/ Kinh nghiệm - Thực tiễn
/ Cần sớm xây dựng khung pháp lý cho mô hình xét xử trực tuyến vụ án hình sự

Cần sớm xây dựng khung pháp lý cho mô hình xét xử trực tuyến vụ án hình sự

24/08/2021 04:04 |

(LSVN) - Thời gian gần đây, Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai các bước đi quan trọng nhằm xây dựng Toà án điện tử như một phần cam kết của Tòa án Việt Nam tại Hội nghị Chánh án các nước ASEAN cho đến năm 2025, phù hợp xu thế tất yếu trong thời đại số, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và bắt kịp với các nền tư pháp văn minh của thế giới. Toà án nhân dân TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) cũng đã bước đầu hoàn thiện Đề án thí điểm xét xử trực tuyến vụ án hình sự.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang có những diễn biến vô cùng phức tạp, nghiêm trọng và khó lường trên phạm vi toàn thế giới và ở Việt Nam, số ca nhiễm bệnh và tử vong tăng nhanh, chưa có dấu hiệu dừng lại. Ngành Toà án đã ban hành nhiều Chỉ thị và giải pháp nhằm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo hoạt động xét xử phù hợp với tình hình giãn cách xã hội kéo dài. Nhu cầu xây dựng mô hình xét xử trực tuyến vụ án hình sự hiện nay đang được đặt ra một cách cấp thiết.

Nhìn ra thế giới và tình hình ở Việt Nam

Có thể thấy hiện nay nhiều quốc gia đã triển khai thành công mô hình Tòa án điện tử, số hoá các tài liệu trong hồ sơ vụ án, hệ thống quản lý án, hệ thống cơ sở dữ liệu pháp luật,… trong hoạt động tại Tòa án, mang lại nhiều thuận lợi cho người dân trong khả năng tiếp cận công lý, hoạt động quản lý và xét xử của Tòa án được nhanh chóng. Một số ứng dụng nhằm áp dụng hệ thống nộp và bổ sung đơn, các tài liệu khác qua mạng (eLodgment); hệ thống quản lý án (Federal Law Search); phòng xử án ảo (eCourtroom); xây dựng mô hình và quy trình thực hiện xét xử trực tuyến. Bên cạnh đó các phòng  xử mới để ứng dụng công nghệ thông tin cũng được xây dựng ở nhiều quốc gia, sử dụng để xét xử trực tuyến khi được kết nối với mạng nội bộ của Tòa án và mạng internet, tích hợp hệ thống âm thanh, hình ảnh và kết nối với những hệ thống dữ liệu, thông tin của Tòa án.

Ông Nguyễn Thành Vinh - Chánh án Toà án TP. Thủ Đức cho biết đã tham khảo nhiều mô hình xét xử trực tuyến của Auatralia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore… trong xây dựng Đề án thí điểm, từ khâu thụ lý hồ sơ, thu thập chứng cứ cho đến xét xử và thi hành án, thông qua việc áp dụng nhiều công nghệ hiện đại như dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, Blockchain và Internet vạn vật. Về phần mình, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tích cực tham gia vào quá trình nghiên cứu, xây dựng mô hình xét xử trực tuyến vụ án hình sự của Toà án nhân dân tối cao và Đề án thí điểm của Toà án nhân dân TP. Thủ Đức. 

Với sự hỗ trợ của các Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ, Nhật Bản, CHLB Đức, Liên đoàn đã chia sẻ nhiều tài liệu nghiên cứu, mô hình và các giải pháp kỹ thuật phục vụ cho mô hình xét xử trực tuyến, trong đó đặc biệt có các cuốn Sổ tay cho Thẩm phán, Luật sư và Bồi thẩm đoàn để hướng dẫn sử dụng nền tảng ZoomGov để tiến hành các phiên xét xử trực tuyến của Tòa án Bang Minnesota (Hoa Kỳ). Kinh nghiệm từ CHLB Đức còn cho thấy, các thiết bị kỹ thuật mà cơ quan tư pháp sử dụng phải tương thích với các hệ thống khác để liên lạc cũng như các thiết bị truyền tải hình ảnh và âm thanh mà Luật sư, các cơ quan chức năng khác và các bên tham gia tố tụng sử dụng.

Ở Việt Nam hiện nay, pháp luật chưa có một khung pháp lý hoàn chỉnh để điều chỉnh hướng dẫn cách thức xét xử trực tuyến. Do tình hình dịch bệnh Covid-19, Chánh án Toà án nhân dân tối cao ban hành nhiều Chỉ thị về phòng chống dịch trong hệ thống Toà án, trong đó hạn chế việc tổ chức các phiên tòa, phiên họp tập trung trên 20 người trong một khán phòng. Đồng thời chỉ đạo tăng cường xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc bằng phương thức trực tuyến khi có đủ điều kiện. Tuy nhiên, cho đến nay, có rất ít vụ án hình sự được đưa ra xét xử theo phương thức trực tuyến. 

