(LSVN) - Trường đại học Tôn Đức Thắng là một mô hình tốt, là điểm sáng của giáo dục đại học và tự chủ đại học, trong đó có sự đóng góp của Đảng, Nhà nước, chính quyền TP. HCM, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tập thể cán bộ, giáo viên và ban lãnh đạo nhà trường, trong đó có Hiệu trưởng là rất đáng trân trọng, còn việc xử lý cán bộ thì phải tuân theo các quy định của Đảng, pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định khi trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (tỉnh Cà Mau) về việc cách chức hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có đúng quy định theo Luật Giáo dục đại học hay không.
Phó Thủ tướng cho biết đây là một vấn đề được công luận rất quan tâm. Chính phủ ủng hộ mô hình tự chủ của Trường đại học Tôn Đức Thắng.
Luật Giáo dục đại học đã quy định rất rõ Hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất ở trường. Các chức danh lãnh đạo, bao gồm hiệu trưởng, do Hội đồng trường quyết và đề nghị cấp có thẩm quyền, trong trường hợp Trường đại học Tôn Đức Thắng là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, phê chuẩn. Như vậy, trong trường hợp nếu có Hội đồng trường thì việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xử lý hiệu trưởng Trường đại học Tôn Đức Thắng là không đúng luật. Tuy nhiên, đây là trường hợp rất đặc thù do Hội đồng trường của Trường đại học Tôn Đức Thắng đã hết nhiệm kỳ và việc kiện toàn Hội đồng trường của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chậm trễ, do cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.
Đến thời điểm Ban Giám hiệu Trường đại học Tôn Đức Thắng, bao gồm Hiệu trưởng, nhận kỷ luật về mặt Đảng thì Trường đại học Tôn Đức Thắng không có Hội đồng trường. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT, với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, phải vào cuộc và trực tiếp lập 1 đoàn do một đồng chí Thứ trưởng làm trưởng đoàn và làm việc trực tiếp để làm rõ đúng, sai và có hướng dẫn. Trước hết phải thành lập lại hội đồng trường theo đúng quy định của pháp luật.
Trường đại học Tôn Đức Thắng là một mô hình tốt, là điểm sáng của giáo dục đại học và tự chủ đại học, trong đó có sự đóng góp của Đảng, Nhà nước, chính quyền TP. HCM, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tập thể cán bộ, giáo viên và ban lãnh đạo nhà trường, trong đó có Hiệu trưởng là rất đáng trân trọng, còn việc xử lý cán bộ thì phải tuân theo các quy định của Đảng, pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
Trước đó, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp với Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại diện lãnh đạo các cơ quan về một số vấn đề của trường ĐH Tôn Đức Thắng.
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng đã kết luận: Trường ĐH Tôn Đức Thắng là cơ sở giáo dục đại học công lập. Mọi hoạt động của trường phải phù hợp với pháp luật nói chung, pháp luật về giáo dục đại học, về công chức, viên chức nói riêng.
Hiện nay, trường ĐH Tôn Đức Thắng không có Hội đồng trường và nhiều vị trí lãnh đạo, quản lý của trường không được kiện toàn theo quy định. Bộ GD&ĐT, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần chỉ đạo trường ĐH Tôn Đức Thắng khẩn trương hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý theo đúng quy định để đảm bảo và tạo điều kiện để trường tiếp tục phát triển.
Phó Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT thành lập Đoàn công tác do một đồng chí Thứ trưởng Bộ GD&ĐT làm trưởng đoàn với sự tham gia của đại diện các cơ quan liên quan để rà soát, xem xét việc thực hiện các quy định của Luật Giáo dục đại học về thành lập Hội đồng trường và kiện toàn các vị trí lãnh đạo, quản lý của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, trên cơ sở đó, có kết luận và hướng dẫn thực hiện cụ thể.
MỸ LINH