Ảnh minh họa.
Thế nào là Deadline?
Theo Luật sư Lê Ngọc Khánh, Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, deadline là một từ tiếng Anh khi được dịch nghĩa sang tiếng Việt có nghĩa là thời gian giới hạn để hoàn thành công việc hoặc nhiệm vụ nào đó.
Trong công việc, người quản lý doanh nghiệp thường đặt ra deadline nhằm mục đích ràng buộc, đốc thúc người lao động cố gắng làm việc, hoàn thành công việc một các hiệu quả mà vẫn đảm bảo tiến độ.
Với bất kì ngành nghề, công việc nào thì cũng đều cần có deadline để tạo động lực cho người lao động nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ nhanh chóng nhưng vẫn đạt hiệu quả. Tuy nhiên, đi đôi với đó, deadline cũng là nối ám ảnh của nhiều người lao động do phải tăng tốc để làm việc, tránh tình trạng trễ deadline.
Deadline có sự khác biệt thế nào so với dateline?
Hiện nay, rất nhiều người đang bị nhầm giữa dateline và deadline. Lý do dẫn đến sự nhầm lẫn này là do cách phát âm của hai từ này có sự tương đồng và cùng mang ý nghĩa chỉ thời gian, mặt khác cách viết của hai từ này cũng giống nhau.
Tuy nhiên đây là 02 thuật ngữ hoàn toàn khác nhau. Cụ thể:
- Dateline dùng để chỉ mốc thời gian xảy ra một sự kiện nào đó như: Lịch họp với các trưởng phòng, lịch hẹn gặp khách hàng, ngày giờ lập báo cáo,... Thuật ngữ này thường được sử dụng phổ biến trong việc lập kế hoạch, hay đánh dấu các mốc thời gian để theo dõi.
- Deadline cho biết thời hạn cần phải kết thúc công việc, nhiệm vụ được giao. Bất kể dự án nào cũng sẽ được giao một deadline cụ thể nhằm đốc thúc người lao động hoàn thành công việc đúng tiến độ.
Chậm deadline có bị xử lý kỷ luật lao động?
Theo quy định tại khoản 1, Điều 6, Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động có quyền quản lý, điều hành, giám sát đối với người lao động trong việc thực hiện công việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
Tương ứng với đó, người lao động có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác; chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động (theo khoản 2, Điều 5, Bộ luật Lao động năm 2019).
Do đó, người lao động có nghĩa vụ thực hiện đúng tiến độ công việc mà người sử dụng lao động đã đề ra. Việc trễ deadline sẽ ảnh hưởng tiến độ sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động, thậm chí còn có thể gây ra những thiệt hại nhất định cho người sử dụng lao động.
Có thể thấy rõ, việc trễ deadline là lỗi từ phía người lao động nhưng người này sẽ chỉ bị xử lý kỷ luật lao động nếu hành vi trễ deadline được quy định là hành vi vi phạm nội quy lao động.
Nếu nội quy lao động không quy định về vấn đề này, người lao động sẽ không thể bị xử lý kỷ luật lao động.
Ngược lại, nếu nội quy lao động liệt kê hành vi trễ deadline vào hành vi vi phạm kỷ luật thì theo Điều 124, Bộ luật Lao động năm 2019, tùy vào mức độ vi phạm mà người lao động có thể bị khiển trách hoặc kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng hoặc cách chức.
Nhân viên chậm dealine thường xuyên có bị đuổi việc?
Với việc thường xuyên chậm deadline, người lao động có thể bị đánh giá là thường xuyên không hoàn thành công việc được giao.
Đây là một trong những lý do mà người sử dụng lao động có thể tận dụng để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động theo quy định tại khoản 1, Điều 36, Bộ luật Lao động năm 2019.
Tuy nhiên, để chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động theo lý do này thì trước đó, người sử dụng lao động đã phải ban hành quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc, đồng thời chứng minh người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo các tiêu chí đánh giá đã được quy định.
Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc mặc dù do người sử dụng lao động ban hành nhưng vẫn phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (nếu có).
Cùng với đó, người sử dụng lao động còn có trách nhiệm báo trước cho người lao động biết về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với thời hạn như sau:
- Ít nhất 45 ngày: Hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
- Ít nhất 30 ngày: Hợp đồng lao động 12 - 36 tháng.
- Ít nhất 03 ngày làm việc: Hợp đồng lao động dưới 12 tháng.
Trường hợp không có quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc mà tự ý đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động thường xuyên trễ deadline, doanh nghiệp sẽ bị coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật.
Lúc này, ngoài việc nhận người lao động trở lại làm việc, doanh nghiệp còn phải bồi thường cho người đó số tiền sau:
- Trả tiền lương trong những ngày người lao động không được làm việc;
- Trả một khoản tiền tương ứng với tiền lương trong những ngày không báo trước (nếu vi phạm thời hạn báo trước);
- Trả thêm ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
VŨ TRẦN