Ông H. cho biết, gia đình ông có vụ kiện tranh chấp thừa kế, gia đình ông đã đi một số tổ chức hành nghề Luật sư để tìm hiểu và đặt vấn đề thuê Luật sư bảo vệ trong vụ kiện. Sau đó gia đình ông đã đồng ý ký Hợp đồng thuê Công ty Luật C cử Luật sư bảo vệ cho gia đình. Lý do chính ông quyết định thuê Công ty Luật C vì đây là đơn vị báo mức phí Luật sư thấp nhất trong số các tổ chức mà ông đến tìm hiểu, thậm chí chỉ bằng một phần nhỏ mức phí của các đơn vị khác.
Ảnh minh họa.
Sau một thời gian thực hiện công việc ông thấy Luật sư trực tiếp thực hiện có vẻ thiếu sự nhiệt tình với công việc. Đồng thời ông cũng tự nhận thấy với chi phí mà ông đã nộp cho Công ty Luật C thì sẽ khó để đảm bảo Luật sư sẽ giành nhiều công sức cho công việc của ông vì ông muốn Luật sư giành nhiều thời gian, công sức để thực hiện công việc như nghiên cứu hồ sơ, hỗ trợ ông và gia đình, thu thập chứng cứ, giải đáp cho ông,… Ông H. cũng tự thấy nếu không chi trả thêm thì có thể Luật sư sẽ không đủ chi phí để đi lại, thực hiện công việc cho ông vì Hợp đồng ông ký với tổ chức hành nghề là Hợp đồng trọn gói.
Tuy nhiên, một thời gian sau, Luật sư có đề nghị ông đến Công ty để trao đổi thêm về Hợp đồng và đề nghị ông tăng thêm thù lao và sẽ ký Phụ lục Hợp đồng. Nếu ông không đồng ý thì vẫn cử Luật sư thực hiện nhưng không dám chắc về chất lượng công việc. Mặt khác, ông có hỏi vì sao ban đầu báo mức phí thấp như vậy trong khi công việc của ông đã rõ và không phát sinh thêm các nội dung mới.
Ông H. đã chấp nhận ký Phụ lục Hợp đồng nhưng cũng thắc mắc không biết có phải Công ty Luật đã cố tình báo mức thù lao thấp để ký được Hợp đồng với ông và sau đó sẽ đề nghị bổ sung thù lao và đưa ông vào “sự đã rồi” hay không?
Theo quy định hiện hành, mức thù lao Luật sư do khách hàng và tổ chức hành nghề Luật sư tự thỏa thuận, thống nhất và pháp luật không quy định mức tối thiểu, trong quá trình thực hiện Hợp đồng các bên có thể tự nguyện thỏa thuận ký phụ lục để tăng mức thù lao Luật sư nếu khách hàng nhất trí. Pháp luật không cấm việc tổ chức hành nghề đề xuất việc bổ sung mức thù lao.
Trong trường hợp này tổ chức hành nghề vẫn cử Luật sư thực hiện công việc tức là không vi phạm. Chính khách hàng cũng thấy là mức phí như vậy không đủ để Luật sư thực hiện các công việc cần thiết. Nhưng mặt khác công việc không có phát sinh lớn, vì vậy khối lượng công việc, chi phí,… đã có thể được xác định tương đối đầy đủ ngay khi ký Hợp đồng.
Do vậy, trường hợp này có thể do sơ suất, do thiếu kinh nghiệm tổ chức hành nghề Luật sư đã không dự tính đúng, đủ chi phí, thù lao do vậy sau này phải đề nghị khách hàng ký phụ lục để bổ sung. Trường hợp này có thể thông cảm và tổ chức cần rút kinh nghiệm.
Nhưng không loại trừ khả năng, đây là cách thức cạnh tranh không lành mạnh khi ban đầu cố tình báo mức phí thấp để thu hút khách hàng sau đó đề nghị bổ sung bằng phụ lục Hợp đồng. Nếu như vậy, đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh và thể hiện sự thiếu trung thực của tổ chức hành nghề Luật sư với khách hàng, hành vi này nếu có cần phải lên án, loại bỏ. Mặt khác, đây cũng là lời khuyên cho khách hàng khi lựa chọn Luật sư cần tìm hiểu kỹ và chọn địa chỉ tin tưởng.
Luật sư TRẦN VĂN HUY
Trưởng Văn phòng Luật sư Minh Huy
Đoàn Luật sư Bắc Giang
Không ngừng học tập và ứng dụng khoa học, kỹ thuật thể hiện sự tận tâm của Luật sư với khách hàng