/ Thư viện pháp luật
/ Chế độ, chính sách đối với người được huy động thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân

Chế độ, chính sách đối với người được huy động thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân

12/01/2025 19:01 |3 tháng trước

(LSVN) - Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng không nhân dân các cấp; phạm vi và độ cao chướng ngại vật phòng không của trận địa phòng không; chế độ chính sách đối với người được huy động tham gia hoạt động phòng không nhân dân của Bộ Quốc phòng.

Theo đó, dự thảo đề xuất quy định cụ thể chế độ, chính sách đối với người được huy động thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân như: Chế độ ốm đau, chế độ tai nạn, chế độ đối với người bị chết.

Cụ thể, về chế độ ốm đau, dự thảo quy định người được cấp có thẩm quyền huy động thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nếu bị ốm đau trong thời gian huy động được hưởng chế độ ốm đau theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người đang tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Người được cấp có thẩm quyền huy động thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân mà chưa tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nếu bị ốm đau trong thời gian huy động thì được cấp có thẩm quyền huy động thanh toán tiền khám, chữa bệnh tương ứng với mức hưởng của người tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Trường hợp khi hết thời gian huy động thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân mà bệnh vẫn chưa khỏi, vẫn phải tiếp tục điều trị bệnh thì được thanh toán 50% số tiền chi phí điều trị (nếu phải điều trị thêm 15 ngày) và 30% của 15 ngày kế tiếp (tổng thời gian được hưởng không quá 30 ngày).

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Về chế độ tai nạn, theo dự thảo, người được huy động thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời gian huy động được hưởng chế độ sau:

- Được cơ quan có thẩm quyền huy động kịp thời sơ cứu, cấp cứu và tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu, điều trị;

- Được cơ quan có thẩm quyền huy động thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu, điều trị, gồm: Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chí phí không có trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; trả phí giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do cấp có thẩm quyền huy động giới thiệu đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa; thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người được huy động không tham gia bảo hiểm y tế như quy định tại điểm c và điểm b khoản 1 Điều này;

- Được cơ quan có thẩm quyền huy động trả đủ tiền lương, tiền hỗ trợ theo quy định khi phải nghỉ trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;

- Được cơ quan có thẩm quyền huy động bồi thường hoặc trợ cấp và giới thiệu giám định y khoa theo quy định tại các khoản 4, 6 và 7 Điều 38, Điều 39 Luật An toàn, vệ sinh lao động;

- Được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp quy định tại Mục 3 Chương III Luật An toàn, vệ sinh lao động như đối với lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc;

- Người được huy động thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân trong thời gian huy động được hưởng chế độ từ cơ quan có thẩm quyền huy động nếu bị tai nạn lao động thuộc một trong các nguyên nhân quy định tại Điều 40 Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Về chế độ đối với người bị chết, dự thảo nêu rõ: Người được huy động thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc bị chết trong thời gian được huy động thì người lo mai táng được hưởng trợ cấp một lần bằng 10 lần mức lương cơ sở; thân nhân của người được huy động thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân được hỗ trợ một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở tại thời điểm mà người được huy động bị chết; cấp có thẩm quyền huy động thì có trách nhiệm thực hiện chi trả.

Cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, quân nhân dự bị được huy động thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân theo quyết định của cấp có thẩm quyền bị tai nạn thì được hưởng chế độ theo quy định của Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ và Luật Lực lượng dự bị động viên.

Về kinh phí chi trả các chế độ khi ốm đau, tai nạn hoặc bị chết, dự thảo quy định: 

- Đối với người không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước bảo đảm;

- Đối với người có tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thì tiền khám chữa bệnh do quỹ bảo hiểm chi trả; người có tham gia đóng bảo hiểm xã hội thì chế độ tử tuất và chế độ trợ cấp một lần hoặc hàng tháng do quỹ bảo hiểm xã hội chi trả.

Theo dự thảo, người được huy động tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân mà hy sinh hoặc bị thương trong khi thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; trực tiếp làm nhiệm vụ diễn tập hoặc làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm; đặc biệt dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước của Nhân dân hoặc mất tích trong các trường hợp nêu trên theo quy định tại điểm e, g, k và l khoản 1 Điều 24 và điểm e, g và k khoản 1 Điều 23 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 thì được cơ quan có thẩm quyền xem xét, công nhận là liệt sĩ, thương binh và người được hưởng chính sách như thương binh theo quy định.

PV

Các tin khác