UBND TP. Cần Thơ vừa ban hành Đề án thí điểm khuyến khích, thu hút đội ngũ Luật sư tham gia vào các hoạt động của TP. Cần Thơ giai đoạn 2022-2025.
Một Luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP. Cần Thơ tham gia bảo vệ quyền lợi cho đương sự trong một vụ án hình sự tại TAND TP. Cần Thơ. Ảnh: NHẪN NAM.
Theo đó, UBND thành phố cho biết trước nhu cầu phát triển của thành phố, để đảm bảo quyền, lợi ích của nhà nước, cần có đội ngũ tư vấn pháp luật cho các ngành và UBND thành phố thực hiện.
Bên cạnh đó, với trình độ dân trí ngày càng cao, tổ chức, cá nhân ngày càng có ý thức hơn về việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Do đó, việc các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền của nhà nước trở thành bị đơn trong các vụ án thời gian qua diễn ra khá nhiều, trong khi các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không có thời gian, điều kiện để tham gia, theo đuổi các vụ kiện để bảo vệ quyền lợi của mình cũng như lợi ích của nhà nước…
Hiện tại, Đoàn Luật sư TP. Cần Thơ có 310 Luật sư thành viên, trong đó có 02 người trình độ tiến sĩ, 17 người trình độ thạc sĩ, còn lại là cử nhân luật. Thời gian qua, hoạt động hành nghề Luật sư bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định. Cụ thể, từ đầu năm 2020 đến nay đã thực hiện 1.287 vụ, việc tố tụng; 1.178 vụ, việc tư vấn pháp luật và dịch vụ pháp lý khác; 536 vụ, việc trợ giúp pháp lý,…
Theo đề án, mặc dù đội ngũ Luật sư có năng lực hoạt động trong môi trường quốc tế còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhưng điểm nổi bật trong hoạt động của Luật sư hiện nay là có một số Luật sư có uy tín, giỏi chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, có phạm vi ảnh hưởng đến các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Có nhiều Luật sư đã chú ý, quan tâm đến lĩnh vực hành nghề tư vấn pháp lý cho các doanh nghiệp lớn. Đây là tiềm năng của đội ngũ Luật sư cần thiết để thành phố khuyến khích, tạo điều kiện và đề nghị Luật sư hỗ trợ chính quyền thành phố trong quá trình phát triển kinh tế tại địa phương.
Đề án nêu ra ba nội dung. Thứ nhất là Luật sư tham gia hoạt động xây dựng và hoàn thiện thể chế của thành phố. Cụ thể là Luật sư tham gia vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (nếu cơ quan soạn thảo thành lập tổ soạn thảo), tham gia góp ý, phản biện, thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND thành phố ban hành.
Thứ hai, Luật sư tham gia hỗ trợ, tư vấn sở, ngành thành phố, UBND, chủ tịch UBND thành phố giải quyết các vụ khiếu nại, khiếu kiện phức tạp đông người, kéo dài; tham gia hỗ trợ cho các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương trong các vụ kiện hành chính.
Cụ thể, khi có vụ việc khiếu nại phức tạp, đông người hoặc có vụ án mà bên bị kiện là sở, ngành thành phố, UBND, chủ tịch UBND thành phố (gọi chung là cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền), Đoàn Luật sư thành phố có trách nhiệm cử Luật sư có uy tín, có chuyên môn, có kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp tham gia tư vấn, hỗ trợ hoặc tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho cơ quan nhà nước.
Thứ ba, Luật sư tham gia tư vấn cho các dự án lớn, dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn ODA và hỗ trợ giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài.
Cụ thể, khi có dự án đầu tư nước ngoài hoặc dự án đầu tư của các tập đoàn lớn, hoặc khi có khó khăn, vướng mắc về pháp luật trong việc giải quyết các thủ tục đầu tư dự án lớn, hoặc khi doanh nghiệp có nhu cầu hoặc khi thấy cần thiết, cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền đề nghị Đoàn Luật sư thành phố cử Luật sư tư vấn, phối hợp, hỗ trợ.
NHẪN NAM/PLO
Một số bất cập trong quá trình thực hiện cung cấp lý lịch tư pháp