/ Tin nổi bật
/ Chính phủ yêu cầu điều chỉnh chế độ tiền lương, phụ cấp cho giáo viên

Chính phủ yêu cầu điều chỉnh chế độ tiền lương, phụ cấp cho giáo viên

10/11/2022 22:50 |

(LSVN) - Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được nêu tại Nghị quyết 143/NQ-CP ngày 04/11/2022 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, tại Nghị quyết 143/NQ-CP, Chính phủ đánh giá mức tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hiện nay còn thấp; xuất hiện tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương chỉ đạo, triển khai tuyển dụng số giáo viên được Bộ Chính trị quyết định cho địa phương năm học 2022 - 2023; khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và nâng cao chất lượng giáo viên; phối hợp với Bộ Nội vụ điều chỉnh chế độ tiền lương, phụ cấp cho giáo viên.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT còn có trách nhiệm đổi mới chương trình, sách giáo khoa, giáo dục phổ thông theo yêu cầu của Quốc hội.

Chủ động phối hợp với Bộ Y tế và các địa phương tăng cường truyền thông vận động phụ huynh học sinh cho trẻ em tiêm phòng Covid-19 đầy đủ, đúng lịch.

Chủ trì, phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH khẩn trương ban hành văn bản quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hoàn thành trước ngày 30/11/2022.

Liên quan đến vấn đề tăng lương, phụ cấp cho giáo viên, vừa qua Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã lên tiếng khi tham gia giải trình trong phiên chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Theo đó, Bộ trưởng cho rằng, để ngăn chặn và giảm số lượng giáo viên thôi việc, vấn đề cấp bách là tăng lương, tăng phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo, nhất là với giáo viên mầm non và tiểu học.

Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, hiện nay, mức thu nhập của giáo viên mầm non và tiểu học ra trường sau 05 năm công tác, bình quân đạt 4,5 đến 4,7 triệu đồng, đã tính cả lương và phụ cấp ưu đãi 35%. Khi dạy được 05 năm, giáo viên sẽ có thêm phụ cấp thâm niên 05%. Người mới tuyển vào hệ thống, thu nhập chỉ khoảng 03 triệu đồng, trong 02-03 năm đầu.

Đối với giáo viên mầm non ở các vùng đặc biệt khó khăn thì được trợ cấp ưu đãi 70%, cộng thêm phụ cấp thu hút của địa phương hoặc làm việc tại các trường chuyên biệt (trường cho trẻ em cần chăm sóc đặc biệt) sau 05 năm công tác tiền lương có thể đạt 06 triệu đồng 01 tháng, nhưng số lượng không nhiều. Những giáo viên này phải làm việc trong môi trường đặc biệt khó khăn, mức lương đó chưa tương xứng công sức.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, chỉ 10 tháng năm 2022, cả nước có hơn 16.000 giáo viên bỏ việc, bình quân cứ 100 nhà giáo thì một người ra khỏi ngành. Tỉ lệ lớn thầy cô bỏ việc là ở khối mầm non, tiểu học.

Nguyên nhân chủ yếu là lương quá thấp, trong khi công việc quá nhiều vì giáo viên phải vừa dạy, vừa dỗ, vừa chăm sóc học sinh.

Một số tỉnh có chỉ tiêu nhưng không tuyển dụng được vì không có nguồn; hoặc có nguồn nhưng nhiều người lại chọn làm việc khác có thu nhập cao hơn.

Và thực trạng này đòi hỏi phải cấp bách tăng lương và phụ cấp ưu đãi cho giáo viên, nhất là khối mầm non, tiểu học.

MINH VŨ

Đề nghị không thu phí người dân khi bổ sung 'nơi sinh' vào hộ chiếu

Lê Minh Hoàng