Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn.
Ngày 30/4/1975, đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử dân tộc ta, đó là kết quả của sự đoàn kết, nhất trí, đồng lòng muôn người như một trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc cũng như sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta với người đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã sáng lập, rèn luyện Đảng ta không ngừng vươn lên, phát triển, đáp ứng với nhiệm vụ mà lịch sử giao phó.
Nhân dân tôn kính gọi Người là Bác Hồ bởi Người là người cha thân yêu của lực lượng vũ trang, Người đã tiếp thêm sức mạnh Quân đội ta chiến thắng mọi kẻ thù. Người - Vị lãnh tụ thiên tài chỉ ra con đường đi đến thắng lợi của Cách mạng Việt Nam.
55 ngày đêm với khí thế tiến công “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” quân và dân ta đã tiêu diệt, bắt sống, làm tan rã hoàn toàn đội quân ngụy gồm 1.000.000 tên, làm sụp đổ toàn bộ, bộ máy ngụy quyền Sài Gòn, đập tan ách thống trị thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Thực hiện Di chúc của Bác Hồ: “Cuộc chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn, song nhất định thắng lợi hoàn toàn… Tổ quốc ta nhất định thống nhất, đồng bào Nam - Bắc sẽ sum họp một nhà” đã được quân và dân thực hiện xuất sắc.
Chiến thắng 30/4/1975 kết thúc quá trình 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, đô hộ hơn 01 thế kỷ của chủ nghĩa đế quốc. Thắng lợi ấy đã mở ra một giai đoạn lịch sử mới của dân tộc ta, cả nước độc lập, đi lên chủ nghĩa xã hội. Cuộc chiến anh dũng vô song, bằng chiến thắng lịch sử mang ý nghĩa thời đại, đã đưa dân tộc ta lên một tầm vóc mới, chứng minh cho thế giới thấy sự phá sản của chủ nghĩa thực dân mới là một tất yếu. Đồng thời, làm đảo lộn chiến lược toàn cầu của Mỹ, làm thức tỉnh lương tri loài người, khích lệ các dân tộc bị áp bức, các nước nhỏ đẩy mạnh các cuộc đấu tranh giải phóng, tiến lên làm chủ vận mệnh của mình, cùng phấn đấu vì sự nghiệp cao cả của nhân loại.
Đại thắng mùa Xuân 1975 là thành quả của trí tuệ con người Việt Nam, trong thời đại Hồ Chí Minh. Trong hoàn cảnh phải đương đầu với một đế quốc mạnh hơn mình gấp nhiều lần về các mặt, nhất là về kinh tế, tiềm lực quốc phòng, khoa học công nghệ. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta có sự nỗ lực phi thường, vươn lên với tầm cao ý chí và trí tuệ, sáng tạo trong cuộc chiến tranh nhân dân giành thắng lợi toàn diện. Chiến thắng của quân và dân ta làm cho kẻ thù bên kia chiến tuyến phải tâm phục, khẩu phục. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara nhìn lại và viết: “Tại sao nhóm người giỏi nhất và thông minh nhất ấy lại mắc sai lầm về Việt Nam? Chúng tôi mắc nợ các thế hệ tương lai”. Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger viết: “Hà Nội chỉ chiến đấu với một lẽ duy nhất, đó là lòng yêu nước của họ. Và một nước Việt Nam thống nhất dưới sự lãnh đạo của người cộng sản Việt Nam, chiến thắng vào năm 1975 chính là mối đe dọa chiến lược to lớn đối với Trung Quốc còn hơn đối với Mỹ”. Giáo sư G.Herring nhà sử học có uy tín ở Mỹ nhận xét về chiến thắng 30/4: “Hoa Kỳ như bị một cái tát vào mặt khi miền Nam Việt Nam sụp đổ năm 1975”.
Chúng ta chiến thắng, bởi Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá đúng sức mạnh của kẻ thù, nhận định trúng những chỗ kẻ thù còn yếu. Đây là vấn đề cốt lõi, cơ sở quan trọng để Đảng ta, Bác Hồ đề ra nhiệm vụ chiến lược, quyết sách đấu tranh giải phóng đất nước như: “Đánh bại địch từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn, giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhiệm vụ cách mạng miền Bắc và chiến đấu giải phóng miền Nam tạo nên sức mạnh to lớn đánh bại kẻ thù. Giữ vững độc lập tự chủ, thực hiện tốt đường lối đối ngoại mềm dẻo nhằm tăng cường đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các nước trên thế giới, phát huy sức mạnh dân tộc, sức mạnh thời đại”.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi bởi nó đã thừa kế truyền thống các cuộc kháng chiến của dân tộc. Trực tiếp là những tinh hoa, kinh nghiệm, bài học lớn về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, do đó Đảng ta, Bác Hồ ta hình thành tư tưởng chỉ đạo mang tính nguyên tắc: “Ba vùng chiến lược”; “Kết hợp quân sự, chính trị, ngoại giao”.
Kỷ niệm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước chúng ta càng tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, tự hào Nhân dân ta anh hùng, tự hào về một đội quân bách chiến, bách thắng.
Hiện nay, tình hình trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, đất nước ta có nhiều thuận lợi, nhưng còn có vô vàn khó khăn. Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng từ khi đất nước thống nhất đến nay đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các mặt.
