/ Trao đổi - Ý kiến
/ Chi cục trưởng THA dân sự bị đầu độc ở Thanh Hóa: Có xử lý được người bán xyanua?

Chi cục trưởng THA dân sự bị đầu độc ở Thanh Hóa: Có xử lý được người bán xyanua?

05/01/2021 18:02 |3 năm trước

(LSO) - Theo đó, nếu người bán xyanua biết động cơ mục đích hung thủ để đầu độc người khác mà vẫn cung cấp, thì sẽ bị xem xét vai trò đồng phạm tội "Giết người”

Trước đó liên quan đến vụ việc Chi cục trưởng Thi hành án (THA) dân sự TP. Thanh Hoá bị đầu độc. Công an lấy mẫu rượu tại Công ty Á Âu đã được mọi người uống trưa ngày 20/4 trong bữa cơm để đưa đi giám định thì kết quả trong rượu có chất độc xyanua.

Hiện trường vụ việc

Theo như kết quả xác minh ban đầu cho thấy, ông Trần Xuân Minh làm nghề kinh doanh chế tác vàng, vợ là Lê Thị Phương làm nghề môi giới bất động sản. Gần đây, giữa 2 vợ chồng thường xảy ra mâu thuẫn do kinh doanh thua lỗ và ông Minh nghi ngờ chị Phương cặp bồ. Không ít lần ông Minh dọa giết bà Phương sau đó tự sát.

Khoảng 12h20 ngày 20/4, tại Công ty Á Âu có 6 người cùng ăn trưa uống rượu là: ông Đặng Phạm Viên, Chi cục Trưởng chi Cục thi hành án Dân sự TP. Thanh Hóa; ông Nguyễn Ngọc Thọ, Chủ tịch HĐQT Công ty Á Âu; ông Lê Chiến Thắng, trú tại phường Nam Ngạn, TP. Thanh Hóa; bà Lê Thị Hòa, trú ở phường Ba Đình TP. Thanh Hóa; bà Trương Thị Xuyến, ở đường Đỗ Đại, phường Quảng Thắng, TP. Thanh Hóa và bà Lê Thị Phương. Trong bữa ăn, ông Viên, ông Thọ, bà Xuyến uống rượu trước và một lát sau có dấu hiệu của trúng độc. Các nạn nhân được đưa đi cấp cứu, ông Viên chết ngay sau đó, bà Xuyến nhấp môi nên bị nhẹ, ông Thọ nôn được ra ngoài.

Theo nhận định ban đầu, do mâu thuẫn vợ chồng nên ông Minh nảy sinh ý định đầu độc bà Phương cùng mọi người ở Công ty Á Âu. Sau khi bị phát hiện ông Minh đã uống chất độc để tự sát.

Ngày 22/4, theo thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, 2 nạn nhân ông Thọ và bà Xuyến sức khỏe ổn định đã xuất viện. Hiện Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án “Giết người” để điều tra làm rõ.

Chất độc nguy hiểm nhưng chỉ cần có "tiền" là mua dễ dàng

Thật bất ngờ là là xyanua, dù kịch độc, có thể giết người trong nháy mắt, nhưng lại đang được bán quá công khai, mua quá dễ, và điều kiện - rất chua chát: Chỉ cần có tiền. 

Chất kịch độc cyanua giết ngừoi không để lại dấu vết.
Chất kịch độc xyanua (có tên gọi khác là cyanide) giết người không để lại dấu vết.

Khác với vũ khí quân dụng - hay còn gọi là hàng nóng, cả axit sunric và kali xyanua đều không phải là “hàng quốc cấm” khi nó vẫn được sử dụng phổ biến trong các ngành công  nghiệp. 

Axit và xyanua không có lỗi và sự tồn tại của nó không phải là nguyên nhân gây ra những vụ án kinh hoàng, hạ độc giết người hàng loạt, như vụ án thương tâm trên. Vấn đề chỉ ở chỗ nó được mua bán quá công khai, quá dễ. Người mua không cần trình bày mục đích. Người bán không thậm chí hỏi lý do. Dễ đến mức là chỉ cần có tiền. 

