/ Pháp luật bốn phương
/ Cây roi mây giữ nghiêm phép tắc ở Singapore

Cây roi mây giữ nghiêm phép tắc ở Singapore

01/04/2021 01:53 |

(LSVN) - Singapore nổi tiếng là nước có luật pháp nghiêm khắc. Ngay cả những vi phạm nhỏ như ăn uống trên các phương tiện giao thông công cộng cũng có thể dẫn tới việc bị phạt hành chính số tiền lên đến hàng ngàn USD. Tuy nhiên, trong số những hình phạt mà Singapore áp dụng thì đánh roi là hình thức phạt khiến nhiều người khiếp hãi nhất và cũng là một trong những hình phạt gây tranh cãi nhất.

Ảnh minh họa thực hiện hình phạt đánh roi.

Cây roi đáng sợ

Theo quy định của luật pháp Singapore, đánh bằng roi mây thường là hình phạt bổ sung đi kèm với án phạt tù với những người vi phạm pháp luật. Hình phạt thể xác này được áp dụng kèm với hơn 40 tội danh, bao gồm các vi phạm nằm trong nhóm các tội "Buôn bán ma túy", "Trộm cắp" và các tội khác liên quan đến tài sản; các vi phạm liên quan đến vũ khí và chất nổ, nhập cư, tài chính, tội phạm tình dục, trật tự công cộng, bắt cóc, giao thông, kỷ luật trong tù và các hành vi vi phạm nhằm vào cá nhân khác. 

Trong đó, những hành vi phá hoại như viết, vẽ, sơn hay ghi lên các tài sản công cộng và tài sản cá nhân mà không được phép; đánh cắp hay phá hoại bất cứ tài sản công nào đều có thể bị phạt từ 03 đến 08 roi. Với các vi phạm về nhập cư như nhập cảnh hoặc ở lại Singapore mà không có hộ chiếu hợp lệ, ở quá hạn thị thực hơn 90 ngày hay cố ý sử dụng trên 05 người nhập cư bất hợp pháp, mức phạt tối thiểu là 03 roi và tối đa là 24 roi.

Người chịu án tử hình sẽ không bị phạt roi. Cũng theo Bộ luật Tố tụng Hình sự Singapore, người bị đánh chỉ phải nhận mức phạt tối đa 24 roi. Tuy vậy, một người vẫn có thể bị phạt hơn 24 roi nếu anh ta bị kết tội trong nhiều phiên xét xử khác nhau và bản án được thực thi riêng biệt. Trong một số trường hợp, nếu phạm nhân bị tuyên phạt roi nhưng không đủ sức khỏe để chịu phạt, tòa án sẽ kéo dài án tù thêm tối đa 12 tháng.

Nếu hình phạt đánh roi phải ngừng phạt giữa chừng, số roi chưa đánh sẽ do tòa án chuyển đổi thành thời gian ngồi tù tương đương. Thông thường, hình phạt đánh roi sẽ được thực hiện trong quá trình phạm nhân đang thi hành 1/3 thời gian đầu của án phạt tù.

Hình thức phạt đánh roi chỉ được thực hiện đối với những người có hành vi vi phạm là đàn ông từ 18 đến 50 tuổi, được cơ quan y tế xác định có tình trạng thể chất khỏe mạnh. Quy cách của loại roi được dùng để thi hành hình phạt của Singapore được pháp luật nước này quy định rất rõ. Theo đó, loại roi được dùng với người vi phạm là nam giới trưởng thành có chiều dài 1,2 m, đường kính 1,3 cm. Trước khi xử phạt, roi mây sẽ được ngâm trong nước qua đêm để tăng độ dẻo, đồng thời cũng tránh khả năng bị xước dăm trong quá trình sử dụng, để lại dằm trên da người vi phạm. Chiếc roi này cũng được bôi thuốc sát khuẩn để tránh gây nhiễm trùng vết thương trên người bị phạt. 

Những vết sẹo khó phai

Việc thi hành án phạt đánh roi ở Singapore thường được tiến hành theo trình tự: người vi phạm phải cởi hết quần áo, bị trói chặt tay và chân bằng dây da ở tư thế úp vào một chiếc thang gỗ. Phần thân trên của người bị đánh sẽ được phủ một tấm đệm để tránh làm tổn thương những vùng này. Sau khi người bị phạt đã bị “khóa chặt” vào chiếc thang, không nhúc nhích được, người giám sát sẽ ra hiệu lệnh quất roi. 

