Ảnh minh họa.
Ly hôn là một trong những quyền cơ bản của công dân, thể hiện quyền tự do trong hôn nhân. Khi ly hôn thường sẽ giải quyết các vấn đề như: việc nuôi con sau khi ly hôn, chia tài sản chung vợ chồng, nghĩa vụ trả nợ chung,... Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều những cuộc ly hôn "đầy toan tính" như hành vi ly hôn để kết thúc một thủ tục kết hôn giả trước đó (kết hôn để nhập quốc tịch) hoặc ly hôn giả để trốn tránh nghĩa vụ, trách nhiệm dân sự khi trong cuộc hôn nhân đó có người lâm vào tình trạng vỡ nợ, phá sản hoặc sắp bị xử lý hình sự.
Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam về một số vấn đề pháp lý liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết, Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành quy định: Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Luật Hôn nhân và gia đình cũng quy định hành vi ly hôn giả tạo. Theo đó, ly hôn giả tạo là việc lợi dụng ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân. Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định rõ cấm hành vi kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo.
Như vậy, hành vi ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân là những hành vi bị cấm theo Luật Hôn nhân và gia đình. Kết quả ly hôn giả tạo này sẽ bị Tòa án xem xét hủy bỏ, phục hồi lại các quyền lợi của các bên, người trốn tránh nghĩa vụ sẽ không còn lý do để trốn tránh theo bản án, quyết định ly hôn.
Thời gian gần đây cơ quan chức năng liên tục phát hiện xử lý nhiều cán bộ vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ, nhiều người đã bị khởi tố, bị kết án và phải bồi hoàn cho nhà nước số tiền rất lớn. Tuy nhiên, điều mà dư luận không khỏi băn khoăn là trước khi bị khởi tố, không ít cán bộ đã ly hôn, chuyển hết tài sản cho vợ, cho chồng của mình và "tay trắng" vào tù khiến cơ quan chức năng sẽ gặp những khó khăn trong việc thi hành án đối với phần dân sự trong vụ án hình sự.
Thông thường đối với những người có chức vụ quyền hạn bị xử lý hình sự về các tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; tội “Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”; tội “Vi phạm quy định về quản lý đất đai”; tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”; tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”,... và các tội danh khác thuộc nhóm tội về tham nhũng, chức vụ thì người phạm tội ngoài việc phải chịu chế tài hình sự còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, bị tịch thu tài sản, thu giữ tài sản do phạm tội mà có... Bởi vậy, nhiều bị can trước khi bị khởi tố thường tìm cách tẩu tán tài sản, che giấu tài sản do phạm tội mà có bằng nhiều cách khác nhau.
Những người thực hiện hành vi tham ô tài sản, hưởng lợi từ các hành vi vi phạm pháp luật khi thi hành công vụ thường tìm cách giấu giếm tài sản, nhờ người khác đứng tên tài sản để che giấu hành vi phạm tội và tránh việc phát hiện xử lý của cơ quan chức năng. Đối với những tài sản họ trực tiếp đứng tên thì khi bị thanh tra kiểm tra, bị xác minh mà có nguy cơ bị xử lý hình sự, nguy cơ bị phát hiện, thu giữ thì họ cũng tìm cách sang tên, tẩu tán bằng nhiều cách khác nhau, trong đó có cách ly hôn để chia tài sản.
Luật Hôn nhân và gia đình quy định vợ chồng có thể tự nguyện thỏa thuận về việc chia tài sản chung khi ly hôn, nếu không thỏa thuận được thì có thể nhờ Tòa án giải quyết. Trong trường hợp hai bên thỏa thuận được về việc phân chia tài sản khi ly hôn cũng có thể yêu cầu Tòa án công nhận sự tự nguyện thỏa thuận đó. Lợi dụng quy định này mà nhiều người vi phạm pháp luật, chưa bị xử lý đã tìm cách ly hôn giả để sang tên toàn bộ tài sản cho vợ hoặc cho chồng của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ, trách nhiệm với nhà nước. Thủ tục ly hôn như vậy là trái pháp luật, nếu phát hiện thì Tòa án sẽ không công nhận thuận tình ly hôn, sẽ không cho ly hôn và không đồng ý giải quyết chia tài sản khi ly hôn. Tuy nhiên, nếu người giải quyết ly hôn thiếu thận trọng hoặc không khách quan thì có thể tiếp tay cho hành vi trốn tránh nghĩa vụ dân sự, sẽ xuất hiện trường hợp ly hôn giả.