Một số hình ảnh về phòng xử án trực tuyến tại CHLB Đức. (Nguồn: Đoàn Luật sư CHLB Đức cung cấp cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam).

Trong khi đó, với số lượng các vụ án hình sự được điều tra, truy tố, xét xử lên tới hàng trăm ngàn vụ án hàng năm, áp lực về đảm bảo thời hạn điều tra, tạm giam, xét xử, tôn trọng và bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội ngày càng lớn. Do diễn biến dịch bệnh kéo dài, có những vụ án hình sự lớn đã phải hoãn lịch xét xử tới 4-5 lần và khả năng tiếp tục phải hoãn xử. Phần lớn các Trại tạm giam của Bộ Công an và TP. Hồ Chí Minh đã chuyển lên huyện Củ Chi với khoảng cách 60 km, mỗi lần lên làm việc hoặc đưa bị cáo ra Toà án xét xử phải mất từ 1-2 giờ. Riêng ở TP. Thủ Đức, với số lượng các vụ án hình sự xét xử hiện nay khoảng 700 vụ/năm, điều kiện giam giữ tại các nhà tạm giữ, Trại tạm giam hiện nay đang rất khó khăn cho công tác phòng chống dịch bệnh. Nếu tiếp tục phiên tòa xét xử trực tiếp sẽ dẫn đến nguy cơ không đảm bảo nguyên tắc phòng, chống, dễ làm lây lan dịch bệnh, không đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người tiến hành và tham gia tố tụng, có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, Công an, Luật sư và của cả cộng đồng xã hội.

Nhu cầu xây dựng khung pháp lý, trình tự thủ tục và giải pháp kỹ thuật cho phiên toà xét xử trực tuyến

Có thể nhận thấy trong tình hình phòng chống dịch Covid-19 hiện nay, việc thực hiện xét xử trực tuyến vụ án hình sự mang lại rất nhiều lợi ích: Không cần trích xuất các bị cáo ra khỏi nhà tạm giữ, tạm giam đến tham gia phiên tòa xét xử sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí trích xuất, dẫn giải và chi phí cho công tác đảm bảo an ninh tại phiên toà, đảm bảo thời hạn xét xử, tiết kiệm thời gian, an toàn xã hội nhưng vẫn đảm bảo quyền con người, quyền tự bào chữa và nhờ Luật sư bào chữa của bị cáo. Mô hình xét xử trực tuyến vụ án hình sự còn ứng dụng được các thành tựu công nghệ thông tin hiện đại và phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp trong các Nghị quyết số 08-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW và Kết luận số 84-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam theo Kế hoạch số 76/KH-BCĐ-TANDTC ngày 10/6/2021 của Toà án nhân dân tối cao. 

Cách bố trí Phòng xử án theo thủ tục tố tụng dân sự ở Nhật Bản. (Nguồn: Liên hội Luật sư Nhật Bản cung cấp cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam).

Sự khác nhau cơ bản giữa xét xử theo thủ tục thông thường và xét xử trực tuyến, là những người tham gia phiên tòa xét xử không ở cùng một địa điểm và không gian. Ông Nguyễn Thành Vinh - Chánh án Toà án TP. Thủ Đức nhìn nhận việc xét xử trực tuyến vẫn là một hình thức “mặt đối mặt” nhưng là một hình thức “mặt đối mặt” mới trong thời đại internet và xét xử trực tuyến thực sự làm phong phú hơn nội hàm của xét xử trực tiếp. Nhìn ở góc độ Luật sư, việc chuyển sang hình thức xét xử trực tuyến một số vụ án hình sự vẫn phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản và trình tự thủ tục mà Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định, trong đó vấn đề bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khi xét xử trực tuyến phải được chú trọng một cách đặc biệt. 

Tuy nhiên, do đặc điểm phiên toà xét xử vụ án hình sự trực tiếp bằng hình thức trực tuyến thông qua một đường truyền viễn thông, nên các yếu tố pháp lý, yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, trình tự tố tụng kiểm tra, đánh giá chứng cứ và tranh tụng tại phiên toà trong điều kiện bị cáo, Luật sư có thể không cùng không gian, địa điểm xét xử là những vấn đề cần được quan tâm giải quyết. Đó là chưa kể, trong điều kiện hạ tầng kỹ thuật và không gian mạng còn hạn chế ở vùng miền núi, dân tộc, hoặc chưa phủ kín, việc liên thông giữa Toà án, cơ sở giam giữ, chỗ ngồi, phương tiện kết nối, tính bảo mật, riêng tư của các thành phần tham gia phiên toà là những thách thức lớn. 

