Một trong những nội dung đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận tại dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi do Bộ Công an chủ trì xây dựng là đề xuất bỏ hình phạt tử hình, thay bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án với 8 tội danh. Cụ thể gồm: Tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" (Điều 109); Tội "Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" (Điều 114); Tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh" (Điều 194); Tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy" (Điều 250); Tội "Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược" (Điều 421); Tội "Gián điệp" (Điều 110); Tội "Tham ô tài sản" (Điều 353) và Tội "Nhận hối lộ" (Điều 354).
Tù chung thân không xét giảm án được hiểu "là hình phạt tù không thời hạn và không được xem xét giảm hình phạt đã tuyên, trừ trường hợp đại xá, ân giảm hoặc Luật Đặc xá có quy định khác". Việc đề xuất, bỏ hình phạt tử hình với 8 tội danh, thay bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án mục đích là để phù hợp với yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và cam kết quốc tế, tạo ra sự đồng bộ với luật pháp quốc tế, tạo môi trường đầu tư năng động, lành mạnh, gia tăng hợp tác và giao lưu quan hệ quốc tế.

Ảnh minh họa.
Trong 8 tội danh được thay bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án nêu trên, có tội "Tham ô tài sản" (Điều 353) và "Nhận hối lộ" (Điều 354) (viết tắt là tội tham ô, hối lộ), đây là các tội liên quan đến các yếu tố kinh tế; trong một số trường hợp, người phạm tội có thể thực hiện hành vi phạm tội do nhiều yếu tố tác động như do hoàn cảnh, bị ép buộc, dụ dỗ... để phạm tội. Người phạm tội tham ô, hối lộ biết mình sẽ nhận bản án tử hình thì họ sẽ không khai báo đồng phạm, cũng như không khai báo việc che giấu, tẩu tán tài sản đã chiếm đoạt. Do đó, nếu quy định hình phạt tử hình hoặc phạt tù chung thân không xét giảm án đối với tội danh tham ô, hối lộ chưa chắc mục đích răn đe, giáo dục và ngăn ngừa hành vi phạm tội đạt được mà việc thu hồi tài sản do phạm tội tham ô, hối lộ sẽ khó có thể thực hiện một cách triệt để.
Khi người phạm tội tham ô, hối lộ bị phát hiện, điều tra và xử lý, ngoài chế tài xử lý đối với người phạm tội theo quy định thì quan trọng nhất là phải thu hồi triệt để tài sản đã chiếm đoạt do hành vi phạm tội mà có. Việc không áp dụng hình phạt tử hình mà áp dụng hình phạt chung thân không giảm án, tuy không tước đi mạng sống của người phạm tội nhưng lại áp dụng hình phạt chung thân không giảm án sẽ không khuyến khích người phạm tội tích cực phối hợp với cơ quan điều tra trong việc thành khẩn khai báo về các đồng phạm và số tiền đã tham ô, hối lộ để cơ quan chức năng thu hồi.
Việc không áp dụng hình phạt tử hình mà áp dụng hình phạt chung thân không giảm án đối với tội tham ô, hối lộ thì người phạm tội vẫn bị cách ly hoàn toàn ra khỏi xã hội, không thể tiếp tục gây nguy hại cho xã hội, Nhà nước và người dân. Theo tác giả, đây là hình phạt rất nghiêm khắc và nặng nề đối với người phạm tội.
Do đó, tác giả cho rằng, việc không áp dụng hình phạt tử hình mà áp dụng hình phạt chung thân không giảm án đối với tội tham ô, hối lộ, đây là bước tiến trong công tác xây dựng pháp luật, đảm bảo quyền con người và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, cần xem xét, đề xuất hình phạt đối với loại tội phạm này theo hướng: Nếu người phạm tội thần khẩn khai báo, ăn năn hối cải, cung cấp thông tin giúp cơ quan điều tra phá án; chủ động giao nộp đầy đủ tài sản đã tham ô, hối lộ và phải nộp số tiền phạt tương ứng với số tiền đã tham ô, hối lộ; đồng thời, chấp hành án chung thân ít nhất 20 năm và cải tạo tốt thì sẽ được xem xét, giảm án.
Do là tội phạm kinh tế nên hình phạt cần chủ trọng đến các biện pháp kinh tế thì sẽ có tác dụng giáo dục, răn đe và ngăn ngừa hành vi phạm tội. Bởi vì, người phạm tội tham ô, hối lộ có thể sẽ phải trắng tay nếu bị áp dụng hình phạt tiền nên sẽ cân nhắc khi quyết định về hành vi phạm tội của mình.