Đặc biệt, từ khi Đảng ta thực hiện công cuộc đổi mới quy mô trình độ kinh tế được nâng lên, đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân được cải thiện. Đất nước chưa bao giờ có cơ đồ, uy tín như ngày nay. Đất nước ta đang vượt qua khó khăn thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ, phát triển nhanh và bền vững.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá ấn tượng giai đoạn đầu thực hiện công cuộc đổi mới (1986-1990) mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm chỉ đạt 4,4%, thì giai đoạn 1991-1995, GDP bình quân tăng gấp đôi đạt 8,2%, các giại đoạn sau đó đều có mức tăng trưởng khá cao, giai đoạn năm 2016-2019 đạt mức bình quân 6,8%. Năm 2020 chịu ảnh hưởng nặng nề dịch Covid-19 nhưng kinh tế Việt Nam thuộc trong nhóm các nước tăng trưởng cao nhất so với khu vực.
Đời sống người dân cả về vật chất tinh thần được cải thiện rõ rệt, năm 1985 bình quân thu nhập đầu người 159 USD/năm, đến năm 2020 đạt khoảng 2.750 USD/năm. Công tác giảm nghèo trên cả nước đạt được đạt được những thành tựu ấn tượng. Tỉ lệ hộ nghèo trên cả nước giảm từ 58% (năm 1993) xuống 22% (năm 2005), đến năm 2020 còn dưới 03% (theo chuẩn nghèo đa chiều).
Quy mô giáo dục tiếp tục được phát triển, cơ sở vật chất được nâng cao, chất lượng đào tạo từng bước đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực. Nhiều chỉ số về giáo dục phổ thông của Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực như: Tỉ lệ huy động trẻ 06 tuổi vào lớp 1 đạt 99% (đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN) tỉ lệ học sinh đi học và hoàn thành chương trình tiểu học sau 05 năm đạt 92,08% top đứng đầu khối ASEAN.
Các trường đại học Việt Nam được nâng lên trong bảng xếp hạng Châu Á và thế giới. Lần đầu tiên Việt Nam có 04 cơ sở giáo dục Đại học đạt top 1.000 trường Đại học tốt nhất thế giới.
Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia có hệ thống y tế hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp đến tận thôn, bản, làm chủ nhiều kỹ thuật công nghệ cao mang tầm thế giới như: Ghép chi, tim, gan, thận, kiểm soát được nhiều dịch bệnh nguy hiểm, trong đó có dịch Covid-19.
Năm 2021, đại dịch Covid-19 đẩy kinh tế thế giới rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ năm 1930, kéo tăng trưởng xuống mức âm 3,1%. Trong bối cảnh đó, nước ta đã có những nỗ lực rất lớn để phục hồi nền kinh tế và đảm bảo sức khỏe, an sinh xã hội đối với người dân.
Ước tính GDP năm 2021 tăng 2,58%, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 4.05%, khu vực dịch vụ tăng 1,22%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,37%. Nhờ sự chỉ đạo sát của Chính phủ, vào cuộc quyết liệt của các bộ, ban, ngành Trung ương, chính quyền địa phương, sự nỗ lực chủ động vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xúc tiến thương mại đã duy trì sản xuất và xuất khẩu với tổng kim ngạch kỷ lục là 668,5 tỉ USD, tăng 22,6% so với năm 2020.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 336,25 tỉ USD, tăng 19% so với năm trước. Khu vực kinh tế trong nước ước đạt 88,71 tỉ USD tăng 13,4% so với năm trước, khu vực vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 247,54 tỉ USD, tăng 21,1% so với năm trước. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 01 tỉ USD, chiếm 93,8% tổng kim ngạch xuất khẩu ( có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD, chiếm 69,7%).
Trong năm, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 332,25 tỉ USD, tăng 26,5% so với năm 2020. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 114,07 tỉ USD tăng 21,8%, khu vực vốn đầu tư nước ngoài đạt 218,18 tỉ USD, tăng 29,1%. Có 47 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 01 tỉ USD, chiếm tỉ trọng 94,1% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Quý 1 năm 2022 tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 5,03%, so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,07%, khu vực dịch vụ tăng khởi sắc, hoạt động tài chính ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,75% so với cùng kỳ năm trước.
Thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến ngày 15/3/2022 đạt 25,55% dự toán năm. Chi ngân sách ước đạt 15,6% dự toán năm.
Lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong Quý 1 đời sống người dân còn khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Công tác an sinh xã hội từ Trung ương đến địa phương được quan tâm, trị giá quà tặng cho các đối tượng bảo trợ xã hội từ nguồn ngân sách và xã hội hóa gần 01 tỉ đồng; Trị giá tiền, quà thăm hỏi và hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo gần 1,3 tỉ đồng; Trị giá tiền, quà cho các đối tượng ưu đãi là người có công, thân nhân người có công với cách mạng gần 2,1 nghìn tỉ đồng. Hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ đạt gần 38,6 nghìn tỉ đồng cho trên 13 triệu lượt người lao động và 363,6 nghìn đơn vị/ hộ kinh doanh sử dụng lao động.
Ngày 15/3/2022, Chính phủ ra Quyết định số 340/QĐ-TT cấp xuất 1.006,6 tấn gạo từ nguồn dữ trữ quốc gia cho người dân thiếu đói Sơn La và Điện Biên.
Với tinh thần chiến thắng 30/4 bất diệt, mọi người chúng ta càng đoàn kết, chung sức, chung lòng, dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh vượt qua khó khăn, phòng chống dịch Covid-19 có hiệu quả, thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ tranh thủ thời gian đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
HẢI HƯNG