Điển hình như dưới triều đại của vua Lê Thánh Tông, ông đã ban hành các chiếu, định ra luật, các chính sách hình sự nghiêm minh, giám sát, thực thi chính sách một cách chặt chẽ. Có thể nói, Bộ luật Hồng Đức chính là Bộ Luật chống tiêu cực mạnh mẽ nhất của các triều đại phong kiến.
Bộ luật Hồng Đức có 772 điều, trong đó có đến 40 điều nói về bài trừ tham nhũng. Bộ Luật nêu hình phạt cụ thể, chi tiết, nghiêm minh, như: Điều 138: “Quan lại, tham nhũng, nhận hối lộ, làm sai phép nước thì bị phạt: Tham ô từ 1 đến 9 quan tiền bị cách chức, từ 10 đến 19 quan bị đi đày, từ 20 quan trở lên bị chém. Các người ăn lễ từ 1 đến 9 quan, phạt từ 80 đến 100 quan, từ 20 quan trở lên phạt tội làm phu. Của hối lộ bỏ vào kho một phần, một phần trả lại chủ”.
Một vụ án triều Nguyễn xử quan tham. (Ảnh tư liệu).
Bên cạnh đó, vua Lê Thánh Tông còn đưa đề tài chống tham nhũng vào đề thi Đình, để xem thí sinh Tam Khôi có kế sách gì giúp nước.
Năm Nhâm Thìn (1472), nhà vua trực tiếp ra đề thi trước sân rồng: “Trẫm lo lắng cho cái thói quan tham, làm đổi thay phong tục, nên đặt chức đình úy để xét tra những điều gian dối của bọn quan lại, thưởng người liêm khiết để khuyến khích họ làm những việc tốt. Thế nhưng, người có chức vụ vẫn không trong sạch, gió thổi bóng theo. Bọn viên chức nhỏ tự làm những điều ô nhục, ngày càng lan tràn. Dân nghèo mà đóng góp ngày càng lắm, pháp luật càng nghiêm, kẻ gian ngày càng nhiều. Việc quân cơ, việc chính sự biến đổi rối rắm. Của cải xuất kho lại rơi vào tay bọn tham nhũng, thật chẳng có lúc nào mà quá như lúc này. Hãy nêu lên cái nguyên nhân sinh ra những tệ hại ấy, bằng cách nào để sửa đổi và có tin là sửa đổi được không”.
Vũ Kiệt (quê trấn Kinh Bắc) chỉ ra nguyên nhân: “Con người sinh ra không thể không có sự ham muốn, nếu con người không làm chủ được sự ham muốn ấy thì sẽ sinh ra lối loạn”. Đồng thời, nêu điều kiện lúc bấy giờ: “Vả lại gần đây, trong thời Thái Hòa Diêm Minh trị vì, con người sống lâu trong thời bình, nên có phần sơ suất về màng lưới ngăn cấm trong đời sống hàng ngày. Trong khi làm việc công thường quan hệ tới việc quà cáp, tết nhất dùng của đút để làm lễ vật, quần áo, dày dép diêm dúa, tiêu pha hoang phí, tệ tham nhũng tích tụ thành thói quen, điềm nhiên cho đó là việc thường”.
Ông đề ra phương sách khắc phục: “Thần thấy tuy bệ hạ nghiêm khắc trong việc tra xét kẻ gian, tin cẩn biểu dương người tốt nhưng chưa vạch trần bộ mặt của đám tiểu nhân. Thần thấy trong Lễ có câu “Đại thần giữ phép, tiểu thần sẽ liêm chính”. Một trong những chỗ cần khắc phục là hệ thống quan lại cấp cao, nắm giữ binh quyền, nguồn của cải triều đình. Nhưng phép luật ngày nay thì người làm quan lớn, hoặc ban ơn để tỏ lòng mình hiểu biết, hoặc rêu rao cái danh để cho cấp dưới cầu cạnh, sai bảo người khác, ban bố mệnh lệnh, điều trái với lẽ phải, kính trọng thiên lệnh, khi có chỗ hở thì thì gây ra tệ nạn bán buôn. Không giữ chắc của công, hoặc lấy của công làm của tư, họ giám đùa giỡn với báu vật”.
