/ Luật sư - Bạn đọc
/ Kỷ luật đảng: Bước đầu của quy trình xử lý vi phạm đối với cán bộ?

Kỷ luật đảng: Bước đầu của quy trình xử lý vi phạm đối với cán bộ?

08/04/2022 10:55 |

(LSVN) - Liên quan đến sai phạm của công ty Việt Á, cơ quan điều tra đã khởi tố, tạm giam rất nhiều các cán bộ. Do đó, sau Kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương và quyết định thi hành kỉ luật của cơ quan đảng thì cơ quan điều tra cũng tiếp tục xem xét các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Trường hợp có căn cứ cho thấy hành vi vi phạm đến pháp luật thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố các bị can về các tội danh có liên quan để xử lý theo quy định pháp luật.

Ảnh minh họa.

Có thể thấy, những sai phạm của công ty Việt Á và một số cá nhân liên quan trong thời gian qua đã khiến dư luận bức xúc. Nếu không có sự buông lỏng quản lý, thậm chí tiếp tay, giúp sức của một số tổ chức, cá nhân thì các bị can của công ty Việt Á không thể thực hiện được những vi phạm nghiêm trọng như vậy. Do đó, sau khi khởi tố lãnh đạo công ty này và một số thuộc cấp thì cơ quan điều tra cũng đã khởi tố một số cán bộ thuộc Học viện Quân y và Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của một số địa phương.

Trong vụ án này Học viện Quân y và một số cán bộ y tế đã có vi phạm nghiêm trọng khi tiếp tay, giúp sức cho hành vi vi phạm pháp luật của công ty Việt Á. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ những ai có liên quan để xem xét trách nhiệm theo quy định pháp luật.

Vừa qua, Ban Bí thư đã họp để xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y; Trung tướng Đỗ Quyết, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Quân y; Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Quân y.

Theo kết luận của Ban Bí thư, sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư nhận thấy, Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y các nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số lãnh đạo chủ chốt của Học viện và nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm các quy định của đảng, pháp luật của Nhà nước trong đề xuất, tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 và mua sắm vật tư y tế, kit xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19.

Với những kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về sai phạm của một số tổ chức, cá nhân trong Học viện Quân y và đặc biệt là Giám đốc và Phó Giám đốc Học viện thì việc tiến hành kỷ luật đối với các cán bộ lãnh đạo cao cấp này theo đúng quy trình, thủ tục kỷ luật đảng viên quy định tại Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam và hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương.

Theo đó, Ban Bí thư quyết định thi hành kỉ luật Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y và Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Phó Giám đốc bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong đảng nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025. Đây là câu chuyện rất đáng buồn và chưa từng xảy ra đối với Học viện này. Tuy nhiên đây cũng là động thái thể hiện việc xử lý cán bộ vi phạm rất nghiêm khắc, thể hiện sự quyết tâm của đảng trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, duy trì kỷ luật kỷ cương đối với các cán bộ trung ương. Nếu cán bộ lãnh đạo Học viện Quân y thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm đối với công trình nghiên cứu này thì có lẽ công ty Việt Á không thể lợi dụng để trục lợi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả phòng chống dịch bệnh cũng như đến uy tín của đảng và nhà nước. Vì vậy, ngoài việc kỷ luật đảng thì các cán bộ có liên quan có thể sẽ phải chịu chế tài của pháp luật. 

Theo quy định số 102-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về kỷ luật đảng viên nêu rõ nguyên tắc: 'Tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của đảng. Đảng viên ở bất cứ cương vị nào, nếu vi phạm kỷ luật của đảng đều phải được xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời".

Việc thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm phải thực hiện đúng phương hướng, phương châm, nguyên tắc, thủ tục và thẩm quyền theo quy định của Điều lệ Đảng, quy định, hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Khi xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, thái độ tiếp thu phê bình và sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra, mục tiêu, yêu cầu của việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng đảng.

Trong xử lý kỷ luật, phải kết hợp xem xét kết quả tự phê bình và phê bình với kết quả thẩm tra, xác minh của tổ chức đảng để bảo đảm kết luận dân chủ, khách quan, trung thực, đầy đủ, chính xác. Cần làm rõ nguyên nhân, phân biệt sai lầm, khuyết điểm của đảng viên do trình độ, năng lực hoặc động cơ vì lợi ích chung hay vì lợi ích cá nhân, cục bộ mà cố ý làm trái; vi phạm nhất thời hay có hệ thống; đã được giáo dục, nhắc nhở, ngăn chặn nhưng vẫn làm trái; ý thức tự phê bình và phê bình kém, không tự giác nhận lỗi, không bồi hoàn vật chất đầy đủ, kịp thời; có hành vi đối phó, gây khó khăn, trở ngại cho việc kiểm tra; phân biệt đảng viên khởi xướng, tổ chức, quyết định với đảng viên bị xúi giục, lôi kéo, đồng tình làm sai.

Hình thức kỷ luật đối với đảng viên chính thức gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ. Đối với đảng viên dự bị: Khiển trách, cảnh cáo.

Đảng viên vi phạm đến mức khai trừ thì phải khai trừ, không áp dụng hình thức xóa tên; cấp ủy viên vi phạm đến mức cách chức thì phải cách chức, không cho thôi giữ chức; đảng viên dự bị vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo, không đủ tư cách thì xóa tên trong danh sách đảng viên.

Đặc biệt quy định này nêu rõ, đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không "xử lý nội bộ"; bị Tòa án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì phải khai trừ; nếu bị xử phạt bằng hình phạt thấp hơn cải tạo không giam giữ hoặc được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, bị xử phạt hành chính thì tùy nội dung, mức độ, tính chất, tác hại, nguyên nhân vi phạm và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ mà xem xét, thi hành kỷ luật đảng một cách thích hợp.

Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật. Đảng viên bị thi hành kỷ luật về đảng thì cấp ủy quản lý đảng viên đó phải kịp thời chỉ đạo hoặc đề nghị ngay các tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội có thẩm quyền, trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về đảng, phải xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước và điều lệ của đoàn thể.

Một nội dung vi phạm chỉ bị xử lý kỷ luật một lần bằng một hình thức kỷ luật. Trong thời điểm kiểm tra, xem xét xử lý vụ việc, nếu đảng viên có từ hai nội dung vi phạm trở lên thì xem xét, kết luận từng nội dung vi phạm và quyết định chung bằng một hình thức kỷ luật; không tách riêng từng nội dung vi phạm của đảng viên để xử lý kỷ luật nhiều lần với các hình thức kỷ luật khác nhau.

Trong cùng một vụ việc có nhiều đảng viên vi phạm thì mỗi đảng viên đều phải bị xử lý kỷ luật về nội dung vi phạm của mình. Không được luân chuyển, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm; phong, tặng, công nhận các danh hiệu của đảng và Nhà nước đối với đảng viên đang được tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật.

Liên quan đến sai phạm của công ty Việt Á, cơ quan điều tra đã khởi tố, tạm giam rất nhiều các cán bộ. Do đó, sau Kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương và quyết định thi hành kỉ luật của cơ quan đảng thì cơ quan điều tra cũng tiếp tục xem xét các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Trường hợp có căn cứ cho thấy hành vi vi phạm đến pháp luật thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố các bị can về các tội danh có liên quan để xử lý theo quy định pháp luật.

Tiến sĩ, Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG

Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp

Phân biệt tội danh quy định tại Điều 359 và Điều 341 Bộ luật Hình sự

Lê Minh Hoàng