Ảnh minh họa.
Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết: Pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của mọi công dân. Vì vậy hành vi xâm phạm trái pháp luật đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của bác sĩ, nhân viên y tế không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội.
Theo Luật sư, có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến hành vi hành hung bác sĩ như: Nhận thức, ý thức coi thường pháp luật của một bộ phận người dân; sự ích kỷ nhỏ nhen, coi trọng lợi ích của mình mà xem nhẹ tính mạng sức khỏe của người khác; sự xuống cấp của đạo đức xã hội,... Ngoài ra cũng có thể kể đến một số nguyên nhân khác như sự quá tải ở các cơ sở y tế dẫn đến việc cứu chữa bệnh nhân chưa kịp thời dẫn đến mâu thuẫn, bức xúc.
"Dù với bất kì nguyên nhân nào thì hành vi tấn công bác sĩ, nhân viên y tế đang điều trị cho bản thân hoặc người nhà mình là hành vi đi ngược lại với truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Hành vi này thể hiện sự suy thoái nghiêm trọng về đạo đức xã hội, ý thức coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác, đặc biệt là người đang thực hiện nhiệm vụ cứu người. Điều đáng buồn là thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ việc bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tấn công bác sĩ, nhân viên y tế; nhiều trường hợp bác sĩ bị nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tâm lý và gây mất an ninh trật tự. Vì vậy, việc xử lý nghiêm minh đối với các đối tượng hành hung bác sĩ, nhân viên y tế, gây mất an ninh trật tự ở bệnh viện là điều cần thiết để đảm bảo an ninh an toàn, giữ gìn chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục và để răn đe phòng ngừa chung cho xã hội", Luật sư Cường bày tỏ quan điểm.
Dưới góc độ pháp lý, trường hợp hành vi tấn công bác sĩ, nhân viên y tế nhưng chưa gây ra thương tích, chưa ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì có thể bị xử phạt hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Trong trường hợp hành vi tấn công bác sĩ dẫn đến thương tích hoặc có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của bác sĩ thì tùy thuộc vào hành vi và hậu quả cụ thể trong từng vụ việc mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự hoặc tội “Giết người” theo Điều 123 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt cao nhất có thể là tù chung thân hoặc tử hình.
Trường hợp hành vi tấn công bác sĩ, nhân viên y tế nhưng bác sĩ, nhân viên y tế đã tránh được, được sự hỗ trợ kịp thời nên bảo toàn được tính mạng và sức khỏe thì đây là hành vi gây rối trật tự công cộng và có thể còn là hành vi đe dọa giết người. Nếu sự việc khiến cho bác sĩ sợ hãi, lo lắng tính mạng của mình có thể bị xâm hại thì cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự về tội "Đe dọa giết người" theo quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự với hình phạt có thể tới 07 năm tù.
Ngoài ra, tùy từng hậu quả, mức độ, hành vi còn có thể bị khởi tố, xử lý về tội "Gây rối trật tự công cộng" theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự với mức chế tài cũng có thể tới 07 năm tù.
Có thể nói rằng, thời gian gần đây những vụ việc tấn công bác sĩ liên tục diễn ra đến tính mạng, sức khỏe của bác sĩ, nhân viên y tế, gây mất an ninh trật tự, suy thoái nghiêm trọng đạo đức xã hội. Bởi vậy việc phát hiện, xử lý nghiêm minh kịp thời những vụ việc như vậy và cần thiết. Đặc biệt là cần phải xử lý bằng chế tài hình sự thì mới đủ sức răn đe phòng ngừa chung cho xã hội. Theo Luật sư Cường cần phải thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn cho bác sĩ như:
- Hoàn thiện chính sách pháp luật và y tế về dịch vụ công cộng, hoạt động khám chữa bệnh để tạo ra hành lang pháp lý, cơ sở thực hiện các quyền của cơ sở khám chữa bệnh, đảm bảo tốt nhất điều kiện thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh của các bác sĩ;
- Cần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, đặc biệt là ý thức tôn trọng tính mạng sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác trong đó có các y bác sĩ và nhân viên y tế;
- Cần đảm bảo điều kiện khám chữa bệnh ngày càng tốt hơn, tránh tình trạng quá tải, cơ sở vật chất thiếu thốn gây khó khăn cho bác sĩ và bức xúc cho người bệnh và người nhà bệnh nhân;
- Tăng cường lực lượng đảm bảo an ninh trật tự tại các cơ sở khám bệnh. Lực lượng đảm bảo an ninh trật tự chuyên nghiệp, được trang bị công cụ hỗ trợ để kịp thời xử lý, trấn áp những hành vi gây rối trật tự công cộng tại bệnh viện;
- Tích cực tập huấn cho bác sĩ, nhân viên y tế để tăng cường kỹ năng ứng xử, đạo đức nghề nghiệp và khả năng xử lý các tình huống khi bị bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tấn công bất ngờ;
- Phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh đối với các hành vi gây rối trật tự công cộng ở nơi khám chữa bệnh, đặc biệt là hành vi tấn công lại các bác sĩ, nhân viên y tế.
HỒNG HẠNH
Người cha lột quần áo, trói tay con gái treo trên trần nhà để đánh đập có dấu hiệu phạm tội gì?