/ Pháp luật - Đời sống
/ Chết do tự tử có hết trách nhiệm pháp lý?

Chết do tự tử có hết trách nhiệm pháp lý?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Luật sư cho biết, theo quy định của pháp luật Việt Nam thì trách nhiệm pháp lý chỉ đặt ra đối với pháp nhân còn tồn tại, thế nhân còn sống. Bởi vậy, nếu trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử hoặc thi hành án hình sự mà người bị buộc tội đã chết thì trách nhiệm hình sự đối với họ sẽ được đình chỉ. Còn vấn đề bồi thường thiệt hại dân sự thì vẫn đặt ra nếu như họ còn tài sản để lại.

Ảnh minh họa.

Cá nhân, bị can, bị cáo... chết do tự tử có hết trách nhiệm pháp lý, pháp luật quy định thế nào về vấn đề này? Theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo quy định của pháp luật Việt Nam thì trách nhiệm pháp lý chỉ đặt ra đối với pháp nhân còn tồn tại, thế nhân còn sống. Bởi vậy, nếu trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử hoặc thi hành án hình sự mà người bị buộc tội đã chết thì trách nhiệm hình sự đối với họ sẽ được đình chỉ.

Còn vấn đề bồi thường thiệt hại dân sự thì vẫn đặt ra nếu như họ còn tài sản để lại.

Thực tế, trong giải quyết các vụ án hình sự thời gian gần đây không ít những trường hợp bị can, bị cáo cho rằng mình bị oan nên phản ứng tiêu cực bằng cách tự tử. Trong những trường hợp này thì sẽ chấm dứt trách nhiệm hình sự.

Có những trường hợp biết hành vi phạm tội của mình bị phát hiện thì nghi phạm cũng tự tử, nếu không còn người khác phạm tội, không có đồng phạm khác thì cơ quan tố tụng cũng đình chỉ vụ án hoặc không khởi tố vụ án hình sự nếu như chưa khởi tố.

Luật sư Cường cho biết, theo quy định tại Điều 230, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì trường hợp bị can chết, cơ quan điều tra phải ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can đó.

Điều 230. Đình chỉ điều tra

1. Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2, Điều 155 và Điều 157 của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của Bộ luật hình sự;

b) Đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.

2. Quyết định đình chỉ điều tra ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định, lý do và căn cứ đình chỉ điều tra, việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trả lại tài liệu, đồ vật đã tạm giữ (nếu có), việc xử lý vật chứng và những vấn đề khác có liên quan.

Trường hợp vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả bị can thì có thể đình chỉ điều tra đối với từng bị can.

3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định đình chỉ điều tra kèm theo hồ sơ vụ án của Cơ quan điều tra, nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra có căn cứ thì VKS phải trả lại hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra để giải quyết theo thẩm quyền, nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra không có căn cứ thì hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra phục hồi điều tra, nếu thấy đủ căn cứ để truy tố thì hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra và ra quyết định truy tố theo thời hạn, trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật này.

Đối với trường hợp chưa khởi tố vụ án hình sự mà nghi phạm duy nhất đã chết thì cũng sẽ không khởi tố, cụ thể tại khoản 7, Điều 157, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về căn cứ không khởi tố vụ án hình sự đã nêu rõ: "Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác".

Theo quy định tại Điều 615, Bộ luật Dân sự 2015 quy định việc thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như sau: Nếu hành vi phạm tội của bị can đã mà chết gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường thiệt hại đó theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận các bên. Và những người thừa kế của bị can, bị cáo đã chết sẽ được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trách nhiệm của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan này được xác định: Nếu người chết là bị can để lại di sản thì di sản này sẽ được dùng để thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho người bị thiệt hại. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có trách nhiệm phối hợp giải quyết; Nếu người chết là bị can để lại di sản trong đó có phần của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (như tài sản chung vợ chồng, tài sản chung với người khác) thì cơ quan tố tụng phải xác định phần tài sản của người chết là bao nhiêu thì phần đó là di sản và phải dùng để thực hiện nghĩa vụ của người chết là bị can đối với bị thiệt hại hại. Sau đó, nếu còn dư thì sẽ chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất như cha mẹ, vợ con.

