/ Luật sư - Bạn đọc
/ Cần xử lý nghiêm hành vi đưa tin giả, tin chưa kiểm chứng từ sự việc thương hiệu Laura Coffee bị xâm hại

Cần xử lý nghiêm hành vi đưa tin giả, tin chưa kiểm chứng từ sự việc thương hiệu Laura Coffee bị xâm hại

24/10/2024 10:51 |

(LSVN) - Hành vi bịa đặt, lan truyền thông tin sai sự thật (tin giả) là vi phạm pháp luật, tùy thuộc tính chất, mức độ vi phạm, người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Pháp luật dân sự, pháp luật hình sự và chế tài hành chính đã khá đầy đủ, đồng bộ. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng thông tin sai sự thật vẫn xuất hiện “tràn lan” trên không gian mạng gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của cá nhân, tổ chức.

Công nghệ số và Cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng tạo ra không ít thách thức cho Việt Nam. Mạng xã hội giúp kết nối, học tập và làm việc hiệu quả hơn, nhưng cũng đặt ra nguy cơ về an ninh và văn hóa. Để đối phó, Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách và giải pháp nhằm tăng cường quản lý và phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.

Theo số liệu thống kê trong báo cáo thường niên về các xu hướng truyền thông xã hội do Meltwater và We Are Social công bố, tại Việt Nam, thời điểm đầu năm 2024, có 78,44 triệu người dùng Internet (chiếm 79,1% dân số); 73,3% dân số sử dụng mạng xã hội; có tổng cộng 168,5 triệu kết nối di động đang hoạt động; 92,7% tổng số người dùng Internet tại Việt Nam đã sử dụng ít nhất một nền tảng truyền thông xã hội.

Nhức nhối nạn tin giả, tin sai sự thật

Bên cạnh mặt tích cực, mạng xã hội cũng có những mặt trái của nó, tình trạng tin giả, tin sai sự thật được tạo ra, phát tán tràn lan, lan truyền rất khó kiểm soát, gây nên nhiều hệ lụy cho các cá nhân, tổ chức. Nhu cầu dùng mạng xã hội của các cá nhân là chính đáng, cần được tiếp cận các thông tin bổ ích, lành mạnh.

Nhiều đối tượng đã đăng tải, tán phát nhiều tin giả, tin sai sự thật liên quan đến kinh tế, tài chính, tiền tệ, mục đích nhằm gây hoang mang dư luận, gây rối loạn, mất an ninh, an toàn thị trường, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích, hoạt động bình thường của người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp. Tin giả, tin sai sự thật có tác động tiêu cực, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong dư luận quần chúng nhân dân; ảnh hưởng đến an ninh kinh tế, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tác động tiêu cực đến nhiều mặt trong đời sống xã hội.

Ngày 19/9/2023, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 16 tại TP. Đà Nẵng, đã diễn ra Diễn đàn Khu vực ASEAN về ứng phó và xử lý tin giả, tin sai trực tuyến.

Tham dự Diễn đàn có đại diện các cơ quan quản lý về thông tin điện tử của 08 nước ASEAN, đại diện cơ quan báo chí của các nước ASEAN, đại diện một số nền tảng xuyên biên giới (Google, Tiktok) và Ban Thư ký ASEAN.

Diễn đàn khu vực ASEAN về ứng phó và xử lý tin giả nhằm khẳng định quyết tâm của các nước trước việc giảm thiểu tác hại của tin giả, hướng đến nỗ lực chung của ASEAN về tạo dựng một không gian thông tin lành mạnh và đáng tin cậy cho người dân.

Tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của các cá nhân, tổ chức.

Tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của các cá nhân, tổ chức.

Tại họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) diễn ra ngày 13/9/2024, đại diện Bộ cho biết, thời gian qua, Hệ thống website tingia.gov.vn của Trung tâm xử lý tin giả đã tiếp nhận 45 trường hợp tin giả và chuyển sang cho các cơ quan chức năng để điều tra, xử lý.

Bộ TT&TT cũng tiến hành chỉ đạo các Sở TT&TT phối hợp với lực lượng công an địa phương tiến hành truy tìm, xử lý ngay các đối tượng lan truyền tin giả, tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận.

Các hành vi tung tin sai sự thật thường nhằm mục đích câu like, tăng lượt xem hoặc do đối tượng chưa nhận thức đầy đủ các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, dù với mục đích gì thì việc phát tán thông tin sai sự thật đều phải bị xử lý nghiêm.

