Ngày 07/4, nhật báo Granma (Cuba) đưa tin chính phủ nước này đang soạn thảo nghị quyết về cơ chế mới trong “quản lý, kiểm soát và phân bổ ngoại tệ", đồng thời nghiên cứu đề xuất điều chỉnh hệ thống tỉ giá hiện hành.
Thứ trưởng thứ nhất Bộ Kinh tế và Kế hoạch Mildrey Granadillo cho biết đây là hai nội dung trọng tâm nhằm “khắc phục sai lệch và phục hồi kinh tế".
Hiện Cuba áp dụng hai mức tỉ giá cố định là 1 USD đổi 24 peso (CUP) cho tổ chức và 01 USD đổi 120 CUP cho cá nhân, trong khi tỉ giá thị trường chợ đen lên tới 365 CUP đổi 01 USD.
Chênh lệch lớn giữa tỉ giá chính thức và phi chính thức đã gây ra hàng loạt hệ lụy như đẩy giá nhập khẩu tăng vọt, gia tăng chi phí cho doanh nghiệp nước ngoài và làm suy yếu hệ thống ngân hàng nhà nước.

Đồng peso của Cuba. Ảnh: NNN/TTXVN.
Chính phủ Cuba cũng đang hoàn thiện lộ trình triển khai cơ chế quản lý ngoại tệ mới, đồng thời tham vấn các chuyên gia do tính chất phức tạp của vấn đề. Tình trạng thiếu ngoại tệ trầm trọng từ năm 2023 khiến nhiều doanh nghiệp nhà nước lẫn tư nhân không thể thực hiện kế hoạch kinh doanh do không tiếp cận được nguồn ngoại tệ.
Bên cạnh đó, Cuba tiếp tục rà soát các cơ chế tự chủ tài chính bằng ngoại tệ cho một số ngành ưu tiên như y tế, công nghệ sinh học, thuốc lá, du lịch và năng lượng. Đây được xem là biện pháp tạm thời giúp các lĩnh vực then chốt duy trì hoạt động.
Nền kinh tế Cuba đối mặt với khủng hoảng kéo dài 5 năm qua, biểu hiện qua tình trạng thiếu hụt lương thực-thuốc men-nhiên liệu, lạm phát cao, đôla hóa gia tăng và cắt điện luân phiên.
Các lệnh bao vây cấm vận, đại dịch cùng chính sách kinh tế thiếu hiệu quả khiến hòn đảo này chìm sâu vào khó khăn khi thiếu vắng mô hình phát triển bền vững.