Luật sư trong thời đại 4.0: Thời cơ và thách thức

09/10/2022 23:00 | 1 năm trước

(LSVN) - Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động toàn diện, sâu rộng và nhanh chóng trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động hành nghề Luật sư. Cuộc cách mạng công nghiệp vừa giúp các Luật sư giải quyết công việc một cách hiệu quả và chính xác. Bên cạnh đó, những thách thức mới cũng đang được đặt ra khiến nghề Luật sư cũng phải thích ứng để bắt kịp sự phát triển chung này.

Có thể nói rằng, cách mạng công nghiệp hiện nay đã đưa giới Luật sư Việt Nam đến với nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức. Đây cũng chính là cơ sở để tiến hành đổi mới và hiện thực hóa định hướng phát triển nghề Luật sư theo hướng chuyên nghiệp hóa, đáp ứng nhu cầu dịch vụ pháp lý ngày càng cao của cơ quan, tổ chức, công dân, doanh nghiệp.

Ảnh minh họa.

Ngày 25/7/2001, Pháp lệnh Luật sư năm 2001 đã được ban hành. Pháp lệnh này đã tạo ra những bước ngoặt cơ bản gồm: Nâng cao hơn chất lượng và chuyên nghiệp hóa đội ngũ Luật sư Việt Nam; phân định rõ tổ chức hành nghề với tổ chức xã hội nghề nghiệp của Luật sư; thể chế hóa chủ trương của Đảng là kết hợp quản lý nhà nước với sự tự quản của tổ chức nghề nghiệp Luật sư; tạo cơ sở pháp lý cho quá trình hội nhập quốc tế của nghề Luật sư ở Việt Nam. Với nội dung tiến bộ, phù hợp với yêu cầu khách quan, Pháp lệnh Luật sư năm 2001 đã nhanh chóng đi vào cuộc sống. Tính đến ngày 31/5/2005 có 1.883 Luật sư và 1.535 Luật sư tập sự, đặc biệt đã thành lập trên 1.000 tổ chức hành nghề là các Văn phòng Luật sư, các Công ty luật hợp danh.

Sau đó, với việc Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại quốc tế (WTO) đã tạo ra nhiều cơ hội và thách thức. Trong đó có nhiệm vụ quan trọng là phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và các thiết chế phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO. Từ đó, Luật Luật sư được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2006 và có hiệu lực thi hành ngày 01/02/2007 thay thế Pháp lệnh Luật sư năm 2001. Luật Luật sư được ban hành đã góp phần nâng cao vị thế của Luật sư, tạo cơ sở pháp lý đẩy nhanh quá trình xây dựng đội ngũ Luật sư, nghề Luật sư mang tính chuyên nghiệp, ngang tầm với nghề Luật sư ở các nước tiên tiến trên thế giới.

Luật Luật sư là mốc đánh dấu cho một bước phát triển và hoàn thiện của hệ thống pháp luật ở Việt Nam. Cùng với sự ra đời của Liên đoàn Luật sư Việt Nam (12/5/2009) đã đánh dấu một bước phát triển mới. Đây là nơi tập hợp đoàn kết đội ngũ Luật sư góp phần vào việc bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế, thực hiện cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền. Đồng thời Liên đoàn trực tiếp và kết hợp với Bộ Tư pháp đã thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng Luật sư đã được triển khai ngay từ khi Liên đoàn mới được thành lập. Đến nay Việt Nam hiện có hơn 13.000 Luật sư đang hành nghề, thêm khoảng 5.000 người đang tập sự trong nghề Luật sư và hơn 4.000 tổ chức hành nghề Luật sư, con số này vẫn đang tiếp tục tăng nhanh theo hàng năm.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại nhiều thay đổi tích cực đối với công việc của các Luật sư. Cụ thể:

Thứ nhất, kinh tế số phát triển đòi hỏi nhu cầu nhân sự rất lớn của nghề Luật sư. Đặc biệt là Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển kinh tế số hóa mạnh mẽ, các doanh nghiệp ngày càng có ý thức và nhu cầu được cung cấp dịch vụ pháp lý để đảm bảo việc kinh doanh đúng quy định pháp luật, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững về sau. Luật sư với sự am hiểu pháp lý của mình sẽ giữ một vai trò quan trọng trong việc đồng hành cùng với các doanh nghiệp trên nhiều khía cạnh: tư vấn quản trị nội bộ doanh nghiệp, bảo vệ tài sản doanh nghiệp, hỗ trợ soạn thảo hợp đồng với các đối tác, tham gia giải quyết tranh chấp giữa các bên trong quá trình kinh doanh…