Ông nêu ra cách khắc phục: “Thần mong bệ hạ hãy tuyển chọn những người thông minh, trong sạch, ngay thẳng, lấy danh vị trao cho họ trọng trách. Ra lệnh cho quan Ngự sử kiểm soát, khích lệ biểu dương để thấy được những quan liêm khiết và nêu từng việc để thấy được sự liêm khiết của họ. Ông quan nào thuộc hạng ô lại cũng lấy việc ấy để nêu cái ô nhục của họ để điều trần tâu lên chính xác, rõ ràng. Nếu quả thực họ là người liêm khiết thì ân thưởng, ưu đãi và trưởng quan cũng được ban thưởng. Nếu quả thực họ là kẻ tham ô thì hình phạt không tha thứ và trưởng quan cũng theo đó mà xử phạt. Làm như vậy con người sẽ tốt lên, thói tham lam sẽ ngăn chặn được”.
Bài văn của Vũ Kiệt được nhà vua chấm vào loại xuất sắc nhất, hết sức khen ngợi, đạt học vị Trạng Nguyên. Bài văn của ông đã giúp triều đình chấn chỉnh lại luật pháp và bộ máy cai trị, chấn hưng đất nước.
Năm 1662, vua Lê Thần Tông đã cho xử tử quan Phiên Đô Ngự Sử Phùng Viết Tu, đồng Tri phủ Trương Văn Lĩnh và công chức Quách Đồng Đức về tội ăn hối lộ, để làm gương cho quan lại.
Năm 1717, để đảm bảo thi cử công bằng, chọn được người hiền, tài ra giúp nước, nhà Trịnh đã ban hành nhiều văn bản cấm quan lại và dân trong khu vực trường thi nhũng nhiễu, hạch sách, ăn tiền thí sinh.
Trước tình hình quan lại thu thuế tham nhũng nghiêm trọng, gây nên oán giận trong dân chúng, năm 1741, chúa Nguyễn đã chỉ thị cho các địa phương lập sổ sách trưng thu, đồng thời cử người giám sát việc thu chi.
Phan Tấn Qúy làm chức Ti mục, do tham của dân phải chịu tội chết, nhưng chưa giết. Năm 1818, nịnh thần đề nghị miễn tha tội chết. Vua Gia Long phán: “Phan Tấn Qúy lấy của dân về làm giàu cho nhà mình không thể tha được, phải treo cổ ngay, thông báo kịp thời cho các trấn biết”.
Năm 1818, qua đơn thư tố cáo Thượng thư Bộ Binh Đặng Trần Thường khi làm quan ở vùng đất Bắc Bộ đã giấu thuế ao, đầm và giấu thuế đinh để làm của cho riêng cho gia đình mình. Sau khi điều tra xác minh đơn tố cáo là đúng sự thực, vua Gia Long ra lệnh chém, tịch thu toàn bộ gia sản sung công quỹ. Việc ra lệnh xử chém Thượng thư Bộ Binh là việc làm hiếm có của các vương triều phong kiến Việt Nam. Nhưng người dân thì thán phục nhà vua anh minh, thẳng tay trừng trị quan tham.
Năm 1820, Chánh án Nam Định là Phạm Thạnh phạm tội tham nhũng, gây nên oán hờn cho người dân, nhất là người vô tội. Vua Minh Mạng cho xem xét một cách thấu đáo. Quả oán giận của dân không sai, đã lệnh lôi Phạm Thạnh ra giữa chợ chém ngang lưng, tịch thu toàn bộ tài sản trả lại cho dân. Qua đây cho thấy, triều Nguyễn coi trọng chống tham nhũng, tiêu cực, trừng trị các quan tham không nương tay.
Nguyễn Huy Trứ làm quan dưới thời nhà Nguyễn (1825-1874), là một người uyên bác, có uy tín, được mọi người kính trọng. Ông là một vị quan liêm khiết, thương dân, có quan điểm chống tham nhũng rõ ràng. Năm 1869, ông viết bộ sách “Tư Thụ Yếu Quy”, gồm 4 tập, 2000 trang, tổng hợp những hiện tượng xấu xa của xã hội đương thời, các tệ nạn, tham nhũng. Ông đã tìm ra những giải pháp để ngăn chặn tệ nạn mà cả xã hội đang lên án. Trong sách có những đoạn thành châm ngôn:
“Mình thiệt, lợi dân, dân gắn bó
Đẽo dân, mình béo, dân căm hờn
Hờn căm, gắn bó, tùy ta cả
Duy chữ “thanh, thanh” đãi thế nhân”.
Có thể thấy, các triều đại phong kiến trong lịch sử quyết liệt chống tham nhũng. Những kế sách chống tham nhũng của cha ông, những gì sử sách chép lại đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.
HẢI HƯNG (t/h)
Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần linh hoạt các hình thức giải quyết tranh chấp đất đai