Ảnh minh họa.
Vấn nạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng hiện nay đang được các đối tượng phạm tội thực hiện khá ngang nhiên và phổ biến, các đối tượng lợi dụng không gian mang để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của các bị hại với phương thức, thủ đoạn khá tinh vi khi lợi dụng thông tin của giới Luật sư và hình ảnh của Luật sư, các tổ chức hành nghề Luật sư để tạo lòng tin với nạn nhân, sau đó các đối tượng sẽ thực hiện các công việc từ tiếp nhận thông tin cho đến trấn an tâm lý bị hại, từ đe dọa cho đến hứa hẹn lấy được tiền lại cho các nạn nhân một cách dễ dàng mà không mất công đi lại đặc biệt là có thể ủy quyền hết cho Luật sư giả đứng ra đòi được khoản tiền bị lừa đảo trước đó.
Một đặc điểm chung của các nạn nhân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hình thức này là những người này thường ít khi tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng, hạn chế đi lại và tâm lý e ngại không dám công khai việc mình bị lừa do sợ người thân biết nên bị các đối tượng thao túng tâm lý và làm theo hướng dẫn để mong nhận lại được tiền bị lừa trước đó một cách nhanh chóng.
Hành vi của các đối tượng lừa đảo là lợi dụng tư cách nghề nghiệp, hình ảnh của giới Luật sư, của các tổ chức hành nghề luật để tạo các tài khoản mạng xã hội giả danh Luật sư thật, tổ chức hành nghề Luật sư thật mà nếu không tìm hiểu kỹ thông tin thì các nạn nhân sẽ dễ dàng bị lừa. Các đối tượng đưa ra thông tin chạy quảng cáo có thể thu hồi nợ online như hứa hẹn, tạo lòng tin cho các nạn nhân khi đưa ra các hình ảnh minh họa là các dòng tin nhắn nói chuyện qua lại mà chúng đưa ra chính là các nick mạng xã hội ảo của chúng nói chuyện qua lại để cho nạn nhân xem và tin tưởng Luật sư giả này đã lấy được tiền lừa đảo qua mạng cho nhiều nạn nhân trước đó. Đánh vào lòng tin của các nạn nhân khiến các nạn nhân không một chút hoài nghi, khi chuyển tiền nhiều lần nhưng tiền mất mà không thu hồi lại được lại mất thêm tiền khi ấy các nạn nhân mới biết mình bị lừa thêm từ đường dây lừa đảo mang tên “Luật sư giả”.
Hành vi của các đối tượng này đã cấu thành tội "Sử dụng mạng máy tính thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 290, Bộ luật Hình sự, nếu các đối tượng chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên thì khung hình phạt sẽ phải đối mặt là từ 12-20 năm.
Để tránh bị rơi vào các bẫy lừa đảo qua mạng khi đi tìm kiếm dịch vụ pháp lý của Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư trên môi trường mạng Internet, người dân nên tìm kiếm tới website chính thống của tổ chức hành nghề Luật sư, tra cứu danh bạ Luật sư tại website Đoàn Luật sư, khi có số điện thoại của Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư cần liên hệ xác thực thông tin Luật sư để được cung cấp các thông tin đầy đủ, nếu có điều kiện đi lại cần đến trực tiếp văn phòng để tư vấn và chỉ chuyển phí thù lao Luật sư trên cơ sở ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý giữa khách hàng và tổ chức hành nghề Luật sư. Trường hợp ở xa không có điều kiện đến gặp tư vấn trực tiếp thì có thể nhờ người quen, bạn bè ở khu vực đó kiểm tra thông tin về tổ chức hành nghề Luật sư đang tìm kiếm để có được thông tin đầy đủ, chính xác về Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư.
Còn đối với những trường hợp đã bị các đối tượng chiếm đoạt tài sản thì cần nhanh chóng làm đơn trình báo tố giác hành vi của các đối tượng này tới cơ quan cảnh sát điều tra để thụ lý giải quyết theo thẩm quyền. Việc mất tiền và tìm kiếm đến dịch vụ pháp lý của Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư khi bị lừa đảo qua mạng chỉ là tham vấn, tư vấn giải pháp và nắm được cơ quan có thẩm quyền xử lý vụ việc của khách hàng, trình tự tiếp nhận và xử lý tin báo tố giác tội phạm. Luật sư không có khả năng thu hồi tiền bị lừa đảo qua mạng đó là thông tin người dân nên biết.
Luật sư HÀ THỊ KHUYÊN
Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
Trách nhiệm hình sự đối với hành vi giết người của người dưới 15 tuổi