/ Kinh tế - Pháp luật
/ Cần quy định chi tiết nguyên tắc, tiêu chí bình ổn giá với một số hàng hóa như xăng dầu

Cần quy định chi tiết nguyên tắc, tiêu chí bình ổn giá với một số hàng hóa như xăng dầu

13/11/2022 02:21 |

(LSVN) - Đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị cần quy định chi tiết một số nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện được bình ổn giá. Đặc biệt là đối với mặt hàng xăng dầu thành phẩm, thuốc bảo vệ thực vật nhằm tránh can thiệp quá sâu vào thị trường; đồng thời, đảm bảo định hướng phát triển kinh tế xanh và bền vững.

Ảnh minh họa.

Đóng góp ý kiến vào Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Đinh Thị Phương Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đánh giá cao và nhất trí với nhiều nội dung của Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật, ghi nhận các cơ quan đã chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu hồ sơ, tài liêu, kịp thời có Báo cáo giải trình ý kiến thảo luận tại tổ để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật.

Đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm đến quy định về hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị cần quy định chi tiết một số nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện được bình ổn giá. Đặc biệt là đối với mặt hàng xăng dầu thành phẩm, thuốc bảo vệ thực vật nhằm tránh can thiệp quá sâu vào thị trường; đồng thời, đảm bảo định hướng phát triển kinh tế xanh và bền vững. Đồng thời, tiếp tục rà soát các nội dung liên quan đến bình ổn giá để không làm hoặc giảm thiểu ảnh hưởng đến việc đầu tư nâng chất lượng trang thiết bị, vật tư y tế cho khám chữa bệnh.

Bày tỏ đồng tình với nguyên tắc bình ổn giá được quy định tại khoản 1 Điều 20 của dự thảo, tuy nhiên, đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị cần tiếp tục quy định rõ hơn các tiêu chí để xác định khi nào giá tăng quá cao hoặc quá thấp gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh mặt bằng giá thị trường. 

Đồng thời, tại Điều 20 dự thảo Luật, Chính phủ cũng là cơ quan có thẩm quyền thực hiện các biện pháp bình ổn giá, bao gồm điều hòa sản xuất hàng hóa trong nước, hàng hóa xuất nhập khẩu, điều hòa hàng hóa giữa các vùng giữa các địa phương thông qua tổ chức lưu thông hàng hóa mua vào bán ra dự trữ quốc gia, hàng dự trữ lưu thông quy định giá cụ thể giá tối thiểu hoặc khung giá phù hợp với tính chất từng loại hàng hóa, dịch vụ và thời hạn áp dụng.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan cho rằng quy định trên là khá rộng về thẩm quyền những lại thiếu các tiêu chí, căn cứ và phương pháp định giá cụ thể. Điều này có thể dẫn đến sự thiếu minh bạch, ảnh hưởng không tốt cho thị trường, không đảm bảo với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Góp ý về Quỹ Bình ổn giá, đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị cần tiếp tục đánh giá sự phù hợp của Quỹ nhằm tránh lạm dụng hoặc giảm thiểu tác động không mong muốn khi thực hiện bình ổn giá. 

Ngoài ra, về căn cứ và phương pháp định giá, đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị dự thảo cần được tiếp tục hoàn thiện theo hướng nghiên cứu tính phù hợp, bổ sung quy định cụ thể các phương pháp định giá theo cách tiếp cận từ thị trường.

PV

Luật sư trong thời đại 4.0: Thời cơ và thách thức

Loan B T Thanh