/ Thư viện pháp luật
/ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 6 VBQPPL trong tháng 8/2022

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 6 VBQPPL trong tháng 8/2022

13/09/2022 16:08 |

(LSVN) - Theo Thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp, trong tháng 8/2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 6 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), gồm 5 Nghị định của Chính phủ và 1 quyết định của Chính phủ.

44 văn bản quy phạm pháp luật được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành  trong tháng 3/2021

Ảnh minh họa. 

Thống nhất việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao

Cụ thể, Nghị định số 50/2022/NĐ-CP ngày 02/8/2022 của Chính phủ quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. Ngoài quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập còn được quy định tại nhiều văn bản khác nhau. Vì vậy, để bảo đảm tính thống nhất, tính khả thi về thực hiện nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập, tránh sự chồng chéo thì cần có 1 Nghị định của Chính phủ để quy định thống nhất việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao làm việc trong tất cả các lĩnh vực sự nghiệp nếu có nhu cầu và trong một số trường hợp đặc biệt khác là cần thiết, có cơ sở pháp lý.

Để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong việc thực hiện quy định của pháp luật về kéo dài thời gian công tác, cũng như bảo đảm tương quan trong việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Theo đó, Nghị định quy định thống nhất: Việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức không quá 5 năm (60 tháng), tính từ thời điểm viên chức đủ tuổi nghỉ hưu theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu.

Cảng vụ thuộc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu của địa phương

Nghị định số 54/2022/NĐ-CP ngày 22/8/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa và Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28/1/2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa.

Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 65 Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28/01/2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa theo hướng quy định cảng vụ thuộc Sở Giao thông vận tải thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu của địa phương đối với các cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu đã được công bố, cấp phép hoạt động trên đường thủy nội địa quốc gia, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia, cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu có vùng đất, vùng nước vừa trên đường thủy nội địa quốc gia và đường thủy nội địa địa phương, cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu trong vùng nước cảng biển được Bộ trưởng Bộ GTVT phân cấp theo quy định.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ GTVT gồm 2 nhóm chính

Nghị định số 56/2022/NĐ-CP ngày 24/8/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT. Về cơ bản, Nghị định số 56/2022/NĐ-CP kế thừa những nội dung còn phù hợp trong Nghị định số 12/2017/NĐ-CP, đồng thời có sửa đổi, bổ sung một số nội dung cho thống nhất với quy định hiện hành cũng như tình hình thực tế. Theo đó, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ GTVT gồm 02 nhóm chính:

(1) Nhóm nhiệm vụ, quyền hạn chung: đã thể hiện bao quát các nhiệm vụ (về xây dựng văn bản pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cải cách hành chính, dịch vụ công…) theo quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 và Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ.

(2) Nhóm nhiệm vụ cụ thể của Bộ GTVT theo ngành, lĩnh vực, trong đó đã thể hiện nội dung phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ với Bộ, ngành và giữa Bộ, ngành với chính quyền địa phương cấp tỉnh, bảo đảm đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu Bộ trong quản lý nhà nước về lĩnh vực GTVT.

Cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT tại Nghị định số 56/2022/NĐ-CP đã giảm 04 đầu mối trực thuộc Bộ so với quy định tại Nghị định số 12/2017/NĐ-CP (từ 27 đầu mối xuống còn 23 đầu mối).

Kịp thời bổ sung vào danh mục quản lý những chất gây nghiện, chất hướng thần, tiền chất mới đã được kiểm soát quốc tế 

Nghị định số 57/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất.

Việc xây dựng Nghị định nhằm thay thế Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018, Nghị định số 60/2020/NĐ-CP ngày 29/5/2020 là để triển khai thực hiện hiệu quả Luật Phòng, chống ma túy năm 2021; đồng thời, kịp thời bổ sung vào danh mục quản lý những chất gây nghiện, chất hướng thần, tiền chất mới đã được kiểm soát quốc tế theo 3 Công ước của Liên hợp quốc và những chất gây nghiện, chất hướng thần có tác dụng tương tự chất ma túy đang bị lạm dụng tại Việt Nam đã được cơ quan chức năng thu giữ, giám định. Các danh mục được cập nhật để đảm bảo sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm ma túy, đồng thời đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng trong một số lĩnh vực để phát triển kinh tế, xã hội.

Rút ngắn thời hạn xử lý thủ tục cấp Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài

Nghị định số 58/2022/NĐ-CP ngày 31/8/2022 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam có một số điểm mới:

- Bỏ quy trình hai bước trong đăng ký và triển khai hoạt động (đăng ký hoạt động sau đó đăng ký thành lập Văn phòng dự án hoặc Văn phòng đại diện). Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được đăng ký hoạt động hoặc đăng ký thành lập Văn phòng đại diện với điều kiện giản tiện.

- Đơn giản hoá và rút ngắn thời hạn xử lý thủ tục cấp, gia hạn Giấy đăng ký xuống còn 30 ngày làm việc, thời hạn xử lý thủ tục sửa đổi, bổ sung, cấp lại xuống còn 25 ngày làm việc, giảm đáng kể so với quy định tại Nghị định 12 lần lượt là 45 và 30 ngày làm việc.

- Quy định thống nhất thông tin trong đơn đề nghị đối với các loại thủ tục cấp, gia hạn; rút gọn thông tin trong đơn đề nghị đối với các loại thủ tục về sửa đổi, bổ sung, cấp lại giúp đơn giản hoá thủ tục hành chính và minh bạch hoá các yêu cầu về thông tin;...

Nâng cao chất lượng đạt chuẩn nông thôn mới

Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.

Việc quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận nhằm đảm bảo thực hiện xét, công nhận và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2021-2025 công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan, đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật; làm căn cứ pháp lý cho các cơ quan, địa phương có liên quan triển khai thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng đạt chuẩn, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, đảm bảo hiệu quả, bền vững Chương trình xây dựng nông thôn mới.

PV

Thêm địa phương miễn học phí cho năm học mới 2022 - 2023

Nguyễn Mỹ Linh