/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025

Cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025

05/01/2021 18:05 |

(LSO) - Với quan điểm lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; thúc đẩy, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tham gia hoạt động kinh doanh; giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, mới đây Chính phủ đã có Nghị quyết số 68/NQ-CP ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 (Chương trình).

Chương trình được thực hiện nhằm cắt giảm, đơn giản hóa ngay những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp, là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân trong các văn bản hiện hành góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp; trên cơ sở bảo đảm tính công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc thực hiện cải cách các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, bảo đảm tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia.

Ảnh minh họa.

Mục tiêu, yêu cầu và phạm vi thực hiện Chương trình

Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, sẽ thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020 được các bộ, cơ quan thống kê, tính chi phí tuân thủ và công bố lần đầu (trước ngày 31/10/2020); đồng thời giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ.

Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên cơ sở các quy định pháp luật, nhất là các văn bản hành chính, thông tư của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nghị định của Chính phủ; ngăn chặn việc phát sinh những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Yêu cầu đặt ra là việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh phải lượng hóa được lợi ích mang lại cho doanh nghiệp, người dân và xã hội, không gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động, quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, người dân; bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, không tạo ra khoảng trống pháp lý trong quy định pháp luật.

Thực hiện đúng quy định tại khoản 3 Điều 11 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật khi ban hành văn bản quy định chi tiết liên quan đến hoạt động kinh doanh theo hướng khuyến khích lồng ghép nhiều nội dung trong một văn bản để giảm tối đa số văn bản quy định chi tiết, bảo đảm tính thống nhất và tạo thuận lợi cho việc thi hành, tuân thủ pháp luật. Đề xuất cơ quan có thẩm quyền cho phép áp dụng hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản khi ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản hiện hành liên quan đến hoạt động kinh doanh để thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh (trừ những văn bản quy định những vấn đề phức tạp, nhạy cảm liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội).

Phạm vi thực hiện bao gồm: quy định về thủ tục hành chính bao gồm cả quy định về báo cáo; quy định về yêu cầu, điều kiện trong hoạt động kinh doanh; quy định về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; quy định về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trong các thông tư, thông tư liên tịch của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nghị định, nghị quyết của Chính phủ, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang có hiệu lực và trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật mà các bộ, cơ quan được giao xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành.

Trong năm 2020, một số nhiệm vụ cơ bản được thực hiện để làm tiền đề cho các năm tiếp theo, cụ thể là:

a) Xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm thống kê, rà soát quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

b) Tập huấn, nâng cao năng lực cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện thống kê, tính chi phí tuân thủ, rà soát, đánh giá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

c) Cập nhật đầy đủ dữ liệu và tính chi phí tuân thủ các quy định hiện hành liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ trên tất cả các lĩnh vực vào phần mềm thống kê, rà soát. Đồng thời, rà soát và kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa ngay những quy định không hợp lý, đang là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, trong đó ưu tiên nhóm quy định liên quan đến kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Hàng năm, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh để kịp thời cắt giảm, đơn giản hóa ngay những quy định không hợp lý, đang là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh. Tổ chức tiếp nhận, thu thập, tổng hợp các phản ánh, kiến nghị, ý kiến của doanh nghiệp, người dân về các quy định không còn phù hợp, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh thông qua cổng dịch vụ công quốc gia, qua đối thoại, tham vấn để đề xuất những vấn đề cần ưu tiên rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, hủy bỏ hoặc thay thế các quy định.

Giải pháp thực hiện

Một trong những giải pháp chủ yếu để thực hiện Chương trình là tăng cường truyền thông và đối thoại giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, người dân; huy động sự tham gia tích cực của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, các hiệp hội doanh nghiệp tích cực phản ánh, kiến nghị, góp ý về các dự thảo văn bản và văn bản hiện hành lên cổng dịch vụ công quốc gia để tăng tính phản biện của doanh nghiệp, người dân về các quy định pháp luật, qua đó nâng cao chất lượng rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Đồng thời nâng cao chất lượng phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan trong việc thẩm định, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật và giải quyết những vấn đề vướng mắc, bất cập liên quan đến nhiều bộ, ngành, cơ quan.

Bên cạnh đó là việc đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, thực hiện kết nối, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến trên cổng Dịch vụ công quốc gia để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực của cơ quan hành chính nhà nước, của tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình; tăng cường theo dõi, giám sát của các cơ quan truyền thông, báo chí, doanh nghiệp, người dân về kết quả cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh không còn phù hợp, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý; xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/10 /2020, từ năm 2021 đến năm 2025 trình Thủ tướng Chính phủ phương án theo hai đợt: đợt một trước ngày 30/5 và đợt hai trước ngày 30/9 hàng năm. Các phương án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ thông qua phải gửi lấy ý kiến các bộ, cơ quan liên quan (đối với phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu phải gửi lấy ý kiến của Bộ Tài chính).

Thường xuyên thực hiện đối thoại, tham vấn, tiếp nhận, thu thập, ý kiến của các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, các đối tượng tuân thủ về quy định không còn phù hợp, là rào cản, gây khó khăn đối với hoạt động kinh doanh; về các giải pháp, phương án cắt giảm, đơn giản hóa và các kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Xây dựng, ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa (sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ) quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ ngay sau khi phương án cắt giảm, đơn giản hóa được Thủ tướng Chính phủ thông qua.

Trước ngày 25/6 và trước ngày 25/12 hàng năm, tổng hợp báo cáo tình hình, kết quả thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong 6 tháng và một năm, gửi Văn phòng Chính phủ để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

ThS. TRẦN THÚY VÂN

/giai-quyet-cac-vu-an-hanh-chinh-trong-linh-vuc-dat-dai-nhung-van-de-can-luu-y.html