/ Luật sư - Bạn đọc
/ Chiêu trò lừa đảo mới trong mùa dịch Covid-19: Người dân cần làm gì để tự bảo vệ mình?

Chiêu trò lừa đảo mới trong mùa dịch Covid-19: Người dân cần làm gì để tự bảo vệ mình?

23/07/2021 02:32 |

(LSVN) - Đánh vào tâm lý hoang mang, lo sợ của người dân trước đại dịch toàn cầu Covid-19, nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để thực hiện nhiều chiêu trò lừa đảo tinh vi đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Chính vì, cần phải siết chặt hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Luật sư Đặng Hồng Dương, Giám đốc Công ty Luật Sao Sáng.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, tình trạng tội phạm lừa đảo qua mạng internet liên quan đến dịch bệnh đang gia tăng tại nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, thời gian qua, đã xuất hiện tình trạng lừa đảo tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 giả mạo, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, không an toàn. Bên cạnh đó, đã xuất hiện nhiều lời mời các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mua, nhập khẩu vaccine phòng Covid-19 hoặc tiêm chủng cho người lao động, đối tác, khách hàng qua điện thoại, thư điện tử, tờ rơi quảng cáo, mạng xã hội… Nhiều người cho biết họ đã nhận được một thư điện tử, hướng dẫn đăng ký tiêm phòng tự nguyện, kèm theo một đường link đến một địa chỉ website, email yêu cầu cung cấp thông tin thẻ tín dụng, tài khoản, mã OTP và yêu cầu chuyển trước khoản tiền hơn 1 triệu đồng. Sau đó, họ còn được đề nghị truy cập vào đường link trong thư để xác thực việc đăng ký tiêm phòng đã thành công.

Mới đây, Công an TP. HCM có thông tin cảnh báo về việc nhiều đối tượng xấu có thể lợi dụng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp để thực hiện hành vi trộm, cướp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Cụ thể, Công an TP. HCM cảnh báo một số phương thức, thủ đoạn có thể xảy ra như: giả dạng nhân viên y tế, mặc trang phục kín đến tận nhà, mời gọi người dân phun thuốc phòng dịch, phát "thuốc diệt khuẩn" để lừa đảo thu tiền của người dân; hoặc giả mạo nhân viên y tế, đại diện thương mại cho các nhà sản xuất vaccine Covid-19 thông báo sở hữu, cung cấp dịch vụ hoặc được quyền tiếp cận vaccine Covid-19 và đề nghị người dân đưa tiền đặt cọc để tiêm chủng sau đó chiếm đoạt hoặc cung cấp vaccine Covid-19 giả. 

Theo Luật sư Đặng Hồng Dương, Giám đốc Công ty Luật Sao Sáng, căn cứ điểm c khoản 1 điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Ngoài ra, nếu như một người dùng thủ đoạn gian dối là đưa thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác, giá trị tài sản chiếm đoạt trên hai triệu đồng trở lên, người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp thì có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), cụ thể:

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Theo đó, nếu như thoả mãn các yếu tố cấu thành tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" như phân tích bên trên thì người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Ngoài ra, tuỳ theo tính chất, mức độ có thể bị áp dụng khung hình phạt tăng nặng theo quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).  

Luật sư Đặng Hồng Dương cho biết thêm, trước thực trạng nguy hiểm nêu trên, chính Bộ Y tế đã ban hành văn bản về tăng cường truyền thông cảnh báo lừa đảo, giả mạo tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần phối hợp cùng lực lượng y tế thực hiện công tác điều tra, truy vết, kịp thời khoanh vùng, dập dịch và đảm bảo an ninh trật tự tại các địa điểm khu vực phong tỏa, giãn cách xã hội, các địa điểm tổ chức tiêm vaccine ngừa Covid-19, các địa điểm tổ chức lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tầm soát diện rộng trong cộng đồng trên địa bàn, các khu công nghiệp, các doanh nghiệp tổ chức vừa cách ly,… Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương và sở, các ban ngành liên quan tăng cường tuyên truyền cho người dân nâng cao cảnh giác đối với các hành vi lợi dụng mùa dịch để phạm tội. 

Các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường nắm giữ tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động lợi dụng công tác phòng, chống dịch Covid-19 để trục lợi cá nhân; đẩy mạnh công tác tấn công trấn áp tội phạm, tăng tỷ lệ điều tra, khám phá án; tập trung nắm chắc tình hình trên lĩnh vực y tế, nhất là hoạt động lừa đảo tiêm ngừa, buôn lậu vaccine ngừa Covid-19.

Thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19, Bộ Y tế đã và đang tích cực đàm phán với các nhà sản xuất vaccine, các tổ chức quốc tế mua và nhập khẩu số lượng lớn vaccine để tổ chức tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho tất cả người dân đang sinh sống tại Việt Nam. Vaccine được tiêm chủng miễn phí cho người dân do vậy người dân cần bình tĩnh, chờ đợi đến lượt mình được tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 khi cơ quan y tế thông báo.

Người dân cần làm gì để bảo vệ chính mình? 

Để bảo vệ chính mình, người dân cần nâng cao cảnh giác trước những lời mời đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19 lan truyền trên mạng xã hội, tin nhắn, tờ rơi và các hình thức quảng cáo khác; chỉ đi tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tại các cơ sở y tế, cơ sở đào tạo y, dược và các cơ sở, điểm tiêm chủng đủ điều kiện hoạt động; tuyệt đối không tiêm những loại vaccine phòng Covid-19 trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không được Bộ Y tế kiểm định, cấp phép.

Người dân khi nghi ngờ nhận thấy các dấu hiệu của hành vi lừa đảo liên quan đến các thông tin về cung cấp dịch vụ về sức khoẻ hay tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cần phải báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan y tế địa phương. Ngoài ra, không nên khai báo, cung cấp các thông tin cá nhân như số chứng minh nhân dân, số tài khoản ngân hàng, hình ảnh cá nhân,… để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc về người và tài sản.

Đồng thời, mỗi người dân nên lưu số điện thoại của trạm y tế, trung tâm y tế nơi mình sinh sống để dễ dàng cho việc khai báo, liên hệ khi cần thiết; thường xuyên theo dõi thông tin chính thức từ ngành y tế của địa phương nơi cư trú để nắm bắt thông tin chính xác.

Tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 là quyền lợi đối với bản thân, là trách nhiệm đối với cộng đồng. Nếu người dân nhẹ dạ, cả tin, nôn nóng tiêm phòng để được miễn dịch sớm, rất dễ “tiền mất, tật mang”, gây nguy hại đến sức khỏe, hậu quả khó lường. Đồng thời, nâng cao ý thức cảnh giác, sớm phát hiện, ngăn chặn ngay, ngăn chặn có hiệu quả những kẻ làm vaccine giả, bán vaccine giả, những kẻ tiêm phòng “chui” với nhiều chiêu trò lừa đảo. Hành động sáng suốt của mỗi người sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, thực hiện thắng lợi chiến dịch tiêm phòng trên phạm vi cả nước. 

YÊN NHI

Nghị quyết của Chính phủ về mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch Covid-19

Lê Minh Hoàng