/ Luật sư - Bạn đọc
/ Cảnh báo bẫy lừa đảo qua hình thức góp vốn, đầu tư

Cảnh báo bẫy lừa đảo qua hình thức góp vốn, đầu tư

09/09/2023 13:54 |

(LSVN) - Theo Luật sư, hình thức lừa đảo thông qua thủ đoạn kêu gọi góp vốn hợp tác kinh doanh, đầu tư của các đối tượng lừa đảo là một thủ đoạn khá tinh vi, xảo quyệt, với thủ đoạn này nhiều người dân thuộc đủ các tầng lớp khác nhau đều có thể “sập bẫy”.

Ảnh minh họa.

Thời gian gần đây, nhiều người đã đặt ra thắc mắc về bản chất của các loại "hợp đồng góp vốn kinh doanh, đầu tư" hiện nay, bởi liên tiếp các vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã được cơ quan chức năng cảnh báo khi bỏ tiền vào mà không trực tiếp tham gia hoạt động kinh doanh, đầu tư khiến nhiều người nghi vấn về tính rủi ro cao trong vấn đề này?

Theo Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, hình thức lừa đảo thông qua thủ đoạn kêu gọi góp vốn hợp tác kinh doanh, đầu tư của các đối tượng là một thủ đoạn khá tinh vi, xảo quyệt, với thủ đoạn này nhiều người dân thuộc đủ các tầng lớp khác nhau đều có thể “sập bẫy”.

Đáng chú ý, các đối tượng lừa đảo có nhiều thủ đoạn, chiêu thức lừa đảo rất đa dạng, khi tiếp cận với từng nhóm đối tượng “con mồi” khác nhau sẽ có các “kịch bản” lừa khác nhau, chính vì thế mà các nạn nhân bị sập bẫy lừa thuộc nhiều lĩnh vực như: góp vốn kinh doanh vào doanh nghiệp, góp vốn đầu tư bất động sản, đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đầu tư mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp…

Theo quy định tại Điều 127, Bộ luật Dân sự năm 2015, khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu. Theo đó, lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

Các đối tượng mở các công ty cổ phần với chiêu thức bán cổ phần, tuy nhiên người dân khi mua mua loại cổ phần này không hề có tư cách cổ đông, mà chỉ nhận về “giấy chứng nhận vốn góp”. Việc chuyển nhượng cổ phần cũng không đúng pháp luật, do đây không phải cổ phần ưu đãi cổ tức, cũng không phải cổ phần ưu đãi hoàn lại nhưng cam kết trả cả gốc và lãi khi đến hạn. Mà thủ đoạn của các đối tượng này chỉ là lấy tiền của người sau trả cho người trước, các doanh nghiệp này có đặc điểm chung không hề phát hành trái phiếu do không có đủ điều kiện theo quy định của Luật Chứng khoán, Nghị định 183/2018/NĐ-CP, Nghị định 153/2020/NĐ-CP, Nghị định 65/2022/NĐ-CP, Nghị định 08/2023/NĐ-CP mà thực hiện chiêu trò chuyển nhượng cổ phần để hợp thức hóa việc nhận vốn góp, vốn đầu tư, dễ dàng qua mặt những người thiếu hiểu biết pháp luật.

Điểm chung của các nạn nhân sập bẫy hình thức lừa đảo này là thiếu hiểu biết pháp luật lĩnh vực góp vốn, đầu tư. Thêm vào đó, các đối tượng lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, đánh vào lòng tham của nhiều nạn nhân muốn không phải làm gì nhưng hưởng lãi suất đầu tư lớn, các đối tượng cho nạn nhân ký vào các hợp đồng khống góp vốn kinh doanh, đầu tư nhưng thực chất không có bất kỳ hoạt động đầu tư kinh doanh nào…

Sau khi ký hợp đồng góp vốn, hợp đồng đầu tư các đối tượng sau đó lấy tiền của người sau trả cho người trước trong thời gian đầu, nhưng một thời gian sau sẽ chiếm đoạt không trả mà viện nhiều lý do khác nhau. Có nạn nhân thì được các đối tượng dẫn đi xem các cơ sở kinh doanh, các dự án đầu tư nhưng do thiếu hiểu biết nên không nhận diện được tính pháp lý của cơ sở kinh doanh và các dự án này, đó chỉ là các cơ sở kinh doanh do người khác sở hữu mà đối tượng “thuê tạm” sau đó nói đây là cơ sở do mình sở hữu để tạo lòng tin cho các nạn nhân, các dự án thì chỉ trên giấy tờ khống, giấy tờ giả… Chuỗi hành vi trên nhằm tạo vỏ bọc và tạo sự tin tưởng từ phía nạn nhân để các nạn nhân “xuống tiền” đầu tư.

Vốn dĩ các đối tượng lập ra các hợp đồng này cũng đã có sự tính toán yếu tố rủi ro pháp lý nên đã thiết lập hợp đồng với những điều khoản khá chặt chẽ nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Theo đó, các đối tượng cho rằng đây là “giao dịch dân sự hợp pháp”, hợp đồng cũng có điều khoản ủy quyền cho bên nhận vốn góp sử dụng và định đoạt vốn góp, trực tiếp thực hiện các hoạt động kinh doanh, đầu tư mà bên góp vốn không tham gia bất kỳ hoạt động nào, chỉ nhận lại gốc và lãi suất. Do đó, cơ quan Công an nhiều địa phương đang có nhiều quan điểm khác nhau về loại hợp đồng góp vốn kinh doanh, đầu tư này. Nhiều nơi khởi tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", có nơi lại khởi tố về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", có nơi lại hướng dẫn các nạn nhân đưa tranh chấp này ra TAND để giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự (tranh chấp dân sự). Chính vì thế, cần có một hướng dẫn cụ thể của cơ quan cấp trên để cơ quan chức năng dưới các địa phương thực hiện một cách thống nhất. Nhận diện rõ hình thức kêu gọi góp vốn, đầu tư này khi còn mới nhen nhóm, tránh để lâu hậu quả xảy ra nặng nề.

Hành vi của các đối tượng là có động cơ, mục đích, ý thức chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân ngay từ đầu, việc chiếm đoạt tài sản thông qua chuỗi hành vi gian dối, nên cơ quan chức năng cần khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử các đối tượng này về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015 là phù hợp. Theo quy định pháp luật, tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" được quy định là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng thủ đoạn gian dối, cụ thể tội phạm này gồm hai hành vi khác nhau là hành vi "lừa dối" và hành vi "chiếm đoạt", hai hành vi này có mối quan hệ nhân quả với nhau. Tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác do mình thực hiện hành vi là gian dối, trái pháp luật. Đồng thời, thấy trước hậu quả của hành vi đó là tài sản của người khác bị chiếm đoạt trái pháp luật và mong muốn hậu quả đó xảy ra.

Cũng theo Luật sư, việc dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư), bằng hành động và bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản. Giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải từ 2.000.000 đồng trở lên, nếu dưới 2.000.000 đồng thì phải thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội "Chiếm đoạt tài sản" chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì người thực hiện hành vi nêu trên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

QUÝ NGUYÊN

Đề xuất mới về điều kiện kinh doanh thiết bị ghi âm, ghi hình, định vị

Nguyễn Hoàng Lâm