/ Luật sư - Bạn đọc
/ Cần sớm khởi tố nhóm tài khoản ‘bác sĩ Khoa’ về hành vi lừa đảo, giả mạo để trục lợi

Cần sớm khởi tố nhóm tài khoản ‘bác sĩ Khoa’ về hành vi lừa đảo, giả mạo để trục lợi

10/08/2021 09:30 |

(LSVN) - Cơ quan điều tra cần sớm khởi tố vụ án hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 để tiếp tục điều tra làm rõ thông tin về đối tượng phạm tội, khi có đầy đủ thông tin về đối tượng thì sẽ khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với các đối tượng lừa đảo để xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời đăng thông tin công khai về phía cơ quan điều tra để những nạn nhân cung cấp thông tin, trình báo sự việc làm căn cứ giải quyết vụ án.

Tại cuộc họp báo về cung cấp thông tin về phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP. HCM, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM Nguyễn Đức Thọ đã thông tin về vụ việc "bác sĩ Trần Khoa rút ống thở của mẹ nhường cho sản phụ mang song thai". Theo ông Thọ, ngày 09/8, Sở đã làm việc với 2 chủ tài khoản Facebook Nguyễn Đức Hiển và Hoàng Nguyên Vũ và xử phạt mỗi người 5 triệu đồng vì chia sẻ thông tin sai sự thật.

Đề cập về dấu hiệu lừa đảo trong vụ việc, ông Thọ cho biết bước đầu, Sở nhận định có một nhóm được thành lập với sự tham gia của các tài khoản giả nhưng hoàn toàn có tương tác thật.

"Chúng tôi chưa xác định được danh tính người sử dụng tài khoản Facebook Trần Khoa. Tuy nhiên, qua tổng hợp dữ liệu ban đầu, tài khoản này có tham gia một nhóm Facebook, đăng tải nhiều câu chuyện không có thực và có tương tác với nhau", ông Thọ nhận định. 

Theo ông Thọ, nhóm tự lập ra, có những tài khoản giả mạo tham gia nhưng cố tình tương tác, trao đổi với nhau trong nhóm để thành một tài khoản có thật, sống thật. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin Sở đã báo cáo với  Bộ Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, xác định việc các tài khoản này có hành vi giả mạo để trục lợi trong việc hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại TP.

Sở đang phối hợp với Công an để tiếp tục điều tra xem nhóm nào dựng lên tin giả này, để xử lý theo quy định. Ông Thọ cũng cho biết thêm, qua quá trình rà soát cho thấy có dấu hiệu nghi ngờ trục lợi trong vụ việc này, tuy nhiên cơ quan chức năng vẫn phải rà soát thêm...

Theo phản ánh của nhiều nạn nhân, sau khi đọc các bài đăng của nhóm tài khoản "bác sĩ Khoa" này, thấy việc làm thiện nguyện họ đăng tải ý nghĩa, với lòng thương người các nạn nhân đã ủng hộ và kêu gọi rất nhiều người thân xung quanh mình chuyển tiền ủng hộ.

Đánh giá về vụ việc này, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp cho rằng căn cứ vào thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng thì nhóm đối tượng này có nhiều người, sử dụng nhiều tài khoản Facebook, đưa ra nhiều câu chuyện mủi lòng để đánh vào tâm lý, tình thương của mọi người rồi đề nghị quyên góp ủng hộ, chiếm đoạt tài sản. Với sức lan tỏa nhanh chóng của câu chuyện này thì chắc chắn sẽ có rất nhiều người đã mắc lừa và chuyển tiền cho nhóm đối tượng.

Vì vậy, cơ quan điều tra cần sớm khởi tố vụ án hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 để tiếp tục điều tra làm rõ thông tin về đối tượng phạm tội, khi có đầy đủ thông tin về đối tượng thì sẽ khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với các đối tượng lừa đảo để xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời đăng thông tin công khai về phía cơ quan điều tra để những nạn nhân cung cấp thông tin, trình báo sự việc làm căn cứ giải quyết vụ án. 

Theo quy định của pháp luật thì hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi lừa đảo. Với số tiền chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng trở lên thì đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Số tiền chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở lên thì đối tượng lừa đảo sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. 

Thông tin gian dối của các đối tượng là thông tin gian dối về người đang gặp hoạn nạn, về sự việc hoạn nạn để đánh vào lòng thương, sự chắc ẩn trong mỗi con người, để những người đó chuyển tiền, tài sản cho nhóm đối tượng này. Người chuyển tiền, tài sản cho các đối tượng này sẽ tưởng rằng mình đang làm thiện nguyện, giúp đỡ những người khó khăn, hoạn nạn nhưng thực tế là không có người như thế mà nhằm chiếm đoạt tài sản.

Theo Luật sư Cường, hành vi lừa đảo như vậy ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, làm suy giảm lòng tin và sự tự tế của con người, làm xói mòn đạo đức xã hội. Khi đã một mất mười ngờ thì hậu quả của những sự việc như thế này sẽ ảnh hưởng rất lâu dài đối với xã hội, sẽ làm cho người ta nghi ngờ vào lòng tốt và sự tử tế trong con người, làm cho con người trở nên hoài nghi lẫn nhau, những người gặp khó khăn hoạn nạn thực sự thì sẽ ít có cơ hội được người khác giúp đỡ.

Việc phát hiện, xử lý nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản này là rất cần thiết để đảm bảo giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, không làm ảnh hưởng đến uy tín của các bác sĩ, ngành y tế và lực lượng chống dịch. Các đối tượng trong vụ án này sẽ phải bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như: Phạm tội có tổ chức; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để phạm tội; Lợi dụng dịch bệnh để phạm tội,... nên chế tài đối với nhóm đối tượng này sẽ rất nghiêm khắc, mức hình phạt cao nhất có thể đến tù chung thân theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Diễn biến dịch bệnh hiện nay rất phức tạp, những sự việc như thế cũng sẽ gây mất niềm tin và đoàn kết trong xã hội. Bởi vậy, việc nhanh chóng phát hiện, xử lý nhóm đối tượng có hành vi vi phạm là cần thiết để đảm bảo gìn giữ niềm tin, tình đoàn kết, đồng lòng của đồng bào cả nước. Mọi hành vi lợi dụng dịch bệnh để phạm tội đều sẽ xử lý nghiêm minh theo tinh thần của văn bản số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

g) (được bãi bỏ)

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) (được bãi bỏ)

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) (được bãi bỏ)

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

ĐỨC NGUYỄN

Hà Nội bỏ yêu cầu người đi đường phải có 'lịch trực, lịch làm việc'

Lê Minh Hoàng