Cần tiếp tục thể chế hoá đầy đủ Hiến pháp 2013 vào dự thảo Luật Đất đai

22/09/2022 11:07 | 2 năm trước

(LSVN) - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục thể chế hóa đầy đủ Hiến pháp năm 2013 vào dự thảo Luật. Đồng thời tập trung rà soát các nút thắt mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất để tạo không gian mới, động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và giảm tối đa thủ tục hành chính về đất đai. 

Đây là một trong những ý kiến đóng góp về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022 ngày 22/9 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đó, đóng góp ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận thấy Đảng, Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp rất quan tâm đến việc sửa đổi Luật lần này. Sau gần 10 năm thực hiện, Luật Đất đai đã có những cái vấn đề bất cập, một số vấn đề phức tạp, nhạy cảm cần tiếp tục đánh giá tác động kỹ lưỡng, cụ thể hóa chính sách để đảm bảo đồng bộ, khả thi và hiệu quả.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ ra rằng, hiện có 22 trong tổng số 112 Luật có nội dung vướng mắc, chồng chéo với Luật Đất đai hiện hành. Tuy nhiên, trong báo cáo chưa rà soát về tính tương thích, đồng bộ giữa Luật Đất đai và Hiến pháp năm 2013. Do đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục thể chế hóa đầy đủ Hiến pháp năm 2013 vào dự thảo Luật. Đồng thời tập trung rà soát các nút thắt mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất để tạo không gian mới, động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và giảm tối đa thủ tục hành chính về đất đai. 

Về vấn đề phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương để thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện khắc phục ách tắc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý sử dụng đất, giảm khiếu kiện về đất đai cần quy định rõ hơn như Chủ tịch Quốc hội đã cho ý kiến.

Qua rà soát, hiện dự thảo có đến hơn 70 Điều trong dự thảo giao Chính phủ quy định chi tiết các nội dung của Luật. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng cần hạn chế tối đa việc không quy định cụ thể trong Luật mà đưa vào Nghị định. Vậy nên, khi trình dự thảo luật cần thiết phải có dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết đi kèm, áp dụng nguyên tắc một luật sửa nhiều luật như Chủ tịch Vương Đình Huệ đã thống nhất chỉ đạo.

Về vấn đề cụ thể, Chương II dự thảo Luật quy định về quyền và trách nhiệm của nhà nước, công dân với đất đai có tất cả 18 Điều, nhưng lại dành 16 Điều quy định về quyền và trách nhiệm của Nhà nước và chỉ có 02 Điều về quyền và nghĩa vụ của công dân, do đó Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị ban soạn thảo cần xem xét để có sự tương xứng giữa 02 chủ thể giữa nhà nước và công dân. Thống nhất nhận thức đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện chủ sở hữu, tuy nhiên cần bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức sử dụng đất được nhà nước giao với tư cách là người sử dụng tài sản công. Đây là tài sản đặc biệt có khả năng sinh lời rất cao, nếu chuyển mục đích sử dụng sang thương mại, dịch vụ, thực tế vừa qua có nhiều nơi, nhiều chỗ sai phạm về vấn đề này.

Đối với việc hoàn thiện quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng cần nghiên cứu mở rộng quy định về phạm vi lấy ý kiến của nhân dân, bảo đảm nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình nghiêm túc, minh bạch, công khai, khắc phục thực tế việc lấy ý kiến nhân dân mang tính hình thức.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng cho ý kiến cụ thể về Điều 65 dự thảo Luật quy định về đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư; quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; quy định bỏ khung giá đất,…

PV

Xác định giá tính thuế GTGT đối với chuyển nhượng bất động sản