Hình ảnh dị vật bất thường trong sọ não của bé gái 3 tuổi ở Thạch Thất. Ảnh: BVCC.
Ngày 20/01, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, quyết định tạm giữ hình sự đối với đối tượng Nguyễn Trung Huyên về hành vi giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự. Trước đó, vào ngày 18/01, sau khi tiếp nhận tin báo từ bệnh viện, Công an huyện Thạch Thất, Công an TP. Hà Nội đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành xác minh để làm rõ nghi án bé gái 3 tuổi bị bạo hành, trong sọ phát hiện 9 vật thể giống đinh găm.
Cụ thể, khoảng 17h20 ngày 17/01, Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất tiếp nhận bé gái Đ.N.A (3 tuổi, trú xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất) trong tình trạng hôn mê, co giật. Bé gái được mẹ đưa đến, khi điều tra bệnh sử thì người mẹ chỉ nói chiều 17/01 gọi con không tỉnh nên đưa đến viện cấp cứu. Ngay sau đó, các bác sĩ khoa cấp cứu đã đặt ống, chụp phim, làm chẩn đoán và phát hiện nhiều dấu hiệu bất thường, nên đã chuyển tuyến cho bệnh nhi lên Bệnh viện Xanh Pôn, đồng thời báo Công an huyện Thạch Thất.
Tại Bệnh viện Xanh Pôn, sau khi tiến hành chụp cắt lớp, trên hình ảnh phim chụp X-Quang cho thấy có dị vật giống đinh được bắn vào sọ bé gái 3 tuổi.
Có thể bị xử lý về nhiều tội danh
Về vấn đề này, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS nhận định, đối tượng Nguyễn Trung Huyên sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như phạm tội với người dưới 16 tuổi, có tính chất côn đồ, thực hiện hành vi phạm tội một cách man rợ. Hình phạt đối với đối tường này có thể là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công Luật TNHH TGS.
Ngoài ra cũng cần xem xét đến trong thời gian trước ngày bị chấn thương sọ não nặng, cháu bé còn có bị bạo hành hay không. Nếu có căn cứ xác định cháu bị bạo hành, tùy theo mối quan hệ với cháu bé, đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm về tội "Hành hạ người khác" hoặc tội "Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình" theo quy định tại các Điều 140 và Điều185 Bộ luật Hình sự.
Trong vụ việc này, đối tượng bị ảnh hưởng là trẻ em. Do đó, căn cứ theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì hành vi của người phạm tội sẽ được coi là tình tiết tăng nặng khi cơ quan Tòa án cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định khung hình phạt đối với người phạm tội. Ngoài ra, trong vụ việc này, trách nhiệm người mẹ đối với con đẻ còn nghiêm trọng hơn so với người tình, nếu xác định được hành vi do cặp đôi này thỏa thuận, thống nhất kế hoạch để hành hạ cháu bé thì ngoài tình tiết nêu trên, người mẹ và người con còn có thể bị áp dụng thêm các tình tiết tăng nặng khác như: Phạm tội vì động cơ đê hèn; Phạm tội đối với người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, tàn ác để phạm tội...
Cần làm gì để trẻ em luôn được bảo vệ?
Trẻ em là người yếu thế, đối tượng đặc biệt được pháp luật bảo vệ được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Mọi hành vi xâm phạm đến quyền trẻ em, đặc biệt là quyền được sống sẽ phải bị xử lý nghiêm minh nhất. Hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác là vi phạm pháp luật và được coi tội ác lớn nhất và không có điều gì có thể để bao biện cho hành vi tàn ác, không còn tính người.
Thời gian gần đây nhiều vụ án về bạo hành trẻ em xảy ra khiến dư luận xã hội bức xức, đau lòng. Nguyên nhân chủ yếu là nhận thức của các gia đình, cộng đồng về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và phần nào đó còn bị xem nhẹ; nhiều thói quen, phong tục, tập quán có hại cho trẻ em chưa được các cấp, các ngành quan tâm đấu tranh loại bỏ như đánh con là việc “bình thường”. Việc ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột đối với trẻ em chưa được cộng đồng chủ động phát hiện sớm và báo cho các cơ quan chức năng xử lý, can thiệp kịp thời vì họ không muốn có sự “rắc rối” liên quan đến họ. Bạo lực đối với trẻ em chưa được cảnh báo đúng mức, đa phần những trẻ em bị ngược đãi, xâm hại và bị bóc lột có tâm lý mặc cảm, tự ty hoặc tâm lý thù hận đối với xã hội và sau này khi trưởng thành nhiều em trong số đó cũng ứng xử tương tự đối với người khác.
Để giảm thiểu được những hành vi này thì cần phải xem xét, làm rõ cha đẻ, mẹ đẻ của cháu bé xem họ đã thực hiện trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em như thế nào để từ đó xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm trong việc chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ này theo quy định pháp luật.
Luật Trẻ em 2016 quy định Điều 12 về quyền sống: “Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển”. Điều 6 quy định các hành vi bị nghiêm cấm: “Tước đoạt quyền sống của trẻ em. Cha mẹ cần chăm sóc, bảo vệ con đảm bảo tốt nhất các điều kiện sống và phát triển. Khi có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật”. Do đó, để hạn chế tình trạng bạo lực trẻ em cần tập trung xây dựng cơ chế nâng cao nhận thức của xã hội, tăng cường trách nhiệm và năng lực của gia đình, nhà trường, cộng đồng trong việc chủ động phòng ngừa có hiệu quả các hành vi bạo lực, xâm hại đối với trẻ em. Thực hiện các hoạt động truyền thông, giáo dục, phổ biến kiến thức, pháp luật, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên, cộng đồng và bản thân trẻ em.
HUYỀN TRANG
Đề nghị nhanh chóng điều tra vụ bé gái có 9 đinh ghim trong đầu