Cụ thể, khoản 1 Điều 26 Dự thảo quy định: "Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ban hành quyết định huỷ quyết định công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản do người trúng đấu giá vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cơ quan có thẩm quyền quyết định cấm tham gia đấu giá quy định tại khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản xem xét, ban hành quyết định cấm tham gia đấu giá đối với người trúng đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 6 tháng đến 5 năm".
VCCI nhận định, quy định này là chưa rõ về chế tài áp dụng, mức độ vi phạm và thời hạn cấm tham gia đấu giá đối với người trúng đấu giá tương ứng. "Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm" là quy định khá chung chung. Điều này có thể dẫn tới nguy cơ áp dụng chế tài tùy nghi của các cơ quan thực thi. Đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể về các mức độ vi phạm và thời hạn cấm tham gia đấu giá tương ứng tại Dự thảo này hoặc chuyển sang quy định tại quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đấu giá tài sản.
Theo VCCI, quy định về thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền tại Điều 3 có một số điểm chưa đủ rõ ràng.
Thứ nhất, trường hợp cơ quan có thẩm quyền đề nghị thu hồi
Khoản 19 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đã bổ sung thêm trường hợp thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản là "theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền". Tuy nhiên, Luật lại không quy định trường hợp nào cơ quan có thẩm quyền sẽ đề nghị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản. Điều này có thể tạo ra sự thiếu rõ ràng trong áp dụng pháp luật. Bởi vì, trong quy trình thu hồi Giấy đăng ký, các cơ quan có thẩm quyền sẽ phải xem xét trường này có thuộc trường hợp phải thu hồi theo quy định của pháp luật không, nếu không quy định rõ các trường hợp bị thu hồi, sẽ khiến cho cơ quan thực thi lúng túng áp dụng. Sự thiếu rõ ràng này cũng tạo ra nguy cơ áp dụng pháp luật tùy nghi, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Để đảm bảo tính minh bạch, VCCI đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các trường hợp cơ quan có thẩm quyền sẽ đề nghị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản hoặc dẫn chiếu tới các quy định về các trường hợp cơ quan có thẩm quyền đề nghị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động tại các văn bản có liên quan.
Thứ hai, quy trình thu hồi
Theo quy định tại Điều 3 Dự thảo về quy trình thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản, Sở Tư pháp sẽ yêu cầu doanh nghiệp giải trình và phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị, tổ chức có liên quan sẽ xem xét nội dung giải trình. Trường hợp xác định doanh nghiệp đấu giá tài sản không thuộc trường hợp bị thu hồi theo quy định của Luật Đấu giá tài sản và pháp luật có liên quan hoặc cơ quan có thẩm quyền có văn bản đề nghị không thu hồi Giấy đăng ký hoạt động thì Sở Tư pháp thông báo bằng văn bản đến doanh nghiệp đấu giá tài sản và cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã đề nghị thu hồi. Cơ quan có thẩm quyền đề nghị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin đề nghị thu hồi.
Quy định trên là chưa rõ ở các điểm như căn cứ để Sở Tư pháp chấp thuận hay không chấp thuận nội dung giải trình của doanh nghiệp.
Cũng theo VCCI, nếu sau khi xem xét nội dung giải trình và xác định doanh nghiệp không thuộc trường hợp bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động thì trách nhiệm của Cơ quan có thẩm quyền đề nghị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động như thế nào, trong khi cơ quan này phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin đề nghị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động. VCCI đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về vấn đề trên để đảm bảo sự rõ ràng, thuận lợi trong thực hiện.