ thể hơn để có sự thống nhất với Luật Báo chí, trường hợp, đối tượng nào cần giới hạn ghi âm, ghi hình để đảm bảo bí mật đời tư, cá nhân cũng như không hạn chế quyền giám sát hoạt động của phiên tòa của công dân. Đề nghị không hạn chế ghi âm, ghi hình của báo chí để báo chí thực hiện đúng chức năng của mình. |
Trình Quốc hội 02 phương án ghi âm, ghi hình
Một số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hộicho rằng, quy định về ghi âm, ghi hình tại phiên tòa, phiên họp trong dự thảo Luật là hẹp hơn so với quy định của các luật tố tụng.
Để tạo thuận lợi cho hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp, đề nghị giữ như quy định hiện hành. Loại ý kiến này được thể hiện tại phương án 2 Điều 141, dự thảo Luật (không quy định khoản 3 và khoản 4 trong dự thảo Luật mà thực hiện theo quy định của các luật tố tụng và pháp luật có liên quan).
Ý kiến khác trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội và TAND Tối cao đề nghị quy định khoản 3, Điều 141 như sau: "Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định khi có sự cho phép của chủ tọa phiên tòa, phiên họp; trường hợp ghi âm, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp thì phải được sự đồng ý của họ và sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp".
Đồng thời, bổ sung quy định tại khoản 4 về việc Tòa án ghi âm, ghi hình toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn khi cần thiết và việc cung cấp kết quả ghi âm, ghi hình được thực hiện theo quy định của pháp luật; giao Chánh án TAND Tối cao quy định chi tiết khoản này.
Về quy định này tại Dự thảo Luật Tổ chức TAND, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội 02 phương án ghi âm, ghi hình.
Luật gia, Nhà báo PHAN VĂN TÂN
Hôm nay Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Luật Thủ đô