Ảnh minh họa.
Liên quan đến vấn đề này, theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết: Hành vi của người đàn ông trong clip là rất tàn nhẫn, phản giáo dục và có dấu hiệu vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền trẻ em. Vì vậy việc cơ quan điều tra vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý là cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật.
Pháp luật Việt Nam có nhiều quy định để bảo vệ quyền trẻ em trong đó có quyền được sống, quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Hành vi đánh đập, hành hạ trẻ em vì bất cứ lý do gì thì cũng đều là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật Trẻ em quy định rõ: Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển. Trẻ em có quyền được chăm sóc tốt nhất về sức khỏe, được ưu tiên tiếp cận, sử dụng dịch vụ phòng bệnh và khám bệnh, chữa bệnh. Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Mọi hành vi đánh đập, hành hạ, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, thân thể của trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật. Bất kỳ ai cũng không được phép và không vì bất cứ lý do gì để xâm phạm đến thân thể của trẻ em, kể cả đó là cha mẹ, thầy cô giáo hoặc những người khác,...
Theo Luật sư Cường: "Hành vi lột quần áo của cháu bé rồi treo lên đánh đập là hành vi vi phạm pháp luật, hành vi của người đàn ông này rất tàn nhẫn và không thể chấp nhận được trong một xã hội văn minh. Trường hợp cháu bé có thương tích thì người cha sẽ bị khởi tố hình sự về tội "Cố ý gây thương tích" theo Điều 134 Bộ luật Hình sự. Trường hợp cháu bé không có thương tích nhưng hành vi là đối xử tàn nhẫn với con, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm của cháu bé này, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe của cháu bé thì cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự về tội "Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình" theo quy định tại điều 185 Bộ luật Hình sự".
Điều 185. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình 1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần; b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu; b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo. |
Đây là sự việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng do nhận thức, ý thức coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của trẻ em.
Chia sẻ thêm, Luật sư Cường cho rằng để giảm thiểu những vụ việc bạo hành trẻ em thì công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là giáo dục pháp luật về quyền trẻ em, quyền con người cần được đề cao và thực hiện tốt hơn nữa. Cần giáo dục kỹ năng sống cho các em và kỹ năng nuôi dạy con đối với các bậc phụ huynh. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân.
Đối với những trẻ em sinh sống trong hoàn cảnh đặc biệt thì cần có sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, của cơ quan đoàn thể. Đồng thời, nâng cao vai trò trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có chức năng nhiệm vụ bé trẻ bảo vệ trẻ em để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, can thiệp, hỗ trợ để bảo vệ trẻ em trong các vụ việc bị bạo hành, xâm hại để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
TIẾN HƯNG
Hà Tĩnh: Người cha tàn nhẫn treo con gái lên xà nhà để đánh đập