Thứ hai, việc hành nghề luật trong điều kiện hội nhập toàn diện của Việt Nam là giới hành nghề luật Việt Nam được tiếp cận với một thị trường dịch vụ hoàn toàn mới mẻ và rộng lớn. Đồng nghĩa với việc hoạt động của Luật sư không chỉ dừng lại ở phạm vi trong nước mà còn mở rộng cơ hội hành nghề đối với các đối tác nước ngoài, làm việc xuyên biên giới, với đa dạng về đối tác, loại hình và nội dung dịch vụ cung ứng. Việc hành nghề, mở rộng hợp tác pháp lý ra phạm vi quốc tế sẽ giúp cho các Luật sư Việt Nam có thêm nhiều cơ hội để cọ sát, học hỏi nâng cao chuyên môn nghiệp vụ; được tiếp cận, chuyển giao những kỹ năng hành nghề, phương pháp lý luận chuẩn mực trong hoạt động hành nghề Luật sư tại các nước phát triển trên thế giới.

Thứ ba, việc áp dụng chuyển đổi số tạo thuận lợi cho hoạt động của Luật sư.

Việc phát triển mạnh của mạng lưới Internet, số hóa dữ liệu có thể giúp Luật sư làm việc nhanh hơn. Trước hàng ngàn văn bản luật và án lệ, nhờ công cụ tìm kiếm, số hóa sẽ giúp Luật sư tiết kiệm rất nhiều thời gian trong việc tìm kiếm, sàng lọc tài liệu và dành thời gian để phân tích sâu tài liệu liên quan đến vụ việc. Việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án theo Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP ngày 16/3/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao “về việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án” là một trong những quy định thể hiện việc đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động tư pháp và có tác động lớn tới giới Luật sư.

Việc này không chỉ giúp cho Luật sư mà còn cả người dân, cơ quan, tổ chức cũng có thể tìm kiếm, xem trực tiếp nội dung các bản án, quyết định đã công bố thuộc các lĩnh vực liên quan, các án lệ được áp dụng. Phương thức này đã tăng cường sự tiếp cận và giám sát đối với hoạt động xét xử, giải quyết của tòa của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; Tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của Tòa án, góp phần nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án... là những yếu tố cũng góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động của Luật sư.

Thứ tư, minh bạch hóa hoạt động doanh nghiệp. Trong quy trình thực hiện hệ thống quản lý doanh nghiệp, vốn trước kia rất chồng chéo bằng những quy định thiếu minh bạch thì kinh tế số hóa đã có tác động tích cực trong việc thực hiện công khai minh bạch hóa các thiết chế quản lý, đồng bộ hóa các quy định pháp luật trong nước so với các thông lệ, quy tắc thương mại thế giới. Đây là một thuận lợi lớn đối với giới Luật sư bởi với những tiến bộ về minh bạch hóa thiết chế quản lý doanh nghiệp sẽ giúp Luật sư có điều kiện thuận tiện trong việc tra cứu quy định, từ đó dự đoán được các rủi ro pháp lý và có hướng tư vấn hiệu quả cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, sự phát triển của hoạt động trực tuyến. Những bước tiến mới được tạo ra trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi cách giao tiếp và xử lý nghiệp vụ từ trực tiếp sang hình thức tương tác, giao tiếp điện tử. Nền kinh tế số xác định vai trò của công nghệ là yếu tố quan trọng, then chốt trong định hướng phát triển. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có rất nhiều phương thức khác thuận lợi để liên hệ với Luật sư thay vì phải đến gặp trực tiếp: trao đổi qua email, mạng xã hội, trang web của tổ chức hành nghề Luật sư... Vì vậy, phạm vi giao tiếp khách hàng của Luật sư hầu như không còn bị giới hạn bởi khoảng cách về địa lý, không gian. Trên thế giới cũng đã xuất hiện nhiều phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến được thực hiện thông qua nền tảng số, internet… Như vậy, hoạt động hành nghề Luật sư sẽ không còn bị cản trở bởi khái niệm biên giới hay lãnh thổ.

Bên cạnh những cơ hội trên, nghề Luật cũng đang đứng trước những thách thức lớn để điều chỉnh, hoàn thiện thích ứng với công cuộc chuyển đổi số này.

Trước tiên, sự hạn chế về năng lực và kinh nghiệm của Luật sư Việt Nam hiện nay. Sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ cùng với đó là sự hình thành các phương thức kinh doanh mới, kiến thức pháp lý cũng liên tục được đổi mới đặt ra yêu cầu cho các Luật sư phải không ngừng cập nhập thông tin để có thể tư vấn cho khách hàng cũng như xử lý hiệu quả các tình huống liên quan trong cuộc sống.

Thứ hai, áp lực cạnh tranh và đào thải. Mặc dù nhu cầu về nhân sự nghề Luật sư là cao nhưng vẫn có những Luật sư bị đào thải khỏi thị trường việc làm do điều kiện phát triển kinh tế tại Việt Nam chưa được đồng đều về mặt địa lý dẫn đến số lượng Luật sư chủ yếu tập trung ở những thành phố lớn. Sự thiếu cân đối này đã tạo ra một áp lực cạnh tranh rất lớn về hoạt động nghề nghiệp của các Luật sư.