Người đánh roi là người khỏe mạnh, được đào tạo để có thể thực hiện những cú đánh gây đau đớn nhất có thể nhưng không để lại thương tật vĩnh viễn. Một số mô tả cho hay, cú quất roi có thể đạt tới tốc độ 160 km/h, tạo thành những đòn giáng vô cùng mạnh vào mông người bị phạt. Mỗi roi sẽ được thực hiện cách nhau khoảng 30 giây. Đôi khi, giới chức nhà tù có thể huy động tới 02 cán bộ thay phiên nhau thực hiện hình phạt để đảm bảo mỗi roi được đánh ra có lực đánh tối đa. Thông thường, phần mông của người bị phạt sẽ bật máu chỉ sau 3 roi đầu và gần như chắc chắn sẽ để lại sẹo.

Theo điều 330 của Bộ luật Tố tụng Hình sự Singapore, hình phạt đánh roi sẽ không được tiến hành nếu không có cán bộ y tế tại hiện trường để kiểm tra tình trạng sức khỏe của người bị phạt roi cả trước, trong và sau khi phạt. Cán bộ y tế có thể ngừng hình phạt bất cứ lúc nào nếu thấy người bị phạt không đủ khỏe mạnh. Các bác sĩ cũng kiểm tra tù nhân trước và sau khi bị đánh để đảm bảo anh ta phù hợp với hình phạt này. 

Những người bị phạt đánh roi phải trải qua những áp lực về tâm lý rất lớn. “Thông thường, họ sẽ không được thông báo khi nào bị phạt. Điều này khiến họ mất ngủ, lo lắng, ớn lạnh. Họ cũng có thể cảm thấy xấu hổ”, ông Jan Kizilhan (Giáo sư Tâm lý học tại trường Villingen-Schwenningen) nói thêm về khía cạnh tâm lý của hình phạt này.

Việc phạt roi được tiến hành trong không gian kín, không công khai trước công chúng. Song, các tù nhân được cho thường xếp hàng chờ tới lượt bị quất. Vì vậy, những người phía sau vẫn có thể nhìn thấy phản ứng của người trước mình, khiến nhiều người cảm thấy mất thể diện vì bị phạt. Ngoài ra, dù vết thương có lành, những người bị phạt vẫn sẽ phải mang những vết sẹo suốt đời. Nhiều người từng bị phạt roi cho biết họ đã bị sốc vì cơn đau dữ dội. Họ cũng thừa nhận đó là một cú sốc lâu dài, khiến họ sau khi đã bị phạt roi rồi sẽ không dám phạm luật thêm lần nào nữa.

Phạt roi là hình phạt nhằm vào thân thể được Singapore áp dụng từ thời thuộc địa Anh. Đến nay, khi nhiều nước khác đã hủy bỏ thì hình phạt này vẫn được Singapore duy trì nhằm đảm bảo tính răn đe. Giới chức Singapore cho rằng, hình phạt tiền không có tác dụng vì một số người sẵn sàng nộp tiền, thậm chí vào tù, sau khi phạm tội. Trong khi đó, hình phạt roi sẽ khiến những người bị phạt cảm thấy sợ hãi, không còn dám tái phạm đồng thời răn đe những người khác từ bỏ ý định phạm tội. 

Theo giới chức Singapore, trong khi các nước khác vẫn đang chật vật đối phó với tình trạng ma túy và tội phạm thì chính quan điểm cứng rắn giúp cho các đường phố của nước này được an toàn và sạch sẽ. Song, theo thống kê, từ năm 2007 tới năm 2016, số lượng bản án đi kèm phạt roi có xu hướng giảm dần tại Singapore. Năm 2012, ở nước này có hơn 2.500 người bị phạt đánh roi. Trong khoảng thời gian từ tháng 01 đến tháng 10/2016, các tòa án ở Singapore đã tuyên án phạt đánh roi 1.257 người; trong đó 987 người đã bị thi hành án phạt đánh roi.

Ngoài ra, Singapore cũng được cho là nước nói tiếng Anh duy nhất ngoài Mỹ có các trường học công khai rằng họ có sử dụng hình phạt thân thể với học sinh. Theo một thống kê, đến năm 2018, 13% các trường tiểu học và khoảng 53% các trường trung học, trừ các trường nữ, trên trang web của họ tuyên bố có sử dụng hình phạt đánh roi với nam sinh. Việc áp dụng hình phạt này được Bộ GD Singapore quy định rất chặt chẽ.

Chi tiết về tất cả mọi lần áp dụng hình phạt như vậy phải được nhập vào hệ thống cơ sở dữ liệu của Bộ. Việc phạt roi cũng cần phải được hiệu trưởng của trường trực tiếp giám sát hoặc ủy quyền cho người khác giám sát và phải có một giáo viên khác làm nhân chứng. 

LÊ CÁT/PLVN

Luật quốc gia và lệ chơi quốc tế

Lê Minh Hoàng