"Rất nhiều trường hợp người phạm tội tham nhũng và chức vụ khi bị kết án thì họ không còn đứng tên tài sản nào cả bởi trước đó đã có các giao dịch bán, chuyển nhượng, chia tài sản chung vợ chồng khi ly hôn khiến họ trở thành "vô sản" khi là bị can, bị cáo. Nếu cơ quan chức năng tin vào các giao dịch đó mà không xác minh, không làm rõ để xử lý thì bản án về phần dân sự sẽ không có khả năng thi hành, nhà nước sẽ không thu hồi được tài sản do phạm tội mà có, không thể thực hiện được phần dân sự trong vụ án hình sự khi bản án có tiền về bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả hoặc phạt tiền", Luật sư Cường nói.
Tuy nhiên, pháp luật cũng có quy định là các giao dịch dân sự về chuyển quyền sở hữu tài sản mà trái pháp luật, đạo đức xã hội, nhằm trốn tránh nghĩa vụ, trách nhiệm dân sự thì giao dịch đó sẽ vô hiệu. Vì vậy, trong trường hợp các giao dịch về dân sự để chuyển quyền sở hữu tài sản của bị can, bị cáo được thực hiện trước khi khởi tố có dấu hiệu tẩu tán tài sản thì cơ quan chức năng cũng có quyền đề nghị Tòa án xem xét tuyên bố hủy bỏ các giao dịch dân sự đó để trả lại tài sản cho bị can, bị cáo nhằm đảm bảo cho việc thực hiện trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự.
Đối với những vụ ly hôn giả mạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ, nghĩa vụ bồi hoàn tài sản cho nhà nước, nhằm tẩu tán tài sản do phạm tội mà có thì cơ quan chức năng cần làm rõ và có thể hủy bỏ quyết định, bản án ly hôn trái pháp luật, thu hồi tài sản do phạm tội mà có để xử lý theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp phát hiện ra người vợ, người chồng của bị can giúp sức cho bị can trong việc tẩu tán tài sản do phạm tội mà có hoặc sử dụng tài sản vào mục đích khác để hợp thức hóa nguồn gốc tài sản thì người này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Che giấu tội phạm” và tội “Rửa tiền” theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Trường hợp quá trình điều tra vụ án hình sự mà bị can có nghĩa vụ trả tiền cho tổ chức, cá nhân phải bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra nhưng trước đó đã thực hiện các hành vi tẩu tán tài sản bằng các hợp đồng, giao dịch hoặc ly hôn giả thì cơ quan chức năng cũng có thể kiến nghị với Tòa án xem xét hủy bỏ các giao dịch, thủ tục đó theo quy định của pháp luật.
Chia sẻ thê, Luật sư Cường đánh giá, vấn đề thu hồi tài sản do phạm tội mà có vẫn là vấn đề nan giải của nhiều năm nay. Theo thống kê từ các bản án trong các vụ án thuộc nhóm tội phạm về tham nhũng và chức vụ thì tỷ lệ thu hồi tài sản do phạm tội mà có rất thấp trong đó có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân là người phạm tội không còn tài sản. Vì vậy đối với những vụ án gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước hoặc chiếm đoạt tài sản, tham ô tài sản thì cơ quan chức năng cần làm rõ những tài sản mà bị can bị cáo đứng tên trước đó, làm rõ các giao dịch chuyển nhượng, tặng cho, phân chia tài sản chung vợ chồng và các giao dịch khác để chuyển dịch quyền sở hữu tài sản có vi phạm điều cấm của pháp luật không, có dấu hiệu tẩu tán tài sản hay không để hủy bỏ các giao dịch này, thu hồi tài sản cho nhà nước.
Ngoài ra với những người thân thích của bị can, bị cáo mà lại đứng tên các tài sản lớn nhưng không chứng minh được thu nhập nguồn gốc thì cũng có thể xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật, trong đó có thể tịch thu phải xử lý về hành vi rửa tiền, che giấu tội phạm nếu hành vi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành của các tội danh này.
DUY ANH