Theo quy định tại Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ, hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, hoặc cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc thì bị xử phạt hành chính từ 10 - 20 triệu đồng.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn... Đồng thời, tùy tính chất, mức độ hành vi đưa tin sai sự thật còn bị xử lý hình sự.

Tại phiên trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 17 HĐND TP. Hồ Chí Minh khóa X ngày 16/7/2024, Giám đốc Sở TT&TT thông tin, thành phố đang nghiên cứu thành lập bộ phận xử lý tin giả, phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam nhằm xử lý thông tin sai lệch trên mạng xã hội.

Giám đốc Sở TT&TT cho biết, sẽ kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh quá trình thay đổi thể chế, điều chỉnh Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng theo hướng tất cả các tài khoản trên mạng xã hội đều phải định danh và chỉ có các tài khoản định danh mới vào được bình luận.

Theo Công an TP. Hồ Chí Minh, việc lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do trên không gian mạng để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Người dân cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc sử dụng mạng xã hội; tôn trọng, làm theo pháp luật và những chuẩn mực đạo đức xã hội.

Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố tiếp tục rà soát, xác minh những trường hợp đăng tải thông tin có nội dung sai sự thật, xuyên tác để mời làm việc, xử lý theo quy định pháp luật.

Doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thông tin chưa kiểm chứng

Theo Công ty Cổ phần Laura Coffee – Chủ sở hữu sản phẩm Laura Coffee cho biết, ngày 21/8/2024, Công ty Laura Coffee phát hiện một video được đăng tải trên TikTok bởi tài khoản Viet Vibe; đến ngày 18/10/2024 tiếp tục có một video được đăng tải trên TikTok bởi tài khoản CEO Vương Long.

Những video này đều truyền tải thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và danh dự của Công ty và sản phẩm.

Cụ thể, những video này chứa những đánh giá sai lệch về chất Aspartame có trong sản phẩm Laura Coffee, cho rằng chất này gây hại cho sức khỏe, cụ thể là tăng nguy cơ ung thư. Những thông tin này không dựa trên nghiên cứu khoa học đáng tin cậy và đã bị cắt ghép, cố ý dẫn dắt dư luận cho rằng việc sử dụng chất tạo ngọt Aspartame trong sản phẩm của Công ty có thể gây hại trực tiếp đến sức khoẻ của người sử dụng; hay thông tin Laura Coffee là sản phẩm không tốt cho người tiêu dùng.

Phía Công ty Cổ phần Laura Coffee cho biết, dù chưa có thông tin chính thống nào xác nhận Aspartame là chất cấm, không được sử dụng trong thực phẩm hoặc cấm sử dụng cho người nhưng thông tin trên đã dẫn đến sự hiểu lầm nghiêm trọng và ảnh hưởng không nhỏ đến với niềm tin khách hàng dành cho sản phẩm Laura Coffee.

Video của tài khoản Viet Vibe, CEO Vương Long nhanh chóng lan rộng trên mạng xã hội, thu hút sự chú ý của hàng triệu người dùng, dẫn đến sự hoang mang và lo lắng về sản phẩm Laura Coffee, ảnh hưởng uy tín thương hiệu và quyền lợi của người tiêu dùng.

Đưa tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín thương hiệu Laura Coffee.

Đưa tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín thương hiệu Laura Coffee.

Theo Cổ phần Laura Coffee, hiện tại clip trên của Tiktoker Viet Vibe đã có gần 07 triệu lượt xem, hơn 16 nghìn lượt chia sẻ và hàng loạt các clip đăng tải lại, duet liên tục từ những người dùng Tiktok để lan rộng thông tin này.

“Thông tin sai lệch từ cả hai video đã dẫn đến sự giảm sút lòng tin từ người tiêu dùng vào sản phẩm Laura Coffee. Điều này có thể gây ra hậu quả lâu dài cho thương hiệu. Việc cố tình lan truyền thông tin không chính xác về Aspartame và sản phẩm của chúng tôi là hành vi thiếu đạo đức, thiếu chuẩn mực xã hội, vi phạm nghiêm trọng các quy định về việc cung cấp thông tin trên mạng và có dấu hiệu của hành vi vu khống, bôi nhọ tổ chức. Đây là hành vi đáng lên án bởi nó để lại hậu quả rất lớn, không chỉ làm không chỉ xúc phạm nghiêm trọng đối với danh dự, uy tín, làm giảm lòng tin của khách hàng đối với sản phẩm của chúng tôi mà còn ảnh hưởng đến tinh thần của người tiêu dùng, khiến họ hoang mang lo lắng, gây tác động xấu đến cả sự phát triển kinh tế xã hội nói chung”, đại diện Công ty Cổ phần Laura Coffee cho biết.

