/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Bàn về việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong tố tụng

Bàn về việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong tố tụng

05/06/2021 10:15 |

(LSVN) - Để trốn tránh khỏi sự điều tra, xử lý của các cơ quan tiến hành tố tụng, một bộ phận người phạm tội đã “tự làm” bệnh án tâm thần cho mình. Đây là phương thức được sử dụng nhiều, thậm chí đã xuất hiện các đường dây lớn. Do đó, điều kiện, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh phải được quy định chặt chẽ, toàn diện.

Bắt buộc chữa bệnh là biện pháp tư pháp được quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS), do Tòa án, Viện kiểm sát căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể ra quyết định áp dụng đối với người thực hiện (trước, trong hoặc sau khi thực hiện) hành vi nguy hiểm cho xã hội khi không có đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

Ngoài mục đích là phòng ngừa khả năng gây thiệt hại cho trật tự, an toàn xã hội của người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác gây rối loạn hoạt động tâm thần thì biện pháp bắt buộc chữa bệnh còn có mục đích nhân đạo cao cả đó là thay vì áp dụng hình phạt hay buộc người phạm tội phải tham gia quá trình tố tụng thì khi áp dụng biện pháp này, người phạm tội sẽ được chữa bệnh trong một cơ sở chuyên khoa y tế do các cơ quan tiến hành tố tụng quyết định tùy theo giai đoạn tố tụng. Tuy nhiên, trên thực tế khi áp dụng biện pháp tư pháp này vẫn còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc.

Thứ nhất, về thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh hiện nay vẫn đang còn mâu thuẫn giữa BLHS và Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS).

Cụ thể là đối với trường hợp người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà tại thời điểm thực hiện hành vi vẫn có năng lực trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trong giai đoạn điều tra, truy tố mới phát hiện người này bị mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì trường hợp này tại điểm b khoản 1 Điều 49 BLHS 2015 quy định “Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.”

Theo đó, thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong trường hợp này thuộc về Tòa án trong khi từ thời điểm thực hiện hành vi đến khi bị kết án phải trải qua quá trình tố tụng dài từ tiếp nhận, giải quyết tin báo về tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử. Trong quá trình đó, Tòa án tham gia tố tụng từ giai đoạn xét xử nhưng lại được quy định có quyền quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong suốt quá trình trên. 

Mặt khác, theo quy định tại điều khoản 2 Điều 447 BLTTHS 2015 quy định: “Căn cứ kết luận giám định pháp y tâm thần, Viện kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra, truy tố; Tòa án quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn xét xử và thi hành án”.

Như vậy, có thể hiểu BLTTHS 2015 quy định thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh được quy định theo từng giai đoạn tố tụng của vụ án. Nếu vụ án đang ở giai đoạn điều tra hoặc truy tố mà người phạm tội bị mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thực hoặc điều khiển hành vi thì thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh thuộc về Viện kiểm sát. 

Theo chúng tôi, vấn đề về thẩm quyền và thủ tục là vấn đề thuộc về tố tụng, nên được quy định thống nhất trong BLTTHS. Trong trường hợp này việc trao quyền áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh cho Viện kiểm sát sẽ hợp lý hơn. Bởi lẽ, Viện kiểm sát tham gia kiểm sát các hoạt động tư pháp ngay từ đầu. Tòa án chỉ nắm hồ sơ và các nội dung, tình tiết của vụ án khi thụ lý hồ sơ vụ án. Hơn nữa, có những trường hợp vụ án bị đình chỉ ở giai đoạn điều tra hoặc truy tố. Chính vì vậy việc trao quyền Viện kiểm sát áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh trong trường hợp này là hợp lý. 

Thứ hai, về thời điểm áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, khoản 2 Điều 447 BLTTHS 2015 quy định Viện kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra, truy tố. Bên cạnh đó, tại các Điều 448 và 449 BLTTHS 2015 quy định biện pháp bắt buộc chữa bệnh được áp dụng từ khi người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội tham gia tố tụng với vai trò là “bị can”.

Như chúng ta đã biết, tư cách “bị can” xuất hiện từ khi người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có quyết định khởi tố bị can ở giai đoạn điều tra. Vậy trước giai đoạn điều tra nếu phát hiện người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội là người không có năng lực trách nhiệm hình sự thì việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh được đặt ra như thế nào. Điều 49 BLHS và Điều 477 BLTTHS cũng không đề cập đến vấn đề này gây khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án của những cơ quan tiến hành tố tụng. Trường hợp trong quá trình giải quyết tin báo tội phạm xác định người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị mắc bệnh tâm thần như vụ việc nêu trên thì có được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh không, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng như thế nào vì BLTTHS không có quy định.

Còn nếu khởi tố bị can, sau đó ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh thì có đúng quy định không bởi vì đã xác định được người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không phải chịu trách nhiệm hình sự (không đủ yếu tố cấu thành tội phạm). Vấn đề này, theo chúng tôi nếu xác định được tại thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, người thực hiện hành vi bị mắc các bệnh làm mất năng lực trách nhiệm hình sự thì cần đình chỉ vụ án. Còn nếu xác định được sau thời điểm thực hiện hành nguy hiểm cho xã hội, người thực hiện hành vi mới bị mắc các bệnh làm mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi thì phải quy định rõ chủ thể có thẩm quyền phải áp dụng các biện pháp bắt buộc chữa bệnh theo hướng trao quyền cho Viện kiểm sát.

Do đó, nhóm tác giả kiến nghị sửa đổi Điều 49 BLHS 2015 và Điều 477 BLTTHS 2015 theo hướng như sau:

Đối với Điều 49 BLHS 2015:

“Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, Viện kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh từ khi xác định vụ việc có dấu hiệu của tội phạm; Tòa án quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn xét xử và thi hành án. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.”

Đối với điều 447 BLTTHS 2015:

Căn cứ kết luận giám định pháp y tâm thần, Viện kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh từ khi xác định vụ việc có dấu hiệu của tội phạm; Tòa án quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn xét xử và thi hành án.

VĂN LINH

Tòa án quân sự khu vực Hải Quân

HOÀNG ĐÌNH DŨNG

Tòa án quân sự khu vực Quân khu 4

Dùng ảnh 'nóng' bắt bạn gái cũ ký hợp đồng tình dục: Cần có chế tài xử lý nghiêm minh

Lê Minh Hoàng