Bị cáo Trần Thị Ngọc Châu tại phiên tòa.
Nội dung vụ án:
Theo Bản án sơ thẩm số 49/2020/HS-ST ngày 15/10/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ xác định: Ngày 23/7/2013, bà Nguyễn Thị Thúy Lan ký hợp đồng gửi giữ vàng với Ngân hàng TMCP Tiên Phong chi nhánh Cần Thơ.
Ngày 30/8/2013, Trần Thị Ngọc Châu được giao nhiệm vụ làm giao dịch viên tại phòng Dịch vụ khách hàng Ngân hàng TMCP Tiên Phong chi nhánh Cần Thơ (BL. 338, 319). Châu được phân công chăm sóc khách hàng Nguyễn Thị Thúy Lan, là khách hàng cao cấp. Châu là đầu mối duy nhất, lập chứng từ xác nhận rút vàng, rồi nhận vàng từ quỹ để giao cho khách hàng. Do cần tiền để sử dụng vào mục đích cá nhân, Châu đã lập chứng từ rút vàng, từ tài khoản của bà Lan, rồi bán lấy tiền tiêu xài. Để che giấu hành vi này, Châu đã thay đổi thông tin khách hàng, đổi số điện thoại liên lạc và hủy dịch vụ báo tin giao dịch từ tài khoản. Ngoài ra, Châu còn tự ý chỉnh sửa báo cáo GL022, cắt bỏ các giao dịch rút vàng này. Cụ thể như sau:
Lần 1: Ngày 28/3/2014, Châu lập Phiếu xác nhận rút 5 lượng vàng SJC, rồi chuyển cho Kiểm soát viên Bùi Thị Xuân Hương phê duyệt, sau đó chuyển cho Trưởng quỹ Bùi Thanh Hương. Sau khi nhận vàng, Châu bán, lấy tiền tiêu xài.
Lần 2: Ngày 23/5/2014, Châu lập Phiếu rút 10 lượng vàng SJC. Sau khi được phê duyệt và nhận vàng, Châu nhờ Trần Văn Thể (có vợ là Nguyễn Thị Phượng) ký giả tên bà Phượng, để cho Châu bán hết số vàng nói trên cho Ngân hàng TMCP Tiên Phong, rồi lấy tiền tiêu xài.
Lần 3: Ngày 06/3/2015, Châu lập Phiếu xác nhận tút 13 lượng vàng SJC. Sau khi được phê duyệt và nhận vàng, Châu lấy tên Trần Thị Ngọc Như Ý (là em ruột), bán 10 lượng vàng cho Ngân hàng TMCP Tiên Phong.
Châu đã rút tổng cộng là 28 lượng vàng SJC có giá trị tương đương 1.003.985.000 đồng. Từ ngày 01/10/2017, Châu được giao nhiệm vụ làm Kiểm soát sau của Ngân hàng TMCP Tiên Phong chi nhánh Cần Thơ. Đầu tháng 11/2017, bà Lan báo sẽ rút hết số vàng đã gửi. Để che giấu, đồng thời có vàng để trả vào tài khoản cho bà Lan, ngày 03/11/2017, Châu mượn máy tính của Bùi Thị Xuân Hương và xin mã giao dịch của Hương với lý do là “để kiểm tra giao dịch trong ngày”. Tiếp theo, xin mã giao dịch của Vương Thái Quyên.
Châu đã thực hiện thao tác chuyển 28 lượng vàng SJC từ tài khoản của bà Mai Thị Bạch Loan (cùng gửi vàng tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong chi nhánh Cần Thơ) qua tài khoản treo của ngân hàng. Rồi sau đó là chuyển hết qua tài khoản của bà Lan. Châu đã sử dụng mã giao dịch của Bùi Thị Xuân Hương để phê duyệt 2 giao dịch nói trên. Cùng ngày, Châu đã nhắn tin qua zalo cho bà Lan biết số dư là 46 lượng vàng. Ngày 11/11/2017, bà Lan đã rút hết 46 lượng vàng, bán cho Ngân hàng TMCP Tiên Phong chi nhánh Cần Thơ.
Ngày 01/2/2019, bà Loan đến ngân hàng để xác nhận số dư, thì phát hiện mất vàng. Khi kiểm tra trên hệ thống, phát hiện có 3 giao dịch rút tiền nói trên và giao dịch chuyển 28 lượng vàng của bà Loan qua tài khoản của bà Lan. Sau khi bị phát hiện, Châu đã nộp 959.200.000 đồng và 2 lượng vàng SJC, tương đương 28 lượng vàng để bồi thường cho Ngân hàng TMCP Tiên Phong.
Với hành vi trên, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ đã áp dụng Điều 179; khoản 4 Điều 175; điểm b,r,s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 tuyên bố: Bị cáo Trần Thị Ngọc Châu phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và tuyên mức án 13 năm tù. Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo kháng cáo đề nghị thay đổi sang tội khác nhẹ hơn liên quan đến chức vụ là tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao đề nghị bác kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Kết quả thẩm vấn tại tòa án, sau khi cân nhắc ý kiến kết luận của Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao và ý kiến của Luật sư bào chữa cho bị cáo, Hội đồng xét xử tuyên bác kháng cáo của bị cáo về việc thay đổi tội danh, chấp nhận một phần đề nghị của Luật sư, giảm hình phạt cho bị cáo từ 13 năm tù xuống 12 năm tù.
NGUYỄN THÀNH – HÀ GIANG
Kỷ luật đảng: Bước đầu của quy trình xử lý vi phạm đối với cán bộ?