/ Kinh tế - Pháp luật
/ Cắt giảm tối đa chi phí để hỗ trợ người vay vốn trong đại dịch

Cắt giảm tối đa chi phí để hỗ trợ người vay vốn trong đại dịch

06/06/2021 16:33 |

(LSVN) - Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có văn bản yêu cầu lãnh đạo các đơn vị toàn hệ thống trên cả nước khẩn trương triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

  Ảnh minh họa. 

Theo đó, Thống đốc NHNN yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc/Giám đốc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai các biện pháp đối phó với tác động của dịch Covid-19.

Cụ thể, các chi nhánh, phòng giao dịch trong toàn hệ thống, đặc biệt là tại các địa bàn của các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách, phong tỏa, cách ly do dịch (như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP. HCM...) cần nghiêm túc thực hiện đúng theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và các cấp chính quyền địa phương về phòng chống dịch Covid-19. Chủ động xây dựng phương án, bảo đảm cho hoạt động ngân hàng được an toàn, liên tục và thông suốt trong mọi tình huống.

Các đơn vị tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, cho vay mới... theo thẩm quyền và theo quy định tại các thông tư hướng dẫn. Cùng với đó, các tổ chức tín dụng thực hiện cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ khách hàng, người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19.

Các đơn vị căn cứ năng lực, khả năng tài chính của mình để tính toán thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biện pháp hỗ trợ khác; công khai công bố mức lãi suất hỗ trợ, các biện pháp, chính sách hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp được biết. Đồng thời, tích cực, chủ động phối hợp các sở, ban, ngành, các khách hàng trên địa bàn để tìm hiểu nhu cầu, đáp ứng kịp thời vốn tiêu thụ nông sản, nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Không để xảy ra chậm tiêu thụ nông sản, gián đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng do không tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng.

Bên cạnh đó, cần hướng dẫn cụ thể và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về quy trình, thủ tục, các dịch vụ trực tuyến, dịch vụ thanh toán của ngân hàng, triển khai các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ ngân hàng và khách hàng, đặc biệt là khách hàng ở khu vực có dịch, vùng cách ly y tế không trực tiếp đến ngân hàng giao dịch nhằm bảo đảm vừa phòng chống dịch, vừa đáp ứng dịch vụ ngân hàng trên địa bàn. Mặt khác, tích cực hưởng ứng, ủng hộ các quỹ phòng, chống dịch, chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 của địa phương và vận động cán bộ, nhân viên, người lao động của đơn vị tham gia quyên góp, ủng hộ đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ tuyến đầu chống dịch, người dân tại các khu phong toả, khu cách ly tập trung; có giải pháp hỗ trợ cụ thể đối với các chi nhánh tổ chức tín dụng trên các địa bàn bị cách ly, phong tỏa.

PHƯƠNG THẢO

Bàn về việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong tố tụng

Lê Minh Hoàng