Đề án thí điểm của Toà án TP. Thủ Đức đã đưa ra tiêu chí lựa chọn vụ án xét xử theo hình thức trực tuyến, trước mắt áp dụng đối với các vụ án hình sự theo trình tự sơ thẩm mà bị cáo đang bị tạm giam; được điều tra, truy tố và xét xử theo thủ rút gọn; có số lượng dưới 05 bị cáo; vụ án có tính chất đơn giản, chứng cứ đầy đủ và bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội. Theo chúng tôi, việc xét xử trực tuyến không vi phạm quy định tại Điều 250 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 là Hội đồng xét xử phải trực tiếp xác định những tình tiết của vụ án bằng cách hỏi, nghe ý kiến của bị cáo và các đương sự, cũng như việc xem xét, kiểm tra, tài liệu chứng cứ đã thu thập và thông qua việc thẩm tra, đánh giá và tranh tụng tại phiên toà. Riêng các vụ án khó, phức tạp, quan điểm đánh giá chứng cứ khác biệt, số lượng bị cáo và những người tham gia tố tụng quá đông, không đảm bảo quy tắc phòng chống dịch hoặc có những tình tiết khác không phù hợp thì không chọn để xét xử trực tuyến.

Chúng tôi kiến nghị Chánh án Toà án nhân dân tối cao sau khi tham khảo ý kiến các cơ quan chức năng, cần sớm ban hành Quyết định ban hành Quy chế tổ chức xét xử trực tuyến, trong đó hướng dẫn cách thức tổ chức và trình tự phiên toà xét xử trực tuyến đối với một số loại vụ án hình sự được lựa chọn, với các phạm vi về tiêu chí và sơ đồ phòng xét xử trực tuyến, cách thức tống đạt thủ tục tố tụng, trình tự, thủ tục phiên toà, điều kiện hạ tầng và chất lượng đường truyền, kết nối phần mềm đảm bảo sự có mặt của người tiến hành tố tụng tại đầu cầu trụ sở Toà án, bị cáo tại cơ sở giam giữ và các đầu nối của người tham gia tố tụng, cách thức tiếp xúc của Luật sư với bị cáo thông qua hệ thống trực tuyến. Trong đó, cần hướng dẫn cụ thể về trình tự xét hỏi, cách thức xem xét vật chứng, tài liệu, chứng cứ thông qua màn hình và âm thanh trực tuyến, vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống mạng truyền dẫn, bảo mật thông tin.

Ở góc độ này, Toà án nhân dân tối cao cần phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và truyền thông xây dựng một tiêu chuẩn quốc gia để sử dụng đường truyền âm thanh và hình ảnh trong xét xử trực tuyến tại Tòa án, thiết lập các tiêu chuẩn của thiết bị kỹ thuật tại các Tòa án, cung cấp phần mềm và dịch vụ lưu trữ cho phiên xử trực tuyến. Trong tình hình dịch bệnh Covid-19, cần nghiên cứu cách thức liên lạc, thông báo, tống đạt thủ tục, giấy tờ qua mạng internet, thống nhất trước cách thức tiến hành phiên toà và cung cấp quyền truy cập hệ thống mạng của phiên toà xét xử trực tuyến, chia sẻ màn hình với các điều kiện bảo mật trong phòng xử, kể cả việc tạo điều kiện cho các Luật sư để trao đổi với thân chủ của mình.

Quy chế ban hành kèm theo Quyết định của Chánh án Toà án nhân dân tối cao nếu được cũng cần hướng dẫn bằng phụ lục về chức năng cơ bản trong Zoom như cách thức cài đặt Zoom (Zoom Setting); bật/tắt âm thanh/video, mời người tham gia xét hỏi, xem không gian và những người tham gia phiên toà, cách thức chia sẻ màn hình và thứ tự tranh luận, tuyên án; ghi âm lại phiên toà và rời khỏi phòng xử trực tuyến. Ngoài ra, cần quy định về quy tắc ứng xử của người tiến hành và tham gia tố tụng trong phiên toà trực tuyến, tuyệt đối tuân theo hướng dẫn được cung cấp bởi Tòa án để chuẩn bị cho việc tham dự phiên toà. Các chủ thể tham gia phải sử dụng hình nền ảo do Tòa án cung cấp, ở những địa điểm thích hợp trong một không gian yên tĩnh, bảo đảm mức độ riêng tư và hiển thị hình ảnh bảo đảm độ sáng thích hợp.

Từ việc hướng dẫn mô hình xét xử trực tuyến vụ án hình sự, trên cơ sở thực tiễn triển khai, có thể từng bước áp dụng đối với các phiên toà xét xử các vụ án dân sự, hành chính và vụ án khác, phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Toà án, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, các tổ chức và cá nhân.

Sơ đồ phòng xử trực tuyến theo đề xuất của tác giả

 

Luật sư, Tiến sĩ PHAN TRUNG HOÀI

Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam

TAND cấp cao tại TP. HCM lên 3 kịch bản phòng chống Covid-19

Lê Minh Hoàng