Nếu bị can, bị cáo đã chết không còn tài sản thì người bị thiệt hại không có căn cứ để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Người thân của người này không có nghĩa vụ phải bồi thường thay, trừ khi họ tự nguyện bồi thường thay người đã chết.

Thực tế có nhiều trường hợp người bị buộc tội, bị can, bị cáo, người đang chấp hành án hình sự tự tử bởi nhiều lý do khác nhau, trong đó có thể kể đến như sợ chế tài, xấu hổ, bất lực, tuyệt vọng bất bình bất bình trước các hành vi tố tụng

Bởi vậy, để giảm thiểu những vụ việc người bị buộc tội, bị can, bị cáo, người chấp hành án hình sự tự tử thì việc làm công tác tư tưởng với họ là rất quan trọng. Nếu không có sự động viên, giúp đỡ, không nhận được sự quan tâm của gia đình, bao dung của xã hội và những hành vi tố tụng phù hợp thì rất có thể sẽ tác động đến tâm lý của họ, tạo ra những suy nghĩ và hành động tiêu cực. Với những người bị tạm giam, tạm giữ, bị buộc tội thì họ luôn cảm thấy lo lắng, sợ hãi, dằn vặt và có thể còn là bức xúc, không ít người đã nghĩ đến chuyện tự tử để giải thoát, giải quyết vấn đề một cách tiêu cực.

Do đó, sự quan tâm, động viên, chia sẻ của gia đình, người thân, của người những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng đối với họ là cần thiết. Một điều quan trọng nữa là hoạt động tố tụng phải được thực hiện đúng chính sách và pháp luật trên cơ sở tôn trọng quyền con người, quyền của bị can bị cáo. Việc xét xử hình sự phải tuân thủ các quy định của pháp luật đảm bảo những bản án có tình có lý, đúng pháp luật. Khi bản án được tuyên mà thấu tình đạt lý thì nhưng phạt đứng tiêu cực của bị cáo mới ít xuất hiện và mới đảm bảo để việc thi hành án được thực hiện một cách tốt nhất.

Trường hợp người bị buộc tội, bị can, bị cáo, phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù mà tự tử thì cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong trường hợp có hành vi bức cùng, dùng nhục hình, hoặc có những hành vi vi phạm tố tụng khác là nguyên nhân của việc tự tử thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm cũng sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

"Người bị buộc tội là người yếu thế trong xã hội, họ cần được hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để thực hiện quyền theo quy định của pháp luật tránh oan sai, tránh bị đối xử thiếu công bằng. Vì vậy, để hoạt động tố tụng văn minh, lành mạnh, để đảm bảo quyền công dân, quyền con người, quyền của bị can bị cáo theo quy định pháp luật thì đòi hỏi những người tiến hành tố tụng phải tuân thủ các quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, phải có chuyên môn nghiệp vụ tốt phải hướng đến những kết quả giải quyết thấu tình đạt lý. Ngoài ra, vấn đề làm công tác tư tưởng, hỗ trợ, giúp đỡ đối với những người bị buộc tội là rất cần thiết. Trong đó, có vai trò và trách nhiệm của người thân và người bào chữa. Nếu kịp thời động viên giúp đỡ, tạo điều kiện cho họ thực hiện đầy đủ các quyền của mình theo quy định pháp luật, động viên về mặt tinh thần thì sẽ giảm thiểu những suy nghĩ và hành động tiêu cực, trong đó có hành động tự tử", Luật sư bày tỏ quan điểm.

HOÀNG NGUYỄN

Vụ Triệu Quân Sự vượt ngục lần thứ 3 và bị bắt: Có phải chịu thêm trách nhiệm hình sự?

Lê Minh Hoàng