/ Trao đổi - Ý kiến
/ Phân biệt tội danh quy định tại Điều 359 và Điều 341 Bộ luật Hình sự

Phân biệt tội danh quy định tại Điều 359 và Điều 341 Bộ luật Hình sự

03/04/2022 15:17 |

(LSVN) - Tội "Giả mạo trong công tác" theo Điều 359 Bộ luật Hình sự và tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" theo Điều 341 Bộ luật Hình sự là 2 tội phạm độc lập, dù có những điểm giống nhau dễ gây nhầm lẫn, song trong thực tế để định danh tội phạm chính xác cần nhìn nhận, phân tích các yếu tố cấu thành của từng tội phạm.

Ảnh minh họa. 

Trong thực tiễn quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án có tính chất phức tạp, tội "Giả mạo trong công tác" và tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" là những tội phạm có các điểm tương đồng. Song, cũng có những điểm khác biệt. Thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp phạm tội có các đặc điểm, cấu thành tương tự dễ gây nhầm lẫn trong việc định tội danh. Sau đây là một số vấn đề pháp lý để phân biệt hai loại tội phạm này.

Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm;

đ) Thu lợi bất chính 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;

c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Biểu hiện của hành vi khách quan: Làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức. Được hiểu là hành vi đúc, khắc… để tạo ra con dấu giả giống như con dấu thật của cơ quan, tổ chức đang sử dụng để thực hiện hành vi trái pháp luật. Làm giả tài liệu, giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức. Là hành vi viết, vẽ, in…các loại giấy tờ, tài liệu giả giống như các loại tài liệu, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức đang sử dụng để thực hiện hành vi trái pháp luật.

Đối với tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức: Có hành vi sử dụng con dấu giả, tài liệu giả hoặc các loại giấy tờ giả khác của cơ quan, tổ chức tuy không phải do mình làm ra để thực hiện hành vi trái pháp luật. Các cơ quan Nhà nước, tổ chức phải là những cơ quan, tổ chức được thành lập hợp pháp.

Về mặt khách thể: Xâm phạm đến hoạt động đúng đắn bình thường của các cơ quan nhà nước, tổ chức trong hoạt động quản lý hành chính. Chủ thể là người có năng lực trách nhiệm hình sự. Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Mục đích nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật.

Điều 359. Tội giả mạo trong công tác

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;

b) Làm, cấp giấy tờ giả;

c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu;

c) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 05 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả;

b) Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 11 giấy tờ giả trở lên;

b) Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Biểu hiện hành vi khách quan là việc gười phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây:

(i) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu là hành vi thêm bớt, tẩy xóa hoặc có hành vi khác làm cho giấy tờ, tài liệu không còn phản ánh đúng sự thực khách quan nữa. Người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn nên có khả năng tiếp cận giấy tờ, tài liệu. Họ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm cho nội dung của giấy tờ, tài liệu sai lệch;

(ii) Làm, cấp giấy tờ giả là hành vi làm ra hoặc đưa vào lưu thông các loại giấy tờ giả. Trong thực tế, giấy tờ giả là các loại giấy tờ được in bằng khuôn mẫu giả, chữ kí giả, dấu chứng thực giả… Người có chức vụ, quyền hạn chỉ cần làm ra hoặc cấp các loại giấy tờ này là có dấu hiệu của tội "Giả mạo trong công tác";

(iii) Giả mạo chữ kí của người có chức vụ, quyền hạn là hành vi kí tên của người khác vào giấy tờ, tài liệu. Người khác trong trường hợp này là người có chức vụ, quyền hạn.

Về mặt khách thể: Xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín. Vì vậy, giả mạo trong công tác là tội phạm tham nhũng là đối tượng bị xử lý nghiêm. Chủ thể là người có chức vụ quyền hạn; mặt chủ quan của tội phạm; lỗi cố ý trực tiếp.

Phân biệt hai loại tội phạm 

Đối với tội "Giả mạo trong công tác", đối tượng tác động là giấy tờ, tài liệu chữ ký của người có chức vụ quyền hạn. Người phạm tội đã tác động vào giấy tờ, tài liệu, chữ ký bị sai lệch không đúng với thực tế. Đối tượng xâm phạm là hoạt động đúng đắn của cơ quan tổ chức, làm cho cơ quan tổ chức bị suy yếu, mất uy tín.

Đối với tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức", đối tượng tác động: giấy tờ, tài liệu giả. Đối tượng xâm phạm là hoạt động bình thường của cơ quan tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính, cụ thể là con dấu tài liệu.

Có thể thấy, tội "Giả mạo trong công tác" theo Điều 359 Bộ luật Hình sự và tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" theo Điều 341 Bộ luật Hình sự là 2 tội phạm độc lập, dù có những điểm giống nhau dễ gây nhầm lẫn, song trong thực tế để định danh tội phạm chính xác cần nhìn nhận, phân tích các yếu tố cấu thành của từng tội phạm.

NGUYỄN GIA HOÀNG 

Viện Kiểm sát quân sự Khu vực 12 Quân khu 1

Cần sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống dịch bệnh

Lê Minh Hoàng