/ Góc nhìn
/ 'Chạy án' trước khi khởi tố vụ án

'Chạy án' trước khi khởi tố vụ án

11/11/2021 07:56 |

(LSVN) - “Chạy án” đã trở thành phổ biến đến nỗi dùng từ này người ta không cần để trong ngoặc kép nữa và không cứ truyền thông ngay cả các văn bản chính thống cũng dùng từ này. Tuy nhiên, một sự kiện pháp lý vừa xảy ra thu hút sự chú ý rất lớn của dư luận là việc khởi tố và bắt giam Giám đốc Bệnh viện thành phố Thủ Đức lại có một vụ án khác liên quan “chạy án” cho bị can này có những tình tiết rất khác thường khiến mọi người phải dành cho nó mối quan tâm đặc biệt.

Ảnh minh họa.

Trước hết là những thành phần tham gia “chạy án” cho vị Giám đốc này gồm 06 người, trong đó có 02 nguyên là cán bộ Công an thuộc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 Bộ Công an), 01 Tổng Giám đốc Công ty truyền thông du lịch, 01 Luật sư, 01 lao động tự do và 01 Thượng tọa có chức sắc vừa hoàn tục, đại biểu HĐND tỉnh. 

Cả 06 người này đều bị khởi tố với tội danh “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, tức nhận tiền để chạy án. Thành phần “chạy án” này hết sức đặc biệt, thông thường, các vụ “chạy án” khác bị phát hiện và khởi tố đều mạo danh cán bộ Công an, quen biết hoặc là người nhà các nhân vật quyền lực và đều bị cáo buộc tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Thành phần “chạy án” này đều chính danh và có “chức vụ, quyền hạn” để lạm dụng, tất nhiên, trừ một người là “lao động tự do”.

Sau đó, đáng quan tâm là vụ “chạy án” này được thực hiện và tiến hành từ trong “trứng nước”, tức là vụ án mới chỉ manh nha ở mức “rung chà, cá nhảy”, người được “chạy án” chưa hề bị khởi tố mà mới ở mức nguy cơ bị khởi tố và mục đích của việc “chạy án” là không bị khởi tố, thoát vòng tố tụng. Khác với việc “chạy án” thông thường là sau khi bị khởi tố, bắt giam rồi mới “chạy”.

Mới đây, một vụ chạy án vừa đưa ra xét xử và cái đáng phải quan tâm là bị cáo nhận tiền “chạy án” là một người đàn ông mù cả hai mắt, tự xưng là sĩ quan Cảnh sát, thế mà nạn nhân là một phụ nữ cũng tin tưởng để mất 1,1 tỉ đồng cho bọn lừa đảo này, còn con trai bà vẫn phải chịu mức án 6 năm tù giam về tội “Tàng trữ ma túy”. 

Rất nhiều người bị lừa “chạy án” rồi “tiền mất, tật mang”, trong đó có cả những người học thức đầy mình hoặc cán bộ có cương vị hẳn hoi. “Có bệnh thì vái tứ phương” chăng? 

Và, bọn lừa đảo thì triệt để sử dụng tâm lý này. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định một sự thật là chúng có thể lừa đảo được là do đã có những vụ “chạy án” thành công. Phải có một môi trường phù hợp thì mới tạo ra “đất sống” cho những kẻ “chạy án”.

Trường hợp ông Giám đốc bệnh viện nêu trên lại khác. Ông không hề bị lừa, trái lại, có cơ sở để đặt niềm tin vững chắc vào thành phần “chạy án” có sức thuyết phục “nói được, làm được”, hứa hẹn thành công. Điểm khác biệt là ở chỗ đó và cái kết cục thì ta đã rõ, vụ phá án “chạy án” này đã làm phơi bày chân tướng của những người thực thi pháp luật, bảo vệ công lý mà chà đạp lên pháp luật.

NHỊ NGỌC

 Coi thường pháp luật

Lê Minh Hoàng