PGS. TS. Trần Hồng Côn (khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) nhận định, Natri xyanua là một chất kịch độc, gây chết người chỉ cần một liều lượng cực thấp. Cùng với Kali xyanua, hợp chất Natri xyanua được liệt kê là một trong những chất độc đầu bảng trên thế giới.

Mặc dù xyanua cũng là chất độc nằm trong danh mục các chất cấm, nhưng trong thực tế, người ta có thể mua đến gần 93.800kg để cung cấp cho “vàng tặc” như trong một vụ án từng được xét xử ở Quảng Nam.

Người bán xyanua bị xử lý thế nào?

Trao đổi với PV về vụ án trên, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP. HCM nhận định, nếu có kết luận xác định ông Minh chính là nghi phạm thì cơ quan điều tra cần phải xác minh việc người cung cấp hóa chất có biết hay không biết động cơ, mục đích dùng để đầu độc của người thực hiện tội phạm để có căn cứ xử lý.

“Trong trường hợp vụ việc diễn ra đúng như báo chí phản ánh thì người thực hiện hành vi nêu trên đã thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm của tội “Giết người” với các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như: Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người và “Vì động cơ đê hèn” theo quy định tại các điểm l và q, khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự. Khung hình phạt cao nhất đối với người phạm tội theo khoản này là tử hình”.

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn luật sư TP. Hà Nội.

Ngoài ra, Luật sư cũng nhấn mạnh, để dẫn đến cái chết này thì nghi phạm đã có hành vi mua bán sử dụng hóa chất độc hại một cách trái phép. Tội này được quy định tại Điều 311 tội "Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc". Theo điều luật, hậu quả dẫn đến một người sẽ bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

Tuy nhiên nghi phạm là Ông Trần Xuân Minh đã tử vong, theo đó luật sư cũng nêu phải cần tìm ra người cung cấp chất độc nguy hiểm trên, để làm sáng tỏ hơn vụ án hạ độc này.

Theo Luật sư Bình, cơ quan điều tra cần xác minh, làm rõ việc người cung cấp hóa chất xyanua có biết hay không biết động cơ, mục đích dùng để đầu độc của người thực hiện tội phạm. Trong trường hợp người bán xyanua biết động cơ mục đích của nghi phạm là ông Minh để đầu độc người khác mà vẫn cung cấp, thì rõ ràng người bán hóa chất sẽ bị xem xét vai trò đồng phạm tội “Giết người” với người thực hiện hành vi phạm tội.

Trong trường hợp người cung cấp hóa chất xyanua không biết đến mục đích sử dụng hóa chất để thực hiện hành vi phạm tội của nghi phạm thì sẽ không có căn cứ để xử lý hình sự về tội giết người với hành vi đồng phạm. Nhưng xem xét trách nhiệm hành chính hoặc hình sự trong việc kinh doanh, cung cấp hóa chất độc hại này.

Theo quy định pháp luật hiện hành, các hợp chất của xyanua thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp (Phụ lục II – Nghị định số: 113/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ).

Đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đồng nghĩa với việc kinh doanh các loại hóa chất này phải tuân theo các điều kiện quy định tại Luật Hóa chất năm 2007 và Nghị định số 113/2017/NĐ-CP. Nếu việc bán hóa chất này một cách tùy tiện, không tuân theo quy định thì hành vi này đã có dấu hiệu hình sự của Tội vi phạm quy định về quản lý chất cháy, chất độc theo khoản a Điều 312 Bộ luật hình sự. Theo đó, người nào vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, mua bán hoặc xử lý chất cháy, chất độc gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Làm chết người Luật sư Diệp Năng Bình cho hay.

T. PHONG
/chi-cuc-truong-thi-hanh-an-dan-su-tp-thanh-hoa-bi-dau-doc-bang-cyanua.html