Thứ ba, sự tác động của trí tuệ nhân tạo AI. Mặc dù viễn cảnh trí tuệ nhân tạo AI có thể thay thế hoàn toàn Luật sư có lẽ còn khá xa vời, nhưng sự phát triển của trí tuệ nhân tạo AI trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ pháp lý cùng với những ưu điểm vượt trội như: dữ liệu lớn, tốc độ tra cứu quy định pháp luật chuẩn xác, nhanh chóng, khá năng dự liệu rủi ro pháp lý toàn diện, chi phí pháp lý thấp và được công khai chi tiết... đang dần tạo nên một áp lực cạnh tranh ngày càng lớn đối với những người hành nghề Luật sư truyền thống.

Thứ tư, nguy cơ rủi ro trong việc bảo mật thông tin. việc sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ, sổ sách có thể dẫn tới thông tin cá nhân, bí mật kinh doanh của doanh nghiệp bị rò rỉ bao gồm vấn đề bảo mật thông tin, thư tín của cá nhân… Và nếu các thông tin trên không được bảo vệ một cách an toàn sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường. Đặc thù của nghề Luật sư là phải hiểu biết tường tận các thông tin của khách hàng, có trách nhiệm bảo mật thông tin, hồ sơ mà khách hàng cung cấp. Do vậy, thực tế là đang có một áp lực không hề nhỏ đối với Luật sư trong việc bảo mật thông tin của khách hàng trong tình trạng an ninh mạng tại Việt Nam đang còn rất nhiều vấn đề đáng lo ngại như hiện nay.

Theo đó, đội ngũ Luật sư cần tích cực rèn luyện ý chí tự học hỏi, cọ sát, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ với các Luật sư quốc tế; tăng cường nghiên cứu, nắm bắt xu thế mới công nghệ kỹ thuật; tìm hiểu, đáp ứng các điều kiện để được hành nghề luật ở phạm vi toàn cầu. Nhạy bén với thay đổi của thời cuộc, cập nhật kịp thời  thay đổi để bắt kịp chuẩn mực của việc hành nghề Luật sư với đẳng cấp cao hơn. Bản thân các Luật sư cũng cần tự ý thức học tập, nâng cao chuyên môn, kỹ năng hành nghề, nâng cao khả năng sử dụng ngoại ngữ để đáp ứng nhu cầu được cung cấp dịch vụ pháp lý của cá nhân, tổ chức trên phạm vi toàn cầu. Ngoài ra, Luật sư còn phải cập nhật, bổ sung các kiến thức về công nghệ thông tin, nâng cao kỹ năng sử dụng các phương tiện công nghệ hiện đại để phát huy điểm mạnh, hạn chế rủi ro khi hành nghề.

Đội ngũ Luật sư và các tổ chức hành nghề Luật sư cần có sự hoạch định chiến lược ngắn hạn cũng như dài hạn, nắm bắt đặc trưng của thị trường trong nền kinh tế số để có những thay đổi phù hợp về đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, phát triển thị trường… từ đó phát triển, xây dựng hình ảnh, thương hiệu chuyên nghiệp, từng bước nâng cao niềm tin của các cá nhân, tổ chức vào đội ngũ Luật sư của Việt Nam.

Bên cạnh việc hoạch định pháp luật, tạo hành lang pháp lý, định hướng phát triển nghề Luật sư thì sự hỗ trợ của Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của Luật sư trong nước trên trường quốc tế. Sự hỗ trợ này có thể thực hiện dưới nhiều hình thức như tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của Luật sư trong nước; khuyến khích các cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ Luật sư trong nước; hỗ trợ, cấp kinh phí đào tạo Luật sư phụ vụ cho việc hội nhập nền kinh tế số.

Nhìn chung, những thách thức mà Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại không hề nhỏ và nó có thể kéo theo nhiều hệ luỵ. Tuy nhiên đi cùng những thách thức thì cũng là cơ hội để Luật sư Việt Nam phát triển và toàn diện hơn.

Để nghề Luật sư được thích ứng, phát triển hiệu quả trong bối cảnh nền kinh tế số thì cần phải có sự phối hợp thực hiện đồng bộ giữa Nhà nước, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư và của chính bản thân các Luật sư. Bản thân Luật sư cần trau dồi kiến thức, kinh nghiệm và những kỹ năng kiến thức công nghệ mới để sớm thích ứng với những thách thức mới mà cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra.

Luật sư NGUYỄN THANH HÀ

Chủ tịch Công ty Luật SB Law

Đẩy mạnh việc sử dụng Bộ pháp điển điện tử đến gần hơn đối với cá nhân, tổ chức