Được biết, phía Công ty Laura Coffee đẫ gửi đơn đến các cơ quan chức năng yêu cầu xử lý hành vi đưa tin sai sự thật của hai tài khoản mạng xã hội nói trên.

Đưa tin sai sự thật bị xử lý thế nào?

Theo Luật sư Đinh Văn Nam, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, việc cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào nội dung, tính chất, mức độ, động cơ của hành vi, hậu quả của việc tung tin thất thiệt..., các đối tượng tung tin sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc bị xử lý trách nhiệm hình sự.

Hành vi đưa thông tin sai sự thật trên không gian mạng là hành vi vi phạm Điều 8 Luật An ninh mạng. Trong đó, điểm d, khoản 1 Điều này quy định rõ hành vi bị nghiêm cấm: “Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”.

Cũng theo Điều 9 Luật An ninh mạng năm 2018, tùy từng tính chất, mức độ vi phạm mà người thực hiện hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. 

Về chế tài, Luật sư cho biết, hành vi đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân của các trang tin điện tử vi phạm sẽ bị phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 14/2022/NĐ-CP, ngày 27 tháng 01 năm 2022.

Về chế tài hình sự, hành vi sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vu khống” theo Điều 156 Bộ luật Hình sự. Người phạm tội sẽ bị xử phạt tù từ 1 năm đến 3 năm.

Ngoài trách nhiệm hình sự, việc đưa thông tin sai sự thật nếu gây thiệt hại đến việc kinh doanh của người khác thì cá nhân vi phạm còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra theo quy định pháp luật. Thiệt hại bao gồm chi phí để khắc phục hậu quả, những tổn thất về vật chất và tinh thần đã gây ra đối với tổ chức, cá nhân bị hại. Vấn đề bồi thường thiệt hại sẽ dựa trên cơ sở yêu cầu của người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

"Việc sử dụng phụ gia thực phẩm phải tuân thủ theo quy định tại Thông tư số 24/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019; và Thông tư số 17/2023/TT-BYT ngày 25/9/2023 của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành. Danh mục phụ gia được phép sử dụng, Thông tư của Bộ Y tế nêu rõ chất Aspartame (INS 951) là phụ gia thực phẩm được phép sử dụng trong thực phẩm với vai trò là chất điều vị, chất tạo ngọt", Luật sư Nam nêu căn cứ.

Đối với sự việc thương hiệu Laura Coffee bị hai tài khoản mạng xã hội TikTok Viet Vibe và CEO Vương Long đưa tin chưa kiểm chứng gây hoang mang cho người sử dụng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín doanh nghiệp, Luật sư Nam cho rằng cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc điều tra làm rõ, cần xử lý nghiêm khắc đối với hành vi sai phạm gây ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp. Bởi, việc xử lý không chỉ bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp mà còn tạo tâm lý yên tâm, tin tưởng cho người sử dụng.

“Việc xử lý hành vi đưa tin sai sự thật, chưa kiểm chứng không chỉ bảo vệ cho một đối tượng cụ thể, mà thông qua việc này sẽ là lời cảnh tỉnh cho những người sử dụng mạng xã hội nên cân nhắc trước khi đưa bất kỳ thông tin nào lên mạng xã hội”, Luật sư Nam nói.

Theo Luật sư Đinh Văn Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 14/2022/NĐ-CP, ngày 27 tháng 01 năm 2022 quy định các mức xử phạt tương ứng đối với từng nhóm hành vi vi phạm thông tin trên mạng sau đây:

- Hành vi đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân của các trang tin điện tử vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng (điểm a, khoản 3, Điều 99).

- Hành vi chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân sẽ phạt tiền từ 50 triệu đến 70 triệu đồng (điểm a, khoản 3, Điều 100).

- Hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân (điểm a, khoản 1, Điều 101); cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân (điểm d, khoản 1, Điều 101) sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.

- Hành vi giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (điểm n, khoản 3, Điều 102).

Hành vi sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật, nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vu khống” theo Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015. Khung hình phạt cao nhất đối với người phạm tội có thể đến 07 năm tù và có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ngoài ra, người phạm tội sẽ bị xử phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm và có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 50 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Nếu có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật để thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (khoản 1 Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015).

PV

Các tin khác