/ Luật sư trực ban
/ 'Chặt chém' giá cả của du khách dịp nghỉ lễ, xử lý thế nào?

'Chặt chém' giá cả của du khách dịp nghỉ lễ, xử lý thế nào?

29/04/2023 18:25 |

(LSVN) - Tình trạng trục lợi, chèo kéo, "chặt chém" giá cả thường xuất hiện vào mùa du lịch cao điểm khi lượng du khách tăng mạnh, đặc biệt vào những dịp nghỉ lễ. Vậy, theo quy định pháp luật hành vi này sẽ bị xử lý thế nào?

Ảnh minh họa.

Theo Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, căn cứ vào quy định của Luật Giá năm 2012, chỉ một số hàng hóa, dịch vụ nằm trong danh mục Nhà nước ấn định giá; quy định mức giá tối thiểu; tối đa thì tổ chức cá nhân kinh doanh mặt hàng đó phải chấp hành đúng giá hàng hóa; dịch vụ được Nhà nước công bố.

Những hàng hóa, dịch vụ ngoài danh mục giá do tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh chủ động quyết định. Dù được chủ động xác định giá nhưng các cửa hàng kinh doanh dịch vụ, hàng hóa có nghĩa vụ bắt buộc phải niêm yết giá, bán hàng đúng giá quy định. Mọi hành vi công bố không rõ ràng về niêm yết giá; hoặc thu phí dịch vụ cao hơn giá niêm yết đều được xác định là hành vi vi phạm pháp luật hành chính.

Căn cứ tại Điều 12, Nghị định số 109/2013/NĐ-CP được sửa đổi tại khoản 5, Điều 1, Nghị định 49/2016/NĐ-CP như sau: 

5. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2, Điều 12, Nghị định số 109/2013/NĐ-CP như sau:

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật;

b) Niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần; tái phạm;

b) Niêm yết giá không đúng giá cụ thể hoặc không nằm trong khung giá hoặc cao hơn mức giá tối đa hoặc thấp hơn mức giá tối thiểu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Cũng theo Luật sư, đối với hành vi tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý, tại điểm a, khoản 1, Điều 13, Nghị định 109/2013/NĐ- CP quy định:

"1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu hàng hóa; dịch vụ bán tăng giá có tổng giá trị đến 50.000.000 đồng; đối với một trong những hành vi tăng giá sau:

a) Tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ cao hơn mức giá đã kê khai; hoặc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật".

Ngoài việc xử phạt hành chính, nếu trong trường hợp cá nhân thực hiện hành vi ép buộc khách hàng phải trả số tiền cao có thể xác định có dấu hiệu của hành vi cưỡng đoạt tài sản được quy định tại Điều170, Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

MINH TRẦN

Người đang bị tạm giữ, tạm giam có được quyền tố cáo?

 

 

 

Nguyễn Hoàng Lâm