Ảnh minh họa.
Phát biểu tranh luận tại hội trường, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) cho rằng, có nhiều ý kiến đã đưa ra liên quan đến phòng chống rủi ro, nhưng chưa có nhiều ý kiến liên quan đến việc xây dựng.
Đại biểu cho biết, các doanh nghiệp đang rất cần tiếp cận với nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh, người dân cũng có những nhu cầu cấp thiết về tiêu dùng. Ngân hàng có tiền, nhưng theo cơ chế không thể cho doanh nghiệp vay.
Từ đó, Đại biểu đề nghị, trong mục đích, quan điểm xây dựng luật, cần thể hiện rõ cơ chế tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận với nguồn tài chính. Ban soạn thảo cần bám sát hơn nữa nhu cầu tài chính của người dân và doanh nghiệp trong tình hình hiện nay để tháo gỡ vướng mắc cơ chế, để giải quyết bức xúc trong xã hội đối với việc thiếu vốn.
Đồng quan điểm, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) thống nhất với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập trong luật hiện hành; tăng cường sự an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, việc sửa đổi Luật cũng nhằm hạn chế sở hữu chéo; hoàn thiện cơ sở pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, tạo thuận lợi với việc tiếp cận dịch vụ ngân hàng của doanh nghiệp, người dân.
Theo Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, việc sửa đổi luật đảm bảo người dân ở vùng sâu vùng xa, vùng miền núi tiếp cận với dịch vụ ngân hàng. Ngoài ra, cần xem xét hồ sơ cấp phép và hồ sơ đăng ký kinh doanh. Nhằm đảm bảo an toàn cho khách hàng, trong dự án luật cần quy định rõ về mức phí, loại phí, đặc biệt là ở vùng khó khăn...
Còn Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) thì đề nghị làm rõ quy định không thực hiện dự trữ bắt buộc đối với ngân hàng chính sách.
Về áp dụng các biện pháp can thiệp sớm, Đại biểu Phạm Văn Hòa cho hay, chưa có đánh giá làm rõ tương quan giữa giám sát, tăng cường đến can thiệp sớm, vẫn chưa có biện pháp kiểm soát đặc biệt để nâng cao tinh thần trách nhiệm cao hơn. Đồng thời cần quy định, can thiệp sớm của tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý Nhà nước nếu để xảy ra các trường hợp phải can thiệp sớm mà chưa có biện pháp xử lý từ đầu.
Đại biểu cũng đề nghị, bổ sung biện pháp không cho phép tổ chức tín dụng thực hiện các khoản đầu tư và làm rõ là bị rút tiền hàng loạt đến mức độ nào thì cần có sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo sự minh bạch.
Về khoản vay đặc biệt, Đại biểu Phạm Văn Hòa đồng tình với những nội dung quy định trong dự thảo là rất cần thiết để đảm bảo an toàn cho cả hệ thống, tạo lòng tin tuyệt đối với khách hàng. Tuy nhiên, cũng cần rạch ròi khi áp dụng sự cố rút tiền hàng loạt hoặc có nguy cơ đổ vỡ cả hệ thống, gây bất ổn cho xã hội.
Về thẩm quyền cho vay đặc biệt, Đại biểu đề nghị, quyết định tổ chức tín dụng cho vay đặc biệt phải khoanh nợ vay, đến khi nào thu hồi nợ được, khách hàng sẽ hoàn trả lại. Nếu không quy định rõ sẽ không công bằng với các tổ chức tín dụng hoạt động có hiệu quả. Về tài sản đảm bảo cho vay đặc biệt, Đại biểu đề nghị, phải có chính tài sản đảm bảo của khách hàng gửi cho tổ chức tín dụng.
Về bán nợ xấu và tài sản đảm bảo quy định bán phù hợp với giá thị trường, Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị, cần có quy định hướng dẫn chi tiết thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thì cho rằng, một số nội dung quan trọng liên quan đến phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng chưa được dự thảo Luật quy định. Đó là các nội dung liên quan đến tài chính của tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, bao gồm doanh thu, chi phí, doanh thu nhận trước, lãi dự thu, trích lập dự thu, chế độ kế toán, kiểm toán… Đại biểu đề nghị bổ sung các nội dung này vào nội dung dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị, bổ sung quy định điều chỉnh nội dung ngân hàng thương mại có vốn của Nhà nước đầu tư sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, ví dụ các trường hợp góp vốn mua cổ phần các công ty con kinh doanh trong các lĩnh vực như bảo hiểm, chứng khoán, cho thuê tài chính. Dù dự thảo Luật có đề cập vấn đề này tại Điều 4 và Điều 103, tuy nhiên, theo đại biểu, các quy định này chưa cụ thể.
Cho rằng đây là vấn đề phức tạp, có liên quan đến nội dung Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Quản lý thuế, cụ thể là về xác định doanh thu, lỗ lãi… đại biểu nói rằng, cần luật hóa, quy định cụ thể hơn nữa, cân nhắc thiết kế một chương quy định riêng về tài chính của các ngân hàng thương mại trong dự thảo Luật.
MINH TRẦN
Đại biểu Quốc hội đề xuất điều chỉnh quy định liên quan đến việc cung cấp